Vóc dáng thư sinh, gương mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi 32, Nguyễn Vũ Đình Nhật khiến nhiều người tưởng nhầm anh vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chứ không phải là giám đốc một công ty y tế chuyên về chăm sóc tích cực ở Munich, thành phố lớn thứ ba nước Đức.
Nhật bước vào lĩnh vực phim ảnh từ năm 2012 trong vai trò đạo diễn phim "Nếu em không phải một giấc mơ" dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Marc Levy.
Cùng năm, Nhật làm chủ nhiệm phim ngắn "16:30" của đạo diễn Trần Thanh Huy. Phim ngắn này được phát triển thành phim dài "Ròm", giành giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Busan 2019. Ngoài ra, Nhật còn làm phó đạo diễn phim "Phía trước là bình mình", trợ lý đạo diễn phim truyền hình 40 tập "Sóng ngầm", đạo diễn MV "Bông hồng cài áo" của ca sĩ Xuân Nghi - Á quân The Voice 2012.
Năm 2013, khi bước sang tuổi 24, Nhật cùng lúc tốt nghiệp lớp Đạo diễn Điện ảnh Truyền hình, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM và có bằng cử nhân điều dưỡng tại Đại học quốc tế Hồng Bàng. Năm 2013 và 2014, anh làm giảng viên cơ hữu Khoa Y dược trường Cao Đẳng Bách Việt TP HCM.
Đang có một tương lai rộng mở trong ngành phim ảnh và ổn định với công việc giảng dạy, Nhật đưa ra quyết định khiến nhiều người bất ngờ.
"Chúng ta thường nói công việc là cái duyên, hay nghề chọn người", Nhật tâm sự về bước ngoặt trong cuộc sống.
Anh theo học ngành điều dưỡng chỉ "cho có cái nghề" để yên tâm theo đuổi đam mê nghệ thuật. Đi dạy được một năm, Nhật tình cờ biết về chương trình đưa điều dưỡng đi học và làm việc ở Đức. Anh quyết định đăng ký vì đây là cơ hội để bước ra thế giới, mở mang tầm nhìn và học thêm một ngoại ngữ. Nhật bay ra Hà Nội, học tiếng Đức một năm tại Viện Goethe Hà Nội. Tháng 8/2015, anh bắt đầu những ngày tháng học tập ở Đức.
Dù là người dễ thích nghi, đã đạt chuẩn ngôn ngữ B2, tương đương cấp 4 trong hệ thống 6 cấp của Khung chuẩn chung về ngôn ngữ của Cộng đồng Châu Âu (GER), Nhật vẫn vấp phải những khó khăn không ngờ. Những môn như giải phẫu, bệnh học, học viên phải học tiếng Đức kèm tiếng Latin, khiến ngay cả người Đức cũng thấy khó khăn.
"Tôi phải cố gắng 200% công sức của mình. Nhưng tôi đã biến những khó khăn, áp lực đó thành động lực để vượt lên", Nhật nhớ lại.
Từ năm 2017 tới 2020, anh liên tục tham gia các khóa học liên quan tới điều dưỡng, chăm sóc bệnh. Từ khi dịch bùng phát đến lúc đỉnh điểm ở châu Âu, Nhật làm trong Khoa Chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở trung tâm Munich.
"Có lúc, tôi chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19. Tôi đã rất lo lắng nhưng không dám kể cho gia đình biết", Nhật chia sẻ.
Anh may mắn vẫn âm tính với nCoV và vừa tiêm đủ hai mũi vaccine dù rất nhiều đồng nghiệp đã nhiễm bệnh.
Có một bệnh nhân cao tuổi khiến Nhật không thể nào quên. Cụ bà phải mở khí quản, không thể nói và chỉ có thể viết ra giấy để trao đổi. Có lần, cụ viết dòng chữ nguệch ngoạc: "Chàng trai trẻ, tôi rất sợ".
"Có lẽ khi nghe những tiếng bíp của máy thở, máy đo nhịp tim, người ta sẽ sợ hãi, cảm thấy mình rất cô đơn, nhỏ bé. Thế là mỗi ngày, tôi dành ít thời gian để trò chuyện, an ủi cụ qua những dòng chữ", Nhật kể. "Một hôm tôi vào ca trực thì nghe tin cụ mất đêm trước sau cơn nhồi máu cơ tim. Tôi bỗng nhận ra ranh giới của sự sống và cái chết thật ngắn ngủi".
Nhu cầu chăm sóc tích cực tại Đức rất cao, do y tế Đức phát triển và tuổi thọ người dân được cải thiện. Số lượng người Việt qua Đức học điều dưỡng khá đông. Bởi vậy, Nhật quyết định mở công ty y tế với hy vọng nâng tầm điều dưỡng Việt Nam tại Đức.
Tháng 10/2020, anh cùng hai người bạn thân, một người Đức và một người Czech, đều là điều dưỡng chuyên nghiệp và từng làm quản lý, mở công ty Münchner Care ambulante Intensivpflege chuyên khoa chăm sóc tích cực tại Munich.
Nhật gom góp tiền dành dụm từ thời còn làm phim và thời gian làm trong bệnh viện, chung vốn cùng hai người bạn. Nhờ dày dạn kinh nghiệm cùng bằng cấp chuyên môn cao, công ty của anh nhanh chóng được cấp giấy phép hoạt động và thu hút bệnh nhân.
Công ty của Nhật chuyên chăm sóc bệnh nhân có lỗ mở khí quản mạn tính tại nhà, giúp họ không phải nằm viện cả đời. Tại nhà riêng, bệnh nhân sẽ có một căn phòng đầy đủ tiện nghi như bệnh viện và được chăm sóc 24/24, bác sĩ thăm khám thường xuyên.
Bởi vậy, các bệnh nhân ở Đức có chất lượng cuộc sống tương đối bình thường như bao người khỏe mạnh khác, có thể đem máy thở đi dạo, mua sắm, xem đá bóng.
Mở công ty giữa lúc nước Đức và thế giới đang bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nề, nhưng Nhật tự tin sẽ thành công.
"Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề thiết yếu, đặc biệt là tại một đất nước phát triển như Đức. Chính phủ Đức có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ, tiền thưởng cho ngành điều dưỡng", Nhật giải thích.
Hiện công ty có khoảng 20 nhân viên, phần lớn là người Đức. Tiềm năng phát triển cộng đồng điều dưỡng người Việt tại Đức là rất lớn, với khoảng 10.000 người Việt đang học và làm điều dưỡng.
Nhật mong muốn tạo dựng một công ty thu hút bệnh nhân nhờ các điều dưỡng Việt tay nghề cao, đồng thời giúp nhân viên có thu nhập khá và ổn định, tạo thuận lợi cho những người đang đi học, có con nhỏ hay muốn về Việt Nam thăm gia đình.
"Là người con xa xứ, tôi luôn mong ước được cống hiến cho quê hương, cho cộng đồng người Việt tại Đức", Nhật tâm sự. "Khi nào hết dịch, tôi muốn được trở về Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho khách hàng người Việt, mang đến cho họ trải nghiệm như đang ở các nước phát triển".
Hồng Hạnh