Câu chuyện bên ly cà phê sáng chủ nhật của anh em chúng tôi đang vui vẻ bỗng hơi chùng xuống bởi câu chuyện về kinh nghiệm động đất của một người anh. Vào tháng 8 năm ngoái, hôm đó anh đang học trên thư viện trường, bỗng dưng mọi thứ rung chuyển.
Ban đầu thì là nhẹ nhẹ thôi, một tâm thế chuẩn bị. Sau đó vài giây thì mọi thứ rung chuyển bần bật, những quyển sách dày cả ngàn trang bay xuống đất, trần nhà như đang rung lên, cảm tưởng như mọi thứ sẽ đổ ập xuống. Anh đã nhanh chóng chui xuống gầm bàn, hai tay ôm lấy đầu, đúng như những gì được dạy, và tay thì cầm sẵn điện thoại, tại nói dại ra, thì cũng nói được những lời sau cuối với vợ con. Nhưng may mắn thay sau đó không có cảnh báo sóng thần và mọi chuyện dần ổn hơn. Đó là một trong những kinh nghiệm mà anh em chúng tôi truyền lại cho nhau ngoài những bài hướng dẫn và đoạn phim chúng tôi được đọc và xem hàng ngày trong khuôn viên trường.
Tại Wellington, động đất luôn có thể xảy ra bất kì lúc nào, nên từ ngày còn bé, người dân tại đây đã được truyền đạt kĩ càng về những kĩ năng và luôn chuẩn bị sẵn đồ đạc cho những hiện tượng thời tiết bất thường. Còn hiện tượng thời tiết bình thường là quanh năm Welly “tràn” gió. Bởi có những ngày, được coi là đẹp trời, chỉ cần không có mưa, hay lạnh tăng cường, còn nhiệt độ trung bình duy trì từ 16-20 độ, trời có chút nắng, và tất nhiên, có gió, tràn đầy gió. Mấy anh em hay nói đùa, khi nào quen với gió to và thổi đều đặn hàng ngày này thì là sắp thành người Welly được rồi, chứ ở thành phố đảo Bắc này mà không có gió thì có vẻ thiếu thiếu điều gì đó.
Cũng dễ hiểu, là thủ đô một đất nước nằm độc lập giữa đại dương, gần Nam cực, địa hình chủ yếu thì lại là đồi núi, việc có gió lồng lộng thổi hàng ngày là điều đương nhiên. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho thời tiết ở Welly đặc trưng hơn so với những thành phố biển khác.
Điều nữa thì Welly trông có vẻ “ngăn nắp” hơn. Những mái nhà bằng gỗ nằm ven sườn núi, triền đồi, không nhiều tầng, thường là từ 1 đến 2 tầng là phổ biến, có vườn, đôi khi thì cả sân chơi cho trẻ, và những hàng rào, cũng bằng gỗ, chỉ cao tầm những đứa trẻ 3-4 tuổi. Đường phố thì thường không rộng rãi, nhưng chẳng chật hẹp. Những “dòng” ô tô cứ đều đều nối đuôi nhau thành những hàng dài, luôn sẵn sàng nhường đường cho những xe khác băng qua đường, và tất nhiên, cả những người đi bộ nữa.
Ngoài ra thì đậu xe ở Welly cũng thật khó, bởi hai bên đường luôn có những nơi đậu xe miễn phí tối đa 2 giờ đồng hồ, nhưng luôn đầy xe xếp thẳng hàng. Và còn cả những phố đi bộ nữa chứ, tràn ngập hàng ăn và cửa hàng mua bán không thiếu thứ gì. Một phong cách châu Âu giữa châu Đại Dương. Tôi dễ dàng bắt gặp những người bạn trẻ, người cao tuổi, và cả những em bé chập chững, tranh thủ ra ngồi ngoài trời phơi nắng ở những con đường đi bộ thế này. Mọi người hết sức thân thiện và hiền lành, luôn sẵn sàng xin lỗi và cảm ơn, kèm theo một nụ cười trên môi. Cuộc sống ở đây không quá xô bồ, đủ để ta thấy vẫn còn đang tiếp cận với nền văn minh của thế giới, nhưng cũng không quá thầm lặng, đủ để ta thư thái, nhẹ nhàng.
Ngoài ra thì New Zealand nói chung và Wellington nói riêng là những nơi luôn rộng cửa cho du học sinh nước ngoài đến học tập và những người lao động có tay nghề thì luôn dễ dàng tìm việc làm tại đây. Những người bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Samoa, Ấn Độ…, tất nhiên, cả Việt Nam nữa, luôn dễ dàng bắt gặp họ đang học tập hay vui chơi khám phá tại Welly.
Những ngày đầu mới sang, bỡ ngỡ và choáng ngợp, nhớ nhà và cô đơn là cảm giác phổ biến của tất cả du học sinh, trong đó có tôi. Nhưng gia đình chủ nhà người Samoa nhiệt tình và nồng hậu đã mang tôi đến gần với văn hóa địa phương hơn. Họ luôn cởi mở, sẳn sàng đưa tôi tham gia vào những cuộc liên hoan hay vui chơi của cộng đồng, chỉ bảo về những đặc trưng văn hóa và địa lý tại nơi đây khi tôi có những thắc mắc, thật sự coi tôi là người trong nhà, luôn rộng cửa đón chào, dù giờ đây tôi đã chuyển đi.
Người ta bảo, đừng nhìn một người mà đánh giá cộng đồng. Nhưng khi tôi được các cô giáo trong lớp, không những chỉ bảo việc học tập sao cho kĩ lưỡng và dễ hiểu, mà còn đưa ra những lời khuyên về cuộc sống tại một nơi xa nhà; được bạn bè khắp năm châu giúp đỡ ngay những việc nhỏ trong cuộc sống; được sống trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống xa quê; thì tại sao tôi lại không thể bảo rằng, ừ thì, cuộc sống cũng tuyệt vời đấy chứ nhỉ?
Tạm thế đã, một tháng sống xa nhà thì tôi cũng chưa có quá nhiều cảm nhận sâu sắc hơn thế, về một vùng đất mới, vùng đất của những sự khởi đầu.
Wellington, những ngày chuyển mùa, 2014.
Phạm Trung Hiếu