Báo cáo được tổng kết hàng quý về tình hình kinh tế của các nước Đông Nam Á, tập trung vào 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực: Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo nhóm nghiên cứu, dân số vùng Đông Nam Á sẽ tăng từ mức hiện tại khoảng 600 triệu dân lên 760 triệu dân vào năm 2057. Ngoại trừ việc tăng dân số mạnh ở Malaysia và Phillipines, các nước còn lại đều tăng không nhanh. Trong đó, dân số Việt Nam hiện nay gần 87 triệu dân và đang có xu hướng tăng chậm lại. Khoảng 1,24 triệu trẻ em được sinh ra ở Việt Nam trong năm nay, giảm 4% so với năm ngoái.
![]() |
Dân số Việt Nam đang giảm sẽ giúp tăng cao chất lượng sống. Ảnh: Lệ Chi |
"Điều này sẽ giúp các vùng miền phát triển đồng đều hơn. Nguyên nhân là do số người phụ thuộc sẽ ít hơn số người trực tiếp tham gia lao động, đồng nghĩa với việc nguồn lực lao động dồi dào, từ đó sẽ giúp cải thiện chất lượng sống", nhóm nghiên cứu phân tích.
Cũng theo bản báo cáo, hai nhân tố quan trọng của sản lượng quốc gia là năng suất và thị trường lao động. Việt Nam hiện nay là một điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư vì chi phí sản xuất thấp. Nhưng điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần chú trọng thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng lao động và các sản phẩm có giá trị cũng như chất lượng kinh doanh, dịch vụ tài chính để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết, nâng cao sản lượng có nghĩa là tăng năng suất, không chỉ về số lượng mà còn là sản phẩm có giá trị gia tăng cao và dịch vụ kỹ thuật cao. Việt Nam sẽ cần phải đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên gia trẻ có trình độ và đảm bảo có nguồn tài chính mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư từ nước ngoài.
ICAEW là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Kế toán toàn cầu, đại diện cho khoảng 775.000 kế toán hàng đầu thế giới trên hơn 165 quốc gia, để thúc đẩy chất lượng dịch vụ, chia sẻ thông tin và hợp tác về các vấn đề quốc tế quan trọng. |
Lệ Thanh