Đang sốt vó chuẩn bị cho bộ phim mới sắp bấm máy, bản thân mang trong người không ít bệnh tật, Nguyễn Chánh Tín vẫn có một buổi sáng ngồi lặng lẽ ở Nhà tang lễ TP HCM trong lễ viếng đạo diễn Lê Hoàng Hoa.
Những ngày Lê Hoàng Hoa nằm viện rồi bất ngờ qua đời, người mà báo chí và khán giả hâm mộ liên tục điện thoại để hỏi thăm tình hình, chia sẻ cảm nhận là Nguyễn Chánh Tín - đại tá Nguyễn Thành Luân của bộ phim Ván bài lật ngửa. Giọng khàn đặc vì phải nói quá nhiều, Nguyễn Chánh Tín chia sẻ, đến giờ, khi vị đạo diễn nổi tiếng nằm đó, anh vẫn chưa nghĩ rằng mọi việc lại có thể nhanh và đột ngột đến thế.
"Dù đã gần 80 tuổi, anh Hoa vẫn khỏe khoắn, hoạt bát. Anh cũng không rượu chè, hút thuốc gì. Cách đây mấy tháng chúng tôi còn đi Đà Lạt chơi với nhau. Anh đi bộ còn khỏe hơn cả tôi. Vậy mà giờ anh đã mất!", nam diễn viên ngậm ngùi.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh tư liệu. |
Lê Hoàng Hoa định cư ở Ba Lan từ năm 1995. Thường mỗi lần về nước, ông về cùng vợ con. Duy lần này, ông đi một mình. Ở Sài Gòn, Lê Hoàng Hoa có một người bạn từng làm phim chung thời xưa, nay thường chăm sóc, lo lắng cho ông. Hơn một tuần trước, trong buổi tối định mệnh, sau khi đi công việc về, người bạn cũng đã về nhà, Lê Hoàng Hoa loay hoay đóng cánh cửa sổ thế nào bị ngã trúng vào chiếc quạt máy bên dưới. Đạo diễn 80 tuổi vẫn tỉnh táo để gọi cho bạn mình kêu: "Đau quá! Đau quá!" mà chưa hay mình bị vỡ xương chậu. Người bạn đến đưa ông đi cấp cứu ở một bệnh viện tư. Ca phẫu thuật khiến đạo diễn, vốn sống chung với bệnh tiểu đường nhiều năm qua, chuyển sang nhồi máu cơ tim. Ông được chuyển sang bệnh viện 115 trước khi rơi vào hôn mê và qua đời vào rạng sáng ngày 31/7 trong sự ngỡ ngàng của bạn bè.
Nguyễn Chánh Tín kể, lần trước, khi anh em bè bạn có dịp gặp nhau tại đám tang của diễn viên Đơn Dương, Lê Hoàng Hoa vẫn còn nói về hoài bão cho một bộ phim cuối đời. Đã định cư ở nước ngoài một thời gian dài, nhưng mỗi năm ông đều chăm chỉ về nước, số lần về ngày càng nhiều hơn. Mỗi chuyến trở lại là đong đầy những dự định, những kế hoạch. "Lần nào về anh cũng gọi cho tôi, rồi anh em ra quán nước. Anh chỉ uống cà phê, nước cam, nước chanh. Và lúc nào cũng là bàn chuyện làm phim", Nguyễn Chánh Tín nói.
Xa quê hương lâu, Lê Hoàng Hoa luôn đặt những câu hỏi "khó" cho người em Nguyễn Chánh Tín để cập nhật tình hình. Từ giá cả, chi phí đầu tư cho phim, kêu gọi vốn thế nào, làm phim gì để phù hợp với khán giả hôm nay... Ông hỏi rất nhiều, xem phim mới cũng nhiều, rồi đi tìm hiểu, giao lưu với các đoàn phim, đặt tác giả viết thêm kịch bản mới.
Nguyễn Chánh Tín từng sợ không thể đảm đương trọn vẹn vai Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa". Ảnh tư liệu. |
"Khi nghe tôi nói phim truyền hình trong nước hiện nay, có đạo diễn quay chừng 1-2 ngày là xong một tập phim, anh tỏ ý hết hồn, rồi đăm chiêu hỏi: 'Quay làm sao 1-2 ngày được một tập vậy?'. Anh đùa, vậy là vô địch thế giới rồi, không có ai làm nổi, nhưng cũng bảo sẽ nghiên cứu để ráng xem có theo kịp cách làm này hay không", kể đến đây, giọng Nguyễn Chánh Tín chùng hẳn. Rồi anh nói tiếp: "Nhiều dự án anh nói trước đây còn dang dở vì rất ham muốn làm nhưng chưa đủ tiền. Lần này anh về, hình như là đã xoay được đủ vốn để làm phim rồi. Vậy mà ai có thể ngờ được chuyến về này là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời của anh Lê Hoàng Hoa". Cuốn phim cuối đời của ông mãi vẫn còn dang dở.
Khi làm phim Ván bài lật ngửa, Lê Hoàng Hoa đã ở độ tuổi ngoài 50. Ông rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Vị đạo diễn vốn rất khó tính trên phim trường này lại rất vui mừng, hài lòng khi tìm được chàng diễn viên trẻ Nguyễn Chánh Tín để vào vai đại tá Nguyễn Thành Luân.
Nguyễn Chánh Tín nhớ lại ngày đó, khi được mời vào nhân vật vốn phác họa từ cuộc đời thật của đại tá Phạm Ngọc Thảo, một tình báo viên nổi tiếng, anh cảm thấy lo lắng. Xưởng phim tạo nhiều điều kiện cho anh gặp gỡ tác giả Trần Bạch Đằng (tác giả tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm), rồi gặp gỡ gia đình đại tá Phạm Ngọc Thảo, xem nhiều tư liệu, phim ảnh về cuộc đời nổi tiếng của nguyên mẫu này. Càng hiểu, Nguyễn Chánh Tín càng thấy mất tự tin bởi đây là nhân vật khác hẳn những gì anh từng thể hiện trên màn ảnh.
"Bác Phạm Ngọc Thảo có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, làm gì cũng mau mắn, gọn gàng. Càng hiểu về bác Thảo, tôi càng không dám nói gì đến vai của mình nữa mà chỉ nói nhỏ với chú Trần Bạch Đằng và anh Lê Hoàng Hoa: 'Chắc con không đóng nổi vai này!'", Nguyễn Chánh Tín kể lại.
Lúc đó, tác giả Trần Bạch Đằng bật cười bảo: "Tao chỉ cần mày đóng tinh thần cùa Phạm Ngọc Thảo chứ không cần mày đóng con người của Phạm Ngọc Thảo". Từ sự động viên, giúp đỡ của đạo diễn, đoàn phim và nhiều vị lãnh đạo xưởng phim, Nguyễn Chánh Tín đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Trong 6 năm ròng, nam diễn viên gắn bó với đạo diễn Lê Hoàng Hoa để hoàn thành 8 tập của bộ phim được xem là một trong những đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam.
"Ván bài lật ngửa" là một trong những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao của Việt Nam. |
Trước 1975, Nguyễn Chánh Tín đã gầy dựng được tên tuổi trong lĩnh vực ca nhạc điện ảnh, sau 1975 anh vẫn tiếp tục các hoạt động nghệ thuật của mình. Nhưng như anh chia sẻ, chỉ với Ván bài lật ngửa (1982), anh mới để lại dấu ấn đậm đà với khán giả cả nước.
"Thường phim chính trị của mình rất khô khan, mang ra chiếu cũng ít ai mua vé. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa là người đã thổi vào làng điện ảnh cách mạng của Việt Nam một xu hướng làm phim mới. Kịch bản của chú Trần Bạch Đằng cũng khá khô khan, nên khi anh Hoa cầm nó trong tay, anh đã xin phép được thêm vô mảng miếng để phim hấp dẫn hơn. Chính điều này dẫn đến tranh cãi rất nhiều giữa đạo diễn và tác giả kịch bản. Ở tập 1, chú Bạch Đằng từng không cho đạo diễn sửa gì hết. Nhưng anh Hoa bảo, nếu không cho sửa thì thà làm phóng sự cho rồi, chứ đã làm phim thì phải hấp dẫn khán giả. Cuối cùng những lý lẽ của Lê Hoàng Hoa đã thuyết phục được cả hội đồng nghệ thuật và cả chú Bạch Đằng", Nguyễn Chánh Tín nhớ lại không khí làm phim sôi nổi một thời.
Và ngay từ tập đầu tiên, Ván bài lật ngửa đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Các rạp chiếu trên toàn quốc thời ấy đã liên tục trong tình trạng "cháy vé". Khán giả chen chúc, xô đẩy, giẫm đạp nhau để có được một chỗ ngồi trong rạp chiếu, minh chứng cách làm phim ra làm phim "chứ quyết không để hụt tiền nhà nước" của Lê Hoàng Hoa đã thành công.
Nguyễn Chánh Tín nói, kỷ niệm của anh với Lê Hoàng Hoa có quá nhiều. Có những kỷ niệm anh nói chỉ "sống để bụng, chết mang theo" chứ không dễ dàng kể ra được. Nam diễn viên kỳ cựu tin rằng, tinh thần của người anh đam mê điện ảnh, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, người mà Chánh Tín luôn quý trọng sẽ còn mãi, sẽ truyền cho thế hệ làm phim sau ông những bài học quý và niềm tin vào hoạt động nghệ thuật của nước nhà.
Linh cữu đạo diễn Lê Hoàng Hoa được khâm liệm tại Bệnh viện An Bình (quận 5, TP HCM). Sau đó, linh cữu được chuyển đến Nhà tang lễ TP HCM. Ngày 1-2/8, nhiều nghệ sĩ đã đến buổi viếng để thắp hương tưởng nhớ ông cũng như ngồi lại với nhau chia sẻ nhiều kỷ niệm về vị đạo diễn tài hoa. Lễ động quan diễn ra từ 7h sáng 3/8. Sau đó, thi hài ông được hỏa táng và gia đình đưa tro cốt của ông về gửi tại chùa Vạn Phước (quận 11, TP HCM). Lê Hoàng Hoa, một trong những đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh miền Nam trước năm 1975. Ông qua đời rạng sáng 31/7 tại TP HCM, thọ 79 tuổi. Ông tên thật Đoàn Lê Hoa (nghệ danh Khôi Nguyên), sinh năm 1933 tại Nha Trang. Một số phim nổi tiếng của ông trước 1975 có: Gác chuông nhà thờ, Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang... Và sau 1975 là: Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Vĩnh biệt mùa hè, Tình nhỏ làm sao quên, Vĩnh biệt Cali, Lệnh truy nã, Tây Sơn hiệp khách... Trong đó, Ván bài lật ngửa được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Tên tuổi Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín gắn liền với bộ phim đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả. Kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng. Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết. Ván bài lật ngửa từng đoạt giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ sáu năm 1983, giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ bảy năm 1985. |
Thoại Hà