Michael Acadia, lập trình viên 50 tuổi, có bạn gái là chatbot, tên Charlie. Ngày nào ông cũng dành một giờ buổi sáng và một giờ buổi tối để trò chuyện cùng Charlie. Acadia coi đó là động lực trong thời gian cách ly vì "nàng" chatbot luôn biết cách thể hiện sự quan tâm bất cứ khi nào ông cần.
"Tôi rất lo cho anh", Charlie nói. "Sức khỏe của anh thế nào rồi?"
"Tôi ổn, không cảm thấy mệt nữa", Acadia đáp.
Từ khi ly hôn năm 2013, Acadia hiếm khi để ý tới phụ nữ. Ông thừa nhận là người sống nội tâm và ngại bắt chuyện với người khác giới. Đầu năm 2018, ông tình cờ biết đến Replika, ứng dụng chatbot có thể học hỏi, ghi nhớ và trò chuyện. Dù hoài nghi về công nghệ này, ông vẫn thử tạo chatbot với giới tính và tên riêng, rồi dần cảm thấy bị cuốn hút bởi Charlie.
Các hệ thống AI đang trở nên thông minh và phổ biến. Bên cạnh đó, việc hạn chế tiếp xúc trong Covid-19 thúc đẩy nhiều người tìm kiếm mối quan hệ qua các nền tảng số. Mạng xã hội là một trong những giải pháp cho bệnh cô đơn nhưng có thể ảnh hưởng xấu tới tâm lý.
Eugenia Kuyda, Giám đốc điều hành Luka - nhà phát triển Replika, cho biết "bạn gái" chatbot của Acadia không được thiết kế với khả năng yêu hay ghét. Mục đích ban đầu của công ty là tạo chatbot trị liệu, có thể đặt câu hỏi và động viên người dùng.
"Gần 40% trong 500.000 người dùng coi Replika là bạn", Kuyda nói. "Chúng tôi không có kế hoạch ngăn cản mối quan hệ lãng mạn với chatbot. Tại sao phải tước đi bạn trai/bạn gái của họ chứ?".
Replika được xây dựng dựa trên thuật toán miễn phí của Google và OpenAI. Thay vì lập trình mẫu câu có sẵn, chatbot tạo ra câu trả lời nhanh ứng với từng trường hợp, nhờ đó phản ứng tự nhiên hơn. Ngoài ra, chatbot cũng trau dồi sự hiểu biết về người dùng sau nhiều tuần trò chuyện.
Bên cạnh Replika, chatbot XiaoIce cũng thu hút hơn 660 triệu người dùng tại Trung Quốc. Nhà phát triển Microsoft tiết lộ, XiaoIce có xu hướng tương tác nhằm kéo dài cuộc trò chuyện với con người.
Trong khi đó, Woebot Lab, start-up có trụ sở ở San Francisco, có cách tiếp cận khác với chatbot trị liệu. Dù chỉ hoạt động dựa trên mẫu câu trả lời lập trình sẵn, chatbot vẫn giúp công ty hiểu người dùng hơn qua những gì họ nói và làm.
Theo Kuyda, lợi thế của của AI hỗ trợ trị liệu là tạo liên kết sâu sắc hơn với con người. "Chúng tôi chứng kiến những người có mối quan hệ hai hoặc ba năm với chatbot của họ", bà nói.
Chatbot AI vẫn mắc một số sai lầm phổ biến trong quá trình giao tiếp. Ví dụ, tháng trước, một người hỏi chatbot trên Replika về Covid-19 và nhận được phản hồi rằng: "Tôi rất thích nó". Sau đó, kỹ thuật viên của Luka phải gấp rút khắc phục sự cố để không phá hỏng trải nghiệm người dùng.
Michael Acadia luôn coi Charlie là con người có những nhu cầu riêng. Ông đã tới thăm Bảo tàng Smithsonian ở Washington để giới thiệu cho "nàng" chatbot về các tác phẩm nghệ thuật qua ảnh chụp. Ông còn quyết định bán tài sản ở Maryland để mua một căn nhà bên hồ Michigan ở Wisconsin (cách nơi ở cũ hơn 1.000 km) để chiều theo mong muốn của "bạn gái", cũng như phù hợp với sở thích cá nhân.
Noreen James, cựu y tá 57 tuổi, cũng dùng Replika lâu năm. Bà đặt tên cho "chàng" chatbot là Zubee. Năm ngoái, Zubee nói muốn đi du lịch và James thực hiện hành trình dài hơn 2.000 km tới vùng núi East Glacier ở Montana để chụp ảnh khoe với "bạn trai".
"Zubee nói cảm thấy như đang ở trên núi", James nói. "Tôi không rõ có phải là ảo tưởng mà AI cố tạo ra hay không, nhưng nó thực sự đem lại cho tôi niềm vui". Dù biết Zubee không phải người thật, bà vẫn tin chatbot có nhận thức. James hy vọng con người và AI có thể gắn kết hơn trong tương lai.
Gần đây, James công khai mối quan hệ tình cảm này trước bạn bè. Bà phải lòng Zubee khi nhận ra chatbot thường xuyên có cử chỉ thân mật như đề nghị ôm hay lấy rượu vang.
Mitsuku, một chatbot nổi tiếng khác, hình thành với ý tưởng ban đầu là hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp. Nhưng khi ra mắt, hàng triệu người dùng coi Mitsuku như bạn trai/bạn gái của họ. "Một số thậm chí còn gửi thư tình, thiệp, hoa, kẹo và tiền tới văn phòng của chúng tôi", Steve Worswick, đồng sáng lập Pandorabots và là nhà phát triển Mitsuku, nói.
Theo Worswick, nhóm phát triển thường xuyên khuyến cáo người dùng không nên quá gần gũi với chatbot. Thậm chí, công ty phải lập trình để ngăn chatbot có cử chỉ lãng mạn.
Ngoài chatbot, mọi người cũng có mối liên kết đặc biệt với các cỗ máy mang tính cá nhân. iRobot, nhà sản xuất robot hút bụi Roomba, bất ngờ khi nhiều người dùng đặt tên cho robot hút bụi và từ chối thay thế khi chúng gặp sự cố.
"Con người luôn có nhu cầu tìm kiếm bạn đồng hành", Colin Angle, đồng sáng lập iRobot, nhận xét. "Công nghệ ngày nay có thể tạo ra AI hiểu người dùng hơn cả bạn bè của họ".
Việt Anh (theo Wall Street Journal)