Ra mắt cuối năm ngoái, ChatGPT gây sốt trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, nhiều công ty bắt đầu tung ra sản phẩm cạnh tranh. Một số khẳng định sẽ bắt kịp hoặc thậm chí vượt trội chatbot của công ty Mỹ.
Công ty phát triển hệ thống nhận dạng giọng nói và ngôn ngữ iFlyTek là cái tên mới nhất cho biết sản phẩm của mình có tiềm năng vượt trội so với ChatGPT. Liu Qingfeng, Chủ tịch iFlyTek, nói mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do công ty tự phát triển có tên SparkDesk có thể vượt qua ChatGPT vào tháng 10.
Trong khi đó, Baidu là hãng Trung Quốc đầu tiên tuyên bố sản phẩm của mình có thể làm đối trọng của ChatGPT. Giữa tháng 3, công ty giới thiệu Ernie Bot với khả năng trò chuyện như người thật, nhưng thực tế lại không hoạt động như mong đợi. Hôm 9/5, Baidu cho biết 300 đối tác từ những lĩnh vực khác nhau đã đăng ký sử dụng Ernie Bot.
Khoảng ba tháng trở qua, các chatbot AI giống ChatGPT nở rộ tại Trung Quốc. Ngoài SparkDesk và Ernie Bot, Alibaba công bố AI Tongyi Qianwen hồi tháng 4, hay công ty an ninh mạng 360 Security Technology bắt đầu mời đăng ký thử nghiệm sản phẩm 360 Smart Brain. SenseTime, công ty do SoftBank hậu thuẫn, cũng trình làng mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova và tích hợp vào chatbot có tên SenseChat.
Tuy nhiên, giới công nghệ đặt câu hỏi liệu sản phẩm Trung Quốc có thể bắt kịp AI của OpenAI hay không.
Trả lời 36Kr cuối tháng 3, CEO Baidu Robin Li Yanhong nói Ernie Bot "chỉ đi sau ChatGPT khoảng hai tháng". Tuy nhiên, phát biểu này bị Wang Xiaochuang, người sáng lập và cựu CEO hãng tìm kiếm lớn thứ hai Trung Quốc Sogou, phản bác gần đây. Theo ông, chatbot của Baidu "chắc chắn chậm hơn nhiều so với con số hai tháng", và tin các mô hình LLM Trung Quốc tụt hậu hơn ChatGPT ba năm.
Theo bản ghi nhớ từ Damo Academy, bộ phận nghiên cứu AI của Alibaba, bị rò rỉ tháng 4, một nhân viên nhận xét rằng chatbot Tongyi đi sau 18 tháng so với mô hình GPT-3.5 của OpenAI. Trong khi đó, GPT-4 với sức mạnh lớn hơn đã ra mắt. Alibaba không bình luận về thông tin này.
Trung Quốc đầu tư phát triển AI từ lâu. Đến 2021, doanh nghiệp nước này tuyên bố có 21 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được tạo ra và ngang hàng với Mỹ. Dù vậy, sự xuất hiện của ChatGPT được đánh giá đã làm bộc lộ điểm yếu của Trung Quốc, như thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, hạn chế xuất khẩu của Mỹ về chip AI cũng như bị giới hạn do sự kiểm duyệt của chính phủ đối với các chủ đề nhạy cảm và thiếu sức mạnh tính toán. Theo SCMP, đây là cơ sở để một số chuyên gia đánh giá AI của Trung Quốc đang đi sau nhiều năm so với các sản phẩm từ Mỹ.
"ChatGPT cho thấy mức độ hiểu biết AI của Trung Quốc chậm hơn OpenAI", Zhou Hongyi, người sáng lập công ty an ninh mạng 360 Security Technology, nói tại sự kiện China Development Forum ở Bắc Kinh, đầu tháng 4.
Bảo Lâm (theo SCMP)