Cuối tháng 9, Đức Quân, 22 tuổi, quê Hải Phòng, đến trường dự lễ tốt nghiệp. Ông nội, bố mẹ cùng bác ruột, người đưa đón Quân suốt 4 năm qua, có mặt để chúc mừng nam sinh.
Với điểm tổng kết 3.37/4, Quân tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán - Tin. Năm học qua, Đại học Bách khoa Hà Nội có hơn 6.800 sinh viên tốt nghiệp, chưa tới 30% đạt thành tích này.
TS Nguyễn Phương Thùy, Bí thư chi bộ sinh viên Toán - Tin, cố vấn học tập lớp Quân, nhìn nhận lứa sinh viên này khá vất vả bởi những ngày đầu phải học online do Covid-19, rồi trải qua một số thay đổi về hình thức, phương pháp giảng dạy, đánh giá.
"Với người có rào cản sức khỏe như Quân, để đạt được bằng giỏi, sự cố gắng và nỗ lực lớn hơn rất nhiều", cô Thùy nói.
Quân cũng vui và tự hào vì "hoàn thành tương đối tốt" chương trình học. Điều khiến nam sinh tiếc nuối nhất là không thể tham gia nhiều hoạt động của trường như các giải thi đấu thể thao hay chương trình đoàn, hội vì sức khỏe kém.
Quân mắc chứng xương thủy tinh thể nhẹ (xương yếu, dễ gẫy). Vừa chào đời, Quân đã bị gãy tay trái, thể trạng yếu. Hai mươi ngày sau, Quân lại gãy tiếp xương đùi trái. Gia đình phải dồn hết vốn liếng, vay mượn họ hàng, thậm chí bán nhà để có tiền điều trị. Năm Quân 6 tuổi, mẹ phải nghỉ công việc kế toán trưởng tại một công ty da giày, chuyển sang bán hàng để có thời gian linh hoạt, đưa đón con đi học.
Quân kể năm lớp 9, trong một lần thi ViOlympic Toán cấp trường, cậu vấp ngã ngay cửa phòng thi nhưng vẫn cố vào làm bài. Sau khi thi xong, Quân mới gọi bố mẹ đến đưa đi cấp cứu. Kỳ thi đó, Quân đạt điểm tuyệt đối. Nhưng cú ngã khiến Quân gãy xương đùi trái một lần nữa, phải lên Bệnh viện Việt Đức mổ.
Gần 4 tháng điều trị, Quân không thể đến trường, phải tự học với sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè. Nhờ nỗ lực và thành tích học tập tốt, Quân được tuyển thẳng vào trường THPT Thái Phiên, trường công lập top đầu ở thành phố Hải Phòng.
"Đã có những lúc mình nghĩ mình là gánh nặng, rồi lại nghĩ đó là số phận", Quân nhớ lại. "Nhưng thay vì tự trách bản thân, mình quyết tâm học tập. Chỉ khi có kiến thức, mình mới giúp bố mẹ đỡ vất vả".
Năm 2020, Quân đỗ chương trình tài năng Toán - Tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù có chút áp lực khi lớp toàn những bạn giàu thành tích ở phổ thông, Quân vẫn đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi trở lên.
Quân được trường tạo điều kiện để bác ruột ở cùng trong ký túc xá, hàng ngày nấu cơm và đưa đón cậu đi học. Do không thể tự leo dốc hay lên cầu thang, Quân phải vịn vào bác để đến lớp hàng ngày. Song vì đã quen, cậu không thấy bất tiện.
Khó khăn nhất với Quân là làm sao thích nghi với cách học mới. Trước đây, Quân chỉ cần nghe thầy cô giảng, ghi chép và làm bài đầy đủ là đã đạt điểm cao. Còn vào đại học, cách này chỉ giúp Quân đạt 2.18/4 điểm ở kỳ đầu, trong đó có hai môn bị điểm D (tương đương 1/4 điểm).
"Mình khá sốc, và nghĩ phải thay đổi cách học", Quân nói.
Sau đó, thay vì chỉ học những gì thầy cô gợi ý, Quân mở rộng tìm hiểu kiến thức xung quanh để nắm bản chất vấn đề. Với các môn chuyên ngành, Quân ghi chép cẩn thận, học cùng bạn để cùng mày mò nhiều dạng bài.
Quân cho biết tự học bất cứ khi nào có thể, cố gắng đi ngủ trước 11h, kể cả mùa thi để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Việc thay đổi cách học giúp kết quả kỳ II của Quân cải thiện, kéo điểm tổng kết năm đầu lên thành 2.63/4. Để tập trung cho mục tiêu bằng giỏi, Quân đành bỏ mong muốn thử sức làm nghiên cứu khoa học.
Duy trì phong độ suốt ba năm sau đó, cùng điểm 9 cho khóa luận tốt nghiệp, Quân cuối cùng cũng hoàn thành mong muốn của mình.
Cô Thùy đánh giá thành tích của Quân đến từ nghị lực, sự lạc quan, bền bỉ, nghiêm túc.
"Quân luôn đến lớp sớm, chưa từng vắng mặt buổi học nào, tích cực tham gia các hoạt động của lớp. Bạn ấy làm việc nhóm tốt, có tinh thần tiếp thu và học hỏi từ bạn bè", cô Thùy nhận xét. "Quân cũng được yêu quý vì năng lượng tích cực, vui vẻ".
Quân đã trở về Hải Phòng ngay khi nhận bằng. Nam sinh muốn tìm công việc gần nhà liên quan đến Toán kinh tế, Tài chính hoặc Công nghệ thông tin.
"Mình mong có thể nâng cao sức khỏe, tìm được việc ổn định để phụ giúp bố mẹ và lo cho em gái đang học lớp 7", Quân nói.