Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar, được dựng lên bởi các lãnh đạo quân sự, là nơi tập trung nhiều binh sĩ quân đội, cảnh sát và nhân viên công chức nhất cả nước. Nhưng ngay cả ở đây, nơi mà hầu hết người dân đều làm việc cho chính phủ, lá phiếu của họ trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra không dành cho những ứng viên của đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), theo New York Times.
Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), do bà Daw Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, dẫn dắt, đã chiến thắng, giành 348 ghế tại thượng viện và hạ viện, cao hơn mức cần thiết để chiếm thế đa số 19 ghế. Kết quả này đánh dấu sự thất bại của chính quyền quân sự lãnh đạo Myanmar từ năm 1962 tới nay. Thế thắng của đảng bà Suu Kyi mạnh đến mức một ứng viên qua đời trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vẫn có thể đánh bại đối thủ từ đảng cầm quyền.
"Tôi làm việc cho chính quyền 25 năm rồi, vẫn chẳng có gì thay đổi", Daw Myint Myint Than, một công chức thuộc Bộ Lao động, nói. "Tôi có lẽ sẽ phải hối hận suốt phần đời còn lại nếu không bầu cho bà Suu".
Gõ cửa từng nhà
Nhiều ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra, đảng cầm quyền cử hàng loạt đoàn xe diễu hành qua khắp các vùng nông thôn cũng như thành thị ở Myanmar để phục vụ cho chiến dịch tuyên truyền. Hàng nghìn nông dân, mặc những chiếc áo phông được phát, tuần hành trên phố, hô vang các câu khẩu hiệu ủng hộ chính quyền và vẫy cờ đảng USDP. Ngay cả những ban nhạc đám cưới cũng biểu diễn các ca khúc yêu nước.
Dù vậy, tất cả những hoạt động này đều không phát huy tác dụng. Nhiều nông dân cho hay họ tham gia cuộc diễu hành vì được cho tiền nhưng đến lúc đi đánh dấu phiếu bầu của mình, họ vẫn chọn NLD.
"Đó là một khoản tiền dễ kiếm", U Win Naing, 43 tuổi, một nông dân được trả số tiền tương đương 12 USD để góp mặt trong đoàn tuần hành của đảng cầm quyền, cho biết. Win Naing chưa bao giờ thấy hối tiếc về quyết định bầu cho đảng NLD.
Trái lại, với chiến dịch vận động của đảng NLD, các chủ cửa hàng quyên góp thực phẩm, người ủng hộ tự vẽ biểu ngữ. Và những đoàn xe tuyên truyền thì ra vào tấp nập trên các con đường ở vùng nông thôn.
Chiến lược của NLD là tổ chức diễn thuyết, tranh luận tại gần như mọi khu vực bầu cử trên cả nước, trong đó có cả những vùng dân tộc thiểu số, nơi họ chịu rủi ro của việc phải chia sẻ phiếu bầu với các đảng dân tộc, từ đó có khả năng sẽ đánh mất cơ hội giành thắng lợi trước đảng cầm quyền. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã thu về "trái ngọt" khi đảng của "Quý bà" Myanmar Suu Kyi thậm chí còn đánh bại cả những đảng dân tộc khác.
Theo một số quan chức NLD, phương pháp của họ là theo đuổi những chiến dịch tuyên truyền ở mức độ vi mô. "Chúng tôi tới gõ cửa từng nhà", ông U Win Htein, thành viên cấp cao của NLD, nói.
Sợi dây tình cảm
Một điều kiện không kém phần quan trọng khác làm nên chiến thắng lịch sử của NLD là việc người dân hiện phần nào đã bớt đi nỗi sợ sệt khi phiếu bầu của họ không dành cho đảng cầm quyền, bởi những hình thái ban đầu của sự tự do đã xuất hiện ở Myanmar, thể hiện ở báo chí, mạng Internet hay việc nới lỏng các quy định kiểm duyệt, ông David Steinberg, chuyên gia về Myanmar tại Đại học Georgetown, bình luận.
Tổng thống U Thein Sein không phải là người không nổi tiếng. 22% số người tham gia cuộc điều tra của Trung tâm Merdeka, cơ quan thăm dò có trụ sở ở Malaysia, nói họ tán đồng với cách điều hành đất nước của ông.
"Đại đa số người dân Myanmar đều đánh giá cao việc Thein Sien mở cửa đất nước và cố gắng thực hiện các cải cách", Tan Seng Keat, giám đốc nghiên cứu tại Merdeka, đánh giá. "Nhưng chỉ điều này thôi không thể thay đổi mong muốn tha thiết của công chúng về một chính phủ được lựa chọn bởi người dân, đồng thời đặt dấu chấm hết cho chính quyền do quân đội điều hành gián tiếp".
Các cử tri cho rằng 50 năm nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân sự khiến nền kinh tế Myanmar trở nên nghèo nàn, chậm phát triển. Giới lãnh đạo Myanmar những năm gần đây thực sự có nhiều biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài, song ở các vùng nông thôn, tình trạng đói kém, lạc hậu vẫn rất phổ biến.
"Cuộc sống của hầu hết người nghèo ở Myanmar không hề được cải thiện trong 5 năm qua", U Yan Myo Thein, bình luận viên chính trị, nhận xét. "Vì thế, họ không muốn chính phủ hiện tại, họ cần một sự thay đổi ngay lập tức. Đây chính là thông điệp lớn của cử tri".
Một số nhà phân tích nhận định chính các tướng lĩnh quân đội cũng đã có những bước chuẩn bị cho tình thế hiện tại.
"Họ biết là họ cần phải điều chỉnh hệ thống chính trị", Priscilla A. Clapp, cựu đại sứ Mỹ tại Myanmar, nói. "Bước chuyển đổi này được xử lý vô cùng thận trọng".
Các lãnh đạo quân đội có lẽ nhận ra rằng đất nước hiện bị các quốc gia láng giềng bỏ cách quá xa về kinh tế, thế nên một lộ trình hướng tới dân chủ là điều cần làm và dường như họ bám rất sát mục tiêu đó, bà Clapp nói.
Mặt khác, theo cây bút Thomas Fuller từ NYTimes, yếu tố quan trọng hơn cả đóng góp cho chiến thắng vang dội của đảng NLD đó là tầm ảnh hưởng cũng như mức độ nổi tiếng của bà Suu Kyi, người tạo ra được một sợi dây gắn kết tình cảm bền chặt với cử tri. Nhưng khi được hỏi về việc vì sao họ yêu quý Suu Kyi, cử tri, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, lại không thể đưa ra câu trả lời.
"Tôi chẳng biết gì về bà ấy", U Saw Yan Naing, 28 tuổi, một nông dân sống ở ngoại ô thủ đô Naypyidaw, nói. "Tôi bầu cho bà vì bà ấy là con gái của ông Aung San", người thành lập nên quân đội Myanmar hiện đại và đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh vào năm 1947.
Câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc hiện nay là các tướng lĩnh lãnh đạo chính quyền quân sự sẽ làm gì tiếp theo. Đảng NLD năm 1990 cũng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia nhưng quân đội khi đó từ chối bàn giao quyền kiểm soát.
Điều này tất nhiên vẫn có thể xảy ra nhưng tới nay các lãnh đạo quân đội đều đưa ra những phát ngôn có chiều hướng tích cực.
Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, hôm 11/11 còn chúc mừng đảng đối lập "vì giành được đa số ghế" trong Quốc hội. Một ngày sau, ông cho biết quân đội sẽ "cố gắng hết sức để hợp tác với chính quyền mới". Lực lượng vũ trang sẽ "tiếp tục củng cố hệ thống dân chủ đa đảng", ông nói.
Và còn rất nhiều dấu hiệu khác cho thấy sự đổi thay ở Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi hàng thập kỷ qua bị truyền thông trong nước chỉ trích, nhưng hôm qua, New Light of Myanmar, một tờ báo của chính phủ, lại đưa tin về việc quân đội và tổng thống chúc mừng chiến thắng của bà.
"Chào mừng người bảo hộ mới" tiêu đề của bài báo viết.
Vũ Hoàng