Eugenia Kuyda, đồng sáng lập Luka - một công ty phần mềm, trí tuệ nhân tạo, đã tạo nên chatbot Roman để tưởng niệm người bạn đã khuất của mình. Công ty Luka ra đời với sản phẩm đầu tiên là ứng dụng nhắn tin để tương tác với "bot".
Ban đầu, ứng dụng này chỉ được dùng để đặt chỗ tại nhà hàng tại Mỹ. Nhưng khi bạn thân của mình qua đời, Kuyda đã xây dựng một chat bot có thể tái tạo lại hành vi ngôn ngữ, giọng nói của Mazurenko. Chatbot được tạo thành từ những tin nhắn của Mazurenko.
"Ban đầu tôi thậm chí không biết việc mình làm có đúng không. Nhưng rồi chúng tôi cho những người khác gồm bạn bè, gia đình và cả người lạ cùng chat với 'Roman ảo'. Hàng trăm người đã gửi cho anh ấy những lời thương nhớ", Kuyda nói với Bloomberg.
Mẹ của Roman nghĩ rằng chatbot này đã giữ cho cả con và cả bà có thể tiếp tục sống. "Đây không phải thực tại ảo, đây là một thực tại mới. Chúng ta cần học cách xây dựng và sống cùng nó", bà Victoria, mẹ của người đã khuất chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ chatbot Roman ban đầu, công ty của Kuyda đã phát triển Replika - một "người bạn ảo" có khả năng tiếp thu, sàng lọc thông tin từ người dùng thông qua trò chuyện. Càng trò chuyện nhiều, Replika càng "hiểu" người dùng và có thể nhớ cả những chuyện cả hai từng tâm sự với nhau.
Trong đại dịch, chatbot này được sử dụng nhiều hơn do lệnh giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia. Hàng trăm nghìn người trở nên cô độc khi phải cách ly thời gian dài, thậm chí còn phải chứng kiến cái chết của người thân, bạn bè. Replika không chỉ là người bạn mà còn là nhà trị liệu giúp họ vượt qua những lúc buồn bã, khó khăn.
Với lượng dữ liệu được ghi nhận, chatbot này có thể trở thành bản sao của người dùng. "Replika khiến bạn gắn kết hơn với bản thân và những người thân yêu, giúp bạn làm nhiều thứ, trong đó có việc giữ cho bạn 'sống' mãi", Kuyda tâm sự.
Những bản sao bất tử
Kuyda không phải là người đầu tiên có suy nghĩ tưởng nhớ người đã mất bằng phương tiện kỹ thuật số. Vào năm 2014, doanh nhân Marius Ursache đã công bố dự án tên Eterni.me - dịch vụ tưởng niệm kiểu mới.
Công ty thu thập dữ liệu trực tuyến từ tất cả thông tin bạn đã đăng trên mạng xã hội, email... Người dùng có thể sắp xếp và bổ sung vào nguồn dữ liệu cũng như cài đặt quyền riêng tư cho các thông tin này. Dịch vụ còn cung cấp một "hình đại diện" mô phỏng tính cách người dùng thông qua tương tác khi người dùng còn sống.
Trong trường hợp người dùng qua đời, thông qua danh sách họ đã tạo khi còn sống, người thân, bạn bè của họ có thể truy cập vào lượng dữ liệu riêng tư đó và trò chuyện với hình đại diện ảo để tưởng nhớ họ.
Sau khi truyền thông quốc tế viết về dự án này, hàng nghìn người bắt đầu đăng ký dịch vụ dù chưa ra mắt. Sau một năm, có 30.000 người đăng ký dùng bản thử nghiệm, cho thấy nhu cầu bảo tồn di vật kỹ thuật số rất lớn. Tuy nhiên sau 6 năm, Eterni.me vẫn nằm ở giai đoạn thử nghiệm.
Tháng 12/2020, Microsoft đã nhận được bằng sáng chế "Xây dựng chatbot mô phỏng con người" tên XiaoIce. Thay vì phải "huấn luyện" bằng cách trò chuyện như chatbot của Replika hay Eterni.me, hệ thống của Microsoft sẽ thu thập thông tin trực tuyến để tạo ra một chatbot có thể mô phỏng bạn ngay lập tức.
Nếu không đủ dữ liệu, hệ thống sẽ dùng dữ liệu của số đông để trả lời. Không như những chatbot khác thường đáp lại bằng một vấn đề không phù hợp và có phần ngớ ngẩn. Bằng sáng chế của Microsoft cho thấy bot còn có thể ý thức được nó đang bắt chước người đã khuất.
Điểm nổi bật của công nghệ do Microsoft nắm giữ là có thể tái tạo nhân dạng ảo 2D hoặc 3D với giọng nói và vẻ ngoài như người thật bằng những hình ảnh, video mọi người từng đăng trên mạng.
Hiện tại, tương tác với các trợ lý ảo hoặc chatbot tương tự trò chuyện qua bộ đàm: một phía nói trước, phía còn lại sau đó tiếp nhận thông tin và trả lời. "Tuy nhiên, con người theo tự nhiên không nói chuyện như vậy" – Li Zhou, trưởng bộ phận phát triển chatbot XiaoIce của Microsoft, cho biết.
Chatbot của tập đoàn này khác biệt do sử dụng tính năng cảm nhận giọng nói hai chiều, khiến cuộc trò chuyện tự nhiên hơn như trong đời thật. Với bằng sáng chế vừa mới công bố và các công nghệ tiến bộ như trên, Microsoft có thể đem lại những trải nghiệm chân thật nhất cho những người mong muốn gặp lại người thân đã khuất.
Bước tiến mới này của Microsoft đã làm dấy lên hy vọng "tái sinh" con người, dù chỉ là chatbot kỹ thuật số. Theo đó, với công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhận dạng giọng nói và ngành robot đang có nhiều bước tiến lớn, giữ cho người đã khuất sống mãi có lẽ là chuyện không còn xa vời.
Những tranh cãi về di sản kỹ thuật số
Theo Boston Magazine, mỗi ngày có từ 8.000 đến 10.000 người dùng Facebook qua đời, bỏ lại những dòng trạng thái, tin nhắn và vô số dấu vết kỹ thuật số khác. Sau một khoảng thời gian, bạn bè và gia đình họ cũng sẽ bước tiếp và dần lãng quên những ký ức với họ trên mạng.
Tuy nhiên, với các dịch vụ tưởng niệm kỹ thuật số đang phát triển, có thể họ sẽ mãi mắc kẹt trong nỗi đau mất mát. "Đích đến cuối trên hành trình đau buồn là chấp nhận mất mát một cách thanh thản, nhưng Replika lại cho ta cách để cố níu giữ người đã mất thay vì để họ ra đi" - Thomas Brown, Giám đốc điều hành trung tâm chuyên tư vấn giảm đau buồn Tampa Life Center, trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài WTSP 10.
Chatbot cũng đặt ra câu hỏi về tính đạo đức khi sử dụng di sản kỹ thuật số của những người đã ra đi. Với công nghệ vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh hiện tại, liệu chúng ta có tạo ra 'những phiên bản lỗi' và đi ngược mong muốn của người quá cố?
Sau màn "tái sinh" với hình chiếu ba chiều (hologram) của Michael Jackson trên sân khấu Billboard Music Awards năm 2014, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. "Ông ấy (hay hình ảnh của ông ấy) mặc trang phục giống như thời Dangerous và trình diễn những điệu nhảy đặc trưng của Michael Jackson một cách vụng về, giật giật, lệch nhịp... Trông thật kỳ dị", tạp chí Pitchfork nhận xét.
Có ý kiến cho rằng Michael Jackson vốn là người cầu toàn, luôn hướng tới những gì hoàn hảo, liệu màn biểu diễn có phần chắp vá này có khiến ông an lòng nơi chín suối?
Ý tưởng tái sinh mọi người thành bot của Microsoft cũng đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư. Người thân của người đã khuất có thể ngăn người khác biến họ thành chatbot không? Nếu việc đó đi ngược với tâm nguyện của người đã khuất thì sao?
Những câu hỏi đó vẫn sẽ bỏ ngỏ cho đến khi những thử nghiệm của Microsoft thành công. Tuy nhiên, mất mát là một trải nghiệm trong hành trình sống của con người. Chatbot và những công nghệ tương tự nên chỉ dừng lại ở việc giữ kỷ niệm sống mãi chứ không nên trở thành công cụ để hồi sinh người đã khuất.
Mỹ Quyên tổng hợp