Đây là điều mà tôi đã dự đoán trước. Với sự phát triển như vũ bão của AI hiện nay thì sự kiện này như một điều tất nhiên.
Tôi còn nhớ một video mình xem vài ngày trước, quay một bà nội trợ ở tuổi trung niên, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, nhưng đã biết cách sử dụng ChatGPT để trò chuyện với một bác sĩ người Mỹ khi đi khám bệnh.
Với những người có sử dụng các chatbot AI thì đều biết điều này là một tính năng cơ bản mà mọi chatbot đều có. Hiện nay, với mọi tài liệu bất kỳ, ở mọi ngôn ngữ bất kỳ, bạn đều có thể nhờ các ứng AI đọc, dịch ra ngôn ngữ bạn mong muốn, kể cả ngôn ngữ chuyên ngành.
Thậm chí, các ứng dụng AI còn có thể tóm tắt nội dung, trả lời câu hỏi của bạn về tài liệu đó. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là hiện nay, để đọc hiểu tài liệu, bạn chỉ cần có kiến thức về lĩnh vực đó. Ngôn ngữ không còn là rào cản.
Trước đây, để nghiên cứu, tìm hiểu một kiến thức mới, ngoài rào cản là kiến thức chuyên ngành, bạn còn gặp một rào cản là ngôn ngữ. Nhưng nay, một bức tường đã được gỡ bỏ. Đường vào chân trời tri thức giờ chỉ cần được xây đắp bằng kiến thức nền tảng, kiến thức khoa học.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng các nhà giáo dục nên nhận thức rõ vấn đề để định hướng lại mục tiêu, nội dung và thời lượng ngoại ngữ ở các cấp học. Cách đây một năm, Bộ Giáo dục đã cho phép các Sở Giáo dục đào tạo tự lựa chọn môn thi thứ ba để thực hiện tuyển sinh vào lớp 10.
Năm nay, gần như toàn bộ các tỉnh thành đều chọn môn Ngoại ngữ, mà chủ yếu là tiếng Anh. Điều này cần được thay đổi trong các năm tiếp theo. Môn thứ 3 nên là môn Khoa học Tự nhiên, Công nghệ hoặc Lịch sử địa lý.
Học sinh và sinh viên nên được định hướng để chuyên tâm học các môn khoa học, để trang bị kiến thức nền tảng, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, nơi mà AI là những trợ lý và con người là những ông chủ, bà chủ biết việc và biết giao việc.
Trong tương lai không xa, sẽ không còn chuyện phải 'giỏi tiếng Anh thì mới làm được việc quốc tế'. Giờ đây, người biết cách tận dụng công cụ, biết mình cần gì, tìm gì, và giải quyết vấn đề ra sao mới là người dẫn đầu.
Tôi không phủ nhận rằng ngoại ngữ vẫn có vai trò nhất định - đặc biệt là với những người làm nghiên cứu hay những công việc cần giao tiếp sâu sát với đối tác quốc tế.
Nhưng xét trên mặt bằng chung, học sinh phổ thông không cần thiết phải gò ép bản thân vào những bài ngữ pháp trúc trắc, những cấu trúc câu mà người bản xứ còn ít dùng.
Thay vào đó, thời gian ấy nên được dùng để rèn luyện tư duy logic, khả năng phân tích, và kiến thức nền tảng về thế giới xung quanh, những thứ mà AI không thể thay thế, và cũng không thể giúp bạn nếu bạn không có kiến thức nền.
Hãy tưởng tượng, trong một buổi họp tương lai, có thể mọi người ngồi với nhau, mỗi người nói một ngôn ngữ mẹ đẻ, còn máy sẽ tự dịch thời gian thực cho từng người, thậm chí chọn luôn phong cách nói phù hợp (lịch sự, thân mật, chuyên ngành...). Vậy thì điều gì làm nên khác biệt giữa người này và người kia?
Chính là cái đầu biết nghĩ, biết đặt câu hỏi, biết phản biện.
Vì vậy, theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần có một cú "quay xe", tiếng Anh vẫn chỉ là một công cụ nhỏ trong hàng ngàn công cụ. Chúng ta nên tập trung vào những môn học được gọi là khoa học cơ bản.
Thời gian là hữu hạn, mà thế giới thì đang chạy rất nhanh. Nếu chúng ta không chọn đúng đường, thì đến khi nhận ra, có thể đã quá trễ để quay lại.
Jasmine Pham