Theo AP, Charlie Hebdo được thành lập từ những năm 1960 với phiên bản ban đầu mang tên Hari-Kari Hebdo. Mục tiêu của tờ biếm họa này là chính phủ, các tổ chức và những người nổi tiếng, và các tôn giáo.
Năm 1970, tạp chí bị cấm hoạt động sau khi xuất bản một hình họa đả kích những thông tin trên giới truyền thông về một vụ cháy gây chết người. Để tránh lệnh cấm, tạp chí được đổi tên Charlie Hebdo và tái bản trong vài tuần sau đó cho đến năm 1982 thì phải dừng hoạt động vì lý do tài chính.
Tên của tạp chí được đặt theo Charlie Brown, một nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới. Từ Hebdo là cách viết tắt của từ tuần báo (hebdomadaire) trong tiếng Pháp.
Năm 1992, Charlie Hebdo tái sinh và tồn tại đến ngày nay. Dù nổi tiếng với những bức biếm họa về mọi tôn giáo, Charlie Hebdo khiến các phần tử Hồi giáo cực đoan chú ý và bực dọc trong nhiều năm gần đây.
Năm 2006, tờ tạp chí đăng lại một nhân vật hoạt hình nổi tiếng người Đan Mạch mô phỏng nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed trong số đặc biệt, và bán được 400.000 bản.
Hai nhóm Hồi giáo ở Pháp đã đâm đơn kiện Charlie Hebdo ra tòa nhưng vụ kiện bị bác bỏ. Tòa án phán quyết hình ảnh trên được bảo vệ bởi luật tự do thể hiện và không hề tấn công đạo Hồi.
Sau khi thắng kiện, tạp chí thường xuyên đăng tải những bức tranh mang tính châm chích mạnh hơn. Năm 2011, khi nó gây rúng động các sạp báo với cái tên được tạm thời đổi thành "Charia Hebdo", một cách chơi chữ trên từ "sharia", luật Hồi giáo. Mohammed một lần nữa xuất hiện trên trang bìa với câu thoại "100 roi nếu các ngươi không chết vì cười". Ở bên trong, hình vẽ đấng tiên tri nổi bật với một cái mũi đỏ như chú hề.
Ngày hôm sau, trụ sở của Charlie Hebdo bị tấn công bằng bom xăng. Tòa báo bị phá hủy nhưng may mắn không ai bị thương. Sau vụ việc, tạp chí chuyển đến một địa điểm kín đáo hơn trong một tòa nhà văn phòng ở Paris và ban đầu cũng được cảnh sát chống bạo động bảo vệ.
Tháng 9/2012, khi các cuộc bạo loạn nổ ra ở Trung Đông nhằm phản đối một bộ phim chống Hồi giáo của Mỹ, Charlie Hebdo bị đánh giá là "đổ thêm dầu vào lửa" khi một lần nữa đăng tải nhiều hình biếm họa về Mohammed. Cảnh sát chống bạo động lại được triển khai bên ngoài văn phòng của tạp chí.
"Các tờ báo khác đã phản ứng với làn sóng biểu tình bằng những câu chuyện trang nhất. Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự, nhưng bằng tranh vẽ. Một bức tranh không bao giờ giết ai cả", Stephan Charbonnier, tổng biên tập và cũng là một họa sĩ của tạp chí, giải thích.
Những năm qua, Charlie Hebdo tiếp tục vẽ biếm họa về Mohammed và chỉ trích Hồi giáo, bất chấp những lời kêu gọi ngừng hành động này. Bản thân Charbonnier nhiều lần bị dọa giết và phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
Tuy nhiên, sự bảo vệ đó đã không thể ngăn cản được vụ tấn công ngày hôm qua, khi ba tay súng tự xưng là thành viên al-Qaeda ở Yemen xông vào tòa báo. 12 người đã thiệt mạng, trong đó có Charbonnier và một vệ sĩ của ông. 11 người khác bị thương.
Một diễn đàn ủng hộ phiến quân Hồi giáo đã lên tiếng ca ngợi vụ tấn công.
"Chúc mừng Pháp và người dân nước này vì đã gặt hái được những gì do chính tay họ gieo nên", diễn đàn này viết. "Những tên họa sĩ ác độc đó nghĩ rằng chúng ta vẫn im lặng trước những lời mỉa mai sứ giả của chúng ta, sự yên bình của đấng Allah và những lời nguyện cầu cho người?".
Chỉ ít giờ trước vụ khủng bố, tờ báo còn đăng tải trên Twitter một hình biếm họa mô phỏng thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi với thông điệp: "Nhân tiện, chúc những điều tốt đẹp nhất".
Anh Ngọc