-
11h25
Chánh án 'nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, giải trình cụ thể'
Kết luận phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đã có 35 đại biểu đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận. Còn 2 câu hỏi Chánh án TAND tối cao sẽ trả lời bằng văn bản.
Ông Định đánh giá phiên chất vấn "sôi nổi, xây dựng, trách nhiệm cao". Các đại biểu bám sát nội dung, đặt nhiều câu hỏi, đi sâu vào nhiều vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, giải trình cụ thể vấn đề đại biểu quan tâm, tranh luận, nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hoạt động của ngành.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí.
-
11h20
Họp ba ngành 'không phải để bàn về tội danh, mức án'
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết từng nhận được phản ánh của luật sư là khi chụp hồ sơ tại toà thấy biên bản họp giữa ba ngành Toà án, Viện Kiểm sát và Công an. "Xin hỏi Chánh án, giờ có còn hiện tượng ba ngành họp với nhau không? Tại sao ba ngành phải họp bàn thống nhất với nhau? Họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của toà án, có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can bị cáo không?", ông Thịnh nêu hàng loạt câu hỏi.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết hiện với vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tố tụng vẫn họp với nhau nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của toà án. "Họp liên ngành để bàn giao tài liệu, thống nhất lộ trình, thời gian xét xử, chứ không phải là bàn về tội danh, mức phạt, mức án hay vấn đề gì cả", ông Bình giải thích.
Ông khẳng định việc họp liên ngành ở các vụ án là "sự phối hợp cần thiết để tổ chức phiên tòa đúng người, đúng pháp luật. Không có chuyện bàn với nhau là ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm tù, hay thu của ông này cái gì".
"Việc này không ảnh hưởng đến quá trình độc lập xét xử của toà án", ông Bình một lần nữa nhấn mạnh.
-
11h15
'Cần thiết có đạo luật tố tụng điện tử'
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về trình tự, thủ tục tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết việc xét xử trực tuyến ở Việt Nam khá mới nên được thực hiện với tinh thần thận trọng. "Sau này khi nền tảng số phát triển, chúng tôi có điều kiện thực thi tư pháp trên nền tảng số nhiều hơn thì rất cần thiết có đạo luật về tố tụng điện tử", ông Bình nói, cho biết trước mắt các cơ quan tố tụng đã có thông tư hướng dẫn về xét xử trực tuyến.
-
11h10
Lãnh đạo tỉnh tham gia tòa hành chính thì không còn thời gian điều hành
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ (đoàn Bình Định) cho rằng Chủ tịch UBND hoặc người uỷ quyền trong nhiều vụ án hành chính xin xét xử vắng mặt khiến trình tự, thủ tục vụ án kéo dài. Nữ đại biểu đề nghị Chánh án cho biết quan điểm và giải pháp để đảm bảo tính nghiêm túc trong xét xử.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đối với vụ án hành chính, luật quy định Chủ tịch tỉnh phải ra tòa hoặc có thể ủy quyền cấp phó. Tuy nhiên thực tế, ngay cả khi đã ủy quyền thì lãnh đạo UBND các cấp cũng không đủ người. Việc không thể ủy quyền cho giám đốc sở "gây nhiều khó khăn" do số lượng án hành chính ở các tỉnh rất nhiều. "Nếu ra tòa liên tục, lãnh đạo tỉnh cũng bị ảnh hưởng đến công tác điều hành", ông Bình nói.
Chánh án cho biết khi bàn Luật Tố tụng hành chính vấn đề ủy quyền sâu hơn đã được đặt ra. Tuy nhiên có sửa hay không thì Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. "Giải pháp tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng quyết định hành chính, đừng sai phạm để bị đi kiện", Chánh án nhấn mạnh.
-
11h05
Toà 'mong sửa nhanh các bản án oan sai'
Đại biểu Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) hỏi, theo báo cáo của TAND Tối cao và VKSND Tối cao, việc bồi thường người bị oan trong tố tụng rất chậm. Nhiều trường hợp người bị oan qua đời vì không thể chờ được bồi thường.
"Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp về thể chế, tổ chức thực hiện để giải quyết vấn đề nêu trên. Rất nhiều cử tri phản ánh là người bị oan, bị thiệt hại cần được trực tiếp nghe lời xin lỗi từ cơ quan nhà nước, chứ không phải là con cháu họ", đại biểu Long chất vấn.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng thời gian gần đây không phát hiện oan sai. Các vụ oan sai thường xảy ra 30-40 năm trước do một thời chất lượng điều tra, truy tố, xét xử chưa cao. Vì vậy, nhiều người được bồi thường đã rất già hoặc đã chết.
Giải thích về lý do bồi thường oan sai chậm, ông Bình cho rằng do các quy định pháp luật hiện hành và "toà không vượt qua được luật". Luật hiện hành về bồi thường oan sai rất chặt chẽ, người được bồi thường phải thực hiện các thủ tục theo các quy định của Bộ Tài chính.
"Nếu đã sai toà rất mong nhanh chóng sửa sai, bồi thường cho người dân bởi những thiệt hại gây ra là rất lớn. Nhưng luật rất chặt chẽ nên toà cũng không thể tuỳ ý chi cho ông này, ông kia 1-2 tỷ đồng vì nó sẽ phát sinh các tiêu cực", ông Bình giải thích.
-
11h00
'Xác định hậu quả vụ án không được tùy nghi'
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn trách nhiệm của Chánh án TAND Tối cao về tài sản nhà nước liên quan đến các bản án. Bà băn khoăn việc xác định giá trị thiệt hại do phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay thời điểm khởi tố? Tại sao khi xét xử, có nơi căn cứ giá trị tài sản thời điểm khởi tố, nơi lại căn cứ tại thời điểm phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự.
"Để xảy ra tình trạng bất nhất này, trách nhiệm của Chánh án ra sao", bà Thúy chất vấn Chánh án, đồng thời chuyển câu hỏi đến Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về khoa học pháp lý, hậu quả phải tính ở thời điểm xảy ra sự việc phạm tội, không được tính ở thời điểm khởi tố. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, thủ đoạn phải được tính ở cùng một thời điểm. Nếu hành vi, mục đích ở một ngày giờ, nhưng hậu quả thì lại tính ở thời điểm khác là không khoa học.
Ông dẫn chứng, có vụ án về đất đai, nếu năm nay phát hiện thì giá trị thiệt hại là 100 tỷ đồng, năm ngoái phát hiện là 50 tỷ, nhưng sang năm mới phát hiện là 200 tỷ. "Việc xác định hậu quả ở thời điểm tùy nghi là không khoa học và công bằng, nên phải xác định ở một thời điểm", ông nhấn mạnh.
"Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra nghị quyết hướng dẫn tất cả vụ án đều xác định ở thời điểm khởi tố", ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay việc xác định tài sản, không phải chỉ thu dự án 100 tỷ đồng mà giá trị hiện hành của toàn bộ dự án đó giá trị bao nhiêu thì thu bấy nhiêu. Do đó, tài sản nhà nước không bị thất thoát.
-
10h55
Cần chấm dứt tình trạng 'đi kiện cầu may'
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) dẫn báo cáo từ năm 2018 đến nay, TAND Tối cao và TAND các cấp giải quyết được 4.166 đơn/46.226 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết kết quả giải quyết các đơn giám đốc thẩm này.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm rất khiêm tốn bởi Hiến pháp chỉ quy định hệ thống tư pháp có 2 cấp xét xử. Giám đốc thẩm không được xem là một cấp xét xử. Tuy nhiên, số lượng đơn giám đốc thẩm đang quá nhiều, nguy cơ trở thành một cấp xét xử khi mỗi năm có 12.000-14.000 đơn.
"Có tình trạng nếu xử án không hợp với nguyện vọng người đi kiện, họ sẽ kiện đến khi nào được mới thôi; nhưng công lý không theo ý chí của người đi kiện mà phải tuân thủ pháp luật", Chánh án nói.
Ông thừa nhận chưa có giải pháp hạn chế giám đốc thẩm trở thành cấp xét xử. Mỹ quy định một năm chỉ có 100 vụ giám đốc thẩm và không năm nào vượt 70 vụ. Trong khi đó, Việt Nam xử mấy nghìn vụ vẫn không hết việc. Về mặt pháp luật, ông cho rằng phải nghiên cứu giải pháp "để hạn chế việc đi kiện cầu may, làm cho tố tụng không có điểm dừng".
-
10h50
Nhiều tài sản tham nhũng 'có nguồn gốc phức tạp'
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long rằng thời gian qua có những vụ án dân sự sau khi xử phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành án. Tuy nhiên, sau đó người bị thi hành án khiếu kiện lên tòa cấp trên và thắng kiện. "Lúc này lực lượng thi hành án đã cưỡng chế tháo nhà cửa, đất đai. Vậy hậu quả sẽ được giải quyết như thế nào?", ông Hòa đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết số vụ việc như đại biểu Hoà nói là không nhiều nhưng đúng là "có tính chất phức tạp", đặc biệt là các bản án phúc thẩm bị sửa, huỷ, bãi bỏ bởi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. "Cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó phải bồi thường", ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, chất lượng xét xử ở các cấp cần nâng cao. Cơ quan thi hành án phải xác minh kỹ tài sản, nếu thấy có vấn đề cần lập tức kiến nghị với toà. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua tổng hợp khá nhiều giải pháp nên đạt được kết quả tích cực. Trong 5 tháng, từ tháng 10/2022 đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục. Ví dụ số lượng tài sản trong các vụ án rất lớn, nằm rải rác ở các địa phương. Nhiều tài sản tham nhũng có nguồn gốc kê biên phức tạp nên cần làm rõ. Đặc biệt, cơ quan thi hành án phải mất nhiều thời gian để chứng minh tài sản đâu là chung, riêng, đâu là từ phạm tội mà có. Do đó, ông đề nghị cơ quan chức năng tăng cường giám sát để giảm việc tẩu tán tài sản tham nhũng.
Chưa đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Phạm Văn Hòa giơ biển tranh luận. Ông cho rằng những vụ xử phúc thẩm sau khi án có hiệu lực thi hành mặc dù không nhiều song hậu quả lại rất nghiêm trọng. Ông đề nghị Chánh án TAND Tối cao nghiên cứu để có giải pháp xử lý.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng vụ án sai phải sửa. Cơ quan tố tụng là tòa án phải xử lý sai sót của quá trình thi hành án. "Còn sửa ra sao với vụ án cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét lại", ông Bình nói.
-
10h45
Khó thu hồi tài sản của vợ, con đối tượng tham nhũng
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) nói thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng được quan tâm nhưng một số vụ người phải thi hành án có nhiều tài sản, được kê biên song việc thu hồi vẫn chậm do xử lý tài sản chung và riêng. "Đây được coi là điểm nghẽn, đề nghị Chánh án và Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu hướng xử lý", ông Khoa chất vấn.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong thu hồi tài sản tham nhũng, nhiều trường hợp gặp khó khi "ngôi nhà là tài sản hình thành trong hôn nhân, có của vợ, của con, nên không thể thu được". "Ở một số nước, quan chức tham nhũng không giải trình được nguồn gốc hình thành tài sản thì vẫn phải thu hồi dù là tài sản chung, nên căn cơ của vấn đề này vẫn là thay đổi luật lệ", ông Bình nói.
-
10h30
Cần tổ chức bộ máy tòa án theo quy mô kinh tế, dân số
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đăk Lăk) cho rằng tổ chức bộ máy ở một số tòa án chưa khoa học, hợp lý, chưa sát thực tiễn? Bà đề nghị Chánh án TAND Tối cao nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận vấn đề tổ chức bộ máy tòa án có những vấn đề không hợp lý và đang được khắc phục. Một số loại án chuyên biệt đòi hỏi chuyên môn sâu hiện không có thẩm phán chuyên biệt, tòa án chuyên trách để giải quyết nên còn lúng túng. Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa án chuyên biệt để khắc phục tình trạng nêu trên.
Theo Chánh án, tổ chức bộ máy tòa án cũng chưa hợp lý theo quy mô kinh tế, số lượng dân số, quy mô các vụ việc mà đang tổ chức đồng đều. Theo quy định phải có 8 người một tòa án cấp huyện, trong khi nhiều huyện một năm chỉ xử rất ít án như Lai Châu, Bắc Kạn chỉ 1-2 vụ/ thẩm phán mỗi năm, trong khi Bình Dương, TP HCM rất nhiều. "Vấn đề này cần phải sửa", ông Bình nói.