"Hoà giải không chỉ giải quyết giải quyết nhiệm vụ chuyên môn mà giải quyết các nhiệm vụ dân vận của Đảng. Thẩm phán phải tham gia đầy đủ tất cả thiết chế hòa giải từ cơ sở, tại tòa án đến thiết chế hòa giải theo tố tụng", ông Nguyễn Hoà Bình nói tại Hội nghị Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải trong sáng 13/7.
Theo Chánh án TAND Tối cao, hòa giải là thiết chế đa năng, giải quyết tất cả xung đột, từ dân sự đến kinh tế, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, tư pháp... "Tất cả vụ án hòa giải thành công đều được áp dụng phương pháp vận động khéo léo, đụng chạm đến trái tim làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ cảm thông của các bên tranh chấp", ông Bình nói.
Từ 1/1/2021 khi Luật Hòa giải có hiệu lực, việc hòa giải, đối thoại sẽ được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Nếu các bên không hòa giải được, tòa án mới mở phiên phân xử.
Hiện, tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết vụ việc dân sự của ngành tòa án đã có chuyển biến. Năm 2016, tòa án hòa giải thành gần 158.000 vụ, bằng 50% tổng số vụ việc dân sự đã giải quyết; năm 2017 là 174.000 vụ (50,6%); năm 2018 là hơn 184.000 vụ (53,2%); năm 2019 gần 202.000 vụ (52,1%).
TAND Tối cao đã thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng. Sau 6 tháng thực hiện, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành của Hải Phòng đạt 76,2%. Sau gần 10 tháng tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành hơn 78%.