Sáng 20/3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có 3 tiếng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề liên quan đến tính độc lập của công tác xét xử, xét xử trực tuyến, bồi thường oan sai, xét xử án phá sản. 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi và 6 đại biểu tranh luận về nội dung trả lời của Chánh án.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho biết từng nhận được phản ánh của luật sư là khi chụp hồ sơ tại toà thấy biên bản họp giữa ba ngành Toà án, Viện Kiểm sát và Công an. "Xin hỏi Chánh án, giờ có còn hiện tượng ba ngành họp với nhau không? Tại sao ba ngành phải họp bàn thống nhất với nhau? Họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của toà án, có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo không?", ông Thịnh nêu hàng loạt câu hỏi.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết hiện với vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tố tụng vẫn họp với nhau nhưng không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của toà án. "Họp liên ngành để bàn giao tài liệu, thống nhất lộ trình, thời gian xét xử, chứ không phải là bàn về tội danh, mức phạt, mức án hay vấn đề gì cả", ông Bình giải thích.
Ông khẳng định việc họp liên ngành ở các vụ án là "sự phối hợp cần thiết để tổ chức phiên tòa đúng người, đúng pháp luật. Không có chuyện bàn với nhau là ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm tù, hay thu của ông này cái gì".
Cũng liên quan đến tính độc lập trong công tác xét xử, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết giải pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính?
Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định độc lập là nguyên tắc căn cốt của tòa án, gồm độc lập với các cơ quan, độc lập giữa các thẩm phán, độc lập giữa cấp trên và cấp dưới. Ngành cũng đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo nguyên tắc độc lập, trong đó có phương án ngẫu nhiên. Cụ thể, việc giao xét xử án được đưa vào máy tính bấm số ngẫu nhiên, thẩm phán nhận số của vụ án nào thì phải xử vụ đó. "Phương án này nhằm khắc phục tình trạng thân quen", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng thường xuyên kiểm tra công tác xét xử để đảm bảo không có can thiệp cấp trên vào cấp dưới. Theo quy chế, Chánh án địa phương không được can thiệp vào xét xử của các thẩm phán. Ông Bình mong đại biểu Quốc hội tuân thủ nguyên tắc nêu trên, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án. "Nhiều người trách vì sao tôi không chỉ đạo vụ án này vụ án kia, nhưng tôi nói là nếu chỉ đạo thì đã vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử", ông Bình cho hay.
Thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng tỷ lệ thấp, chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân, là vấn đề đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu. "Thời gian tới, Chánh án TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan thế nào để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng", ông Hòa chất vấn.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình đáp rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng không bao giờ triệt để ở tất cả các nước. Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi đáng ghi nhận - 40%. Theo quy định, các cơ quan chỉ được thu hồi khi Công an, VKS và Toà án chứng minh được nguồn gốc tài sản là từ tham nhũng. Do đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử cần nâng cao và các cơ quan phải kịp thời phong toả tải sản có dấu hiệu tham nhũng.
Theo ông Bình, tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh chứng minh tài sản tham nhũng còn phải tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can. Ví dụ, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp tài sản đó thì bị coi là tham nhũng. "Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì việc thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai rất cao", Chánh án TAND Tối cao nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long rằng thời gian qua có những vụ án dân sự sau khi xử phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành án. Tuy nhiên, sau đó người bị thi hành án khiếu kiện lên tòa cấp trên và thắng kiện. "Lúc này lực lượng thi hành án đã cưỡng chế tháo nhà cửa, đất đai. Vậy hậu quả sẽ được giải quyết như thế nào?", ông Hòa đặt vấn đề.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết số vụ việc như đại biểu Hoà nói là không nhiều nhưng đúng là "có tính chất phức tạp", đặc biệt là các bản án phúc thẩm bị sửa, hủy, bãi bỏ bởi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. "Cơ quan nào gây ra oan sai thì cơ quan đó phải bồi thường", ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, chất lượng xét xử ở các cấp cần nâng cao. Cơ quan thi hành án phải xác minh kỹ tài sản, nếu thấy có vấn đề cần lập tức kiến nghị với tòa. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua tổng hợp khá nhiều giải pháp nên trong 5 tháng, từ tháng 10/2022 đến nay đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục. Ví dụ số lượng tài sản trong các vụ án rất lớn, nằm rải rác ở các địa phương. Nhiều tài sản tham nhũng có nguồn gốc kê biên phức tạp nên cần làm rõ. Đặc biệt, cơ quan thi hành án phải mất nhiều thời gian để chứng minh tài sản chung, riêng, tài sản từ phạm tội mà có. Do đó, ông đề nghị cơ quan chức năng tăng cường giám sát để giảm việc tẩu tán tài sản tham nhũng.
Chưa đồng tình với phần trả lời này, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận rằng những vụ xử phúc thẩm sau khi án có hiệu lực thi hành mặc dù không nhiều song hậu quả lại rất nghiêm trọng. Ông đề nghị Chánh án TAND Tối cao nghiên cứu để có giải pháp xử lý.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng án sai thì phải sửa. Cơ quan tố tụng là tòa án phải xử lý sai sót của quá trình thi hành án. "Còn sửa ra sao với từng vụ án cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét lại", ông Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn trách nhiệm của Chánh án TAND Tối cao về tài sản nhà nước liên quan đến các bản án. Bà băn khoăn việc xác định giá trị thiệt hại do phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay thời điểm khởi tố? Tại sao khi xét xử, có nơi căn cứ giá trị tài sản thời điểm khởi tố, nơi lại căn cứ tại thời điểm phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự.
"Để xảy ra tình trạng bất nhất này, trách nhiệm của Chánh án ra sao?", bà Thúy chất vấn Chánh án, đồng thời chuyển câu hỏi đến Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về khoa học pháp lý, hậu quả phải tính ở thời điểm xảy ra sự việc phạm tội, không được tính ở thời điểm khởi tố. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, thủ đoạn phải được tính ở cùng một thời điểm. Nếu hành vi, mục đích ở một ngày giờ, nhưng hậu quả thì lại tính ở thời điểm khác là không khoa học.
Ông dẫn chứng, có vụ án về đất đai, nếu năm nay phát hiện thì giá trị thiệt hại là 100 tỷ đồng, năm ngoái phát hiện là 50 tỷ, nhưng sang năm mới phát hiện là 200 tỷ. "Việc xác định hậu quả ở thời điểm tùy nghi là không khoa học và công bằng", ông nhấn mạnh.
Chánh án cho biết Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra nghị quyết hướng dẫn tất cả các vụ án đều xác định ở thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, việc xác định tài sản không phải chỉ thu dự án 100 tỷ đồng mà giá trị hiện hành của toàn bộ dự án đó giá trị bao nhiêu thì thu bấy nhiêu. Do đó, tài sản nhà nước không bị thất thoát.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội liên quan tổ chức phiên tòa trực tuyến, ông Bình cho biết sau khi có nghị quyết của Quốc hội, ngành tòa án đã hướng dẫn triển khai, tổ chức tập huấn, yêu cầu tất cả địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để tham khảo. Hiện nay, hơn 5.400 vụ án đã được xét xử trực tuyến ở 647 tòa án trên 63 tỉnh, thành. Hơn 500 tòa cấp huyện đã xét xử trực tuyến.
"Xét xử trực tuyến đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ. Người ở xa, có bệnh cũng được tham gia phiên tòa, tiết kiệm cho xã hội rất lớn, nhất là án hình sự phải dẫn giải bị can, bị cáo quãng đường dài", ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao, khó khăn trong xét xử trực tuyến là tất cả tòa án phải tận dụng cơ sở vật chất hiện có. Có tòa án thẩm phán phải mang cả tivi của nhà mình lên để xét xử. Vì vậy, ông Bình đề nghị cấp thẩm quyền duyệt gấp chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó, hạ tầng vật chất cho các trại giam cũng cần được đầu tư, vì "xét xử đối tượng nguy hiểm ngồi trong trại có tác dụng rất lớn".
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị Chán án Nguyễn Hòa Bình cho biết vì sao tỷ lệ xét xử trực tuyến hiện nay vẫn thấp. Trong khi đó, áp lực lên tòa án các cấp vẫn nặng nề, chưa được bổ sung chi phí, đào tạo sử dụng công nghệ thông tin.
Chánh án cho biết hiện nay khó khăn lớn nhất của xét xử trực tuyến là kinh phí, các tòa án đều chưa được đầu tư trang thiết bị dù Quốc hội khi thông qua Nghị quyết đã yêu cầu Chính phủ phải có nguồn lực để chuẩn bị. "Việc này TAND tối cao đã đề xuất Chính phủ đưa vào chương trình, bây giờ rất mong Quốc hội duyệt sớm để chúng tôi triển khai công việc", ông Bình nói.
Lý giải việc chỉ có 5.000 trên 500.000 vụ được xét xử trực tuyến, ông Bình cho biết các vụ án phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau. "Một số nước đưa hầu hết vụ án xét xử trực tuyến, nhưng nước ta phải có bước đi thận trọng", ông Bình cho hay.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về trình tự, thủ tục tổ chức phiên tòa trực tuyến. Chánh án tòa Tối cao cho rằng, khi nền tảng số phát triển, các tòa án có điều kiện thực thi tư pháp trên nền tảng số nhiều hơn thì "rất cần thiết có đạo luật về tố tụng điện tử". Trước mắt, các cơ quan tố tụng đã có thông tư hướng dẫn về xét xử trực tuyến.
Theo đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An), trong báo cáo của TAND Tối cao gửi Quốc hội có nêu tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao. "Chánh án có giải pháp nào cho vấn đề này?", ông Liên đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận "quả thực đang có vấn đề về án phá sản". Theo ông, các quy định về phá sản ở Việt Nam khác với nhiều nước. Có nước quan niệm phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp nên có Luật Phá sản và phục hồi. Họ coi việc kết thúc một doanh nghiệp thua lỗ là sự hồi sinh, nên đây là hoạt động bình thường và lành mạnh. Trong khi đó, Việt Nam coi phá sản là nghiêm trọng nên quy định ngặt nghèo. Thậm chí doanh nghiệp hết tiền rồi vẫn bị yêu cầu đóng kinh phí làm thủ tục phá sản.
Ông Bình cho hay, hơn 6.000 thẩm phán hiện nay rất giỏi trong án hình sự và kinh tế, dân sự, nhưng kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong giải quyết án phá sản còn thiếu. Để khắc phục, ngành sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa luật Phá sản; nâng cao trình độ thẩm phán về các vụ án phá sản.
"Ngành tòa án sẽ đề nghị Quốc hội cho phép hình thành tòa án phá sản chuyên biệt chuyên xét xử vụ án về phá sản ở các trung tâm kinh tế lớn", ông Bình nói, kỳ vọng chất lượng xét xử án phá sản sẽ được nâng cao sau khi có các tòa chuyên biệt.
Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn cao, là vấn đề đại biểu Mai Phương Hoa (Nam Định) quan tâm. "Đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải thích lý do. Có phải một bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính?", bà Hoa chất vấn.
Nữ đại biểu cũng cho rằng án hành chính có xu hướng tăng, chủ yếu liên quan đến đất đai. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Bà đề nghị Chánh án TAND Tối cao đánh giá về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đang có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. Một là tỷ lệ xử lý thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Năm 2022, tỷ lệ đạt yêu cầu của Quốc hội song tăng không nhiều, vượt 12%; có tình trạng một số vụ đã có bản án, nhưng UBND các cấp không thực thi, gây bức xúc.
Ông Bình cho rằng có tình trạng thẩm phán nể nang khi xét xử vụ việc xảy ra ở UBND cùng cấp song không nhiều. Còn nguyên nhân chính khiến án hành chính bị hủy, sửa cao là do UBND các cấp cung cấp tài liệu không đầy đủ.
Thứ hai, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các vụ án hành chính rất hạn chế. Chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện phải ra tòa chỉ được ủy quyền đến cấp phó. "Nhất là án cấp tỉnh, các anh nhiều việc nên thời gian ra tòa bị hạn chế, ảnh hưởng quyền lợi của người dân", ông Bình nói.
Chánh án cho biết thời gian tới TAND các cấp sẽ nâng cao chất lượng xét xử; đổi mới hoạt động tố tụng hành chính bằng cách giao vụ án ở UBND huyện cho tòa án tỉnh xử, án ở UBND cấp tỉnh thì sẽ thành lập tòa chuyên trách.
Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai, ông Bình cho rằng nếu đưa hết ra tòa sẽ hạn chế quyền của người dân hoặc gây phiền hà không cần thiết đối với những vụ việc có thể giải quyết ngay. Ví dụ, nếu UBND cấp dưới sai, thì UBND cấp trên có khả năng sửa chữa ngay không cần đưa ra tòa. Khi án hành chính xử không được thì mới đưa ra tòa. "Đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ, không nên đưa hết các vụ việc về đất đai ra tòa", ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Xem diễn biến chính