Mặc dù có biên giới với Trung Quốc, Việt Nam đã tránh được tình cảnh nghiêm trọng như ở châu Âu và Mỹ. Cách phản ứng của Việt Nam đối với khủng hoảng đã nhận được lời khen từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai ký giả Chris Humphrey và Bac Pham viết trong bài đăng trên DPA.
Hơn 75.000 người đang bị cách ly do tiếp xúc gần với người nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch. Tính đến ngày 13/4, Việt Nam đã tiến hành hơn 121.000 xét nghiệm, phát hiện 262 ca nhiễm và chưa ghi nhận ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan, những nơi đã được truyền thông quốc tế ca ngợi là phản ứng hiệu quả trước đại dịch.
Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng yếu tố mấu chốt trong công tác chống dịch của Việt Nam là phản ứng sớm. "Việt Nam đã ứng phó dịch sớm và chủ động. Việt Nam lần đầu tiên đánh giá rủi ro vào đầu tháng một, không lâu sau khi các ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc được báo cáo", ông Park nói.
Việt Nam đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch dưới sự giám sát của Phó thủ tướng, ngay lập tức triển khai kế hoạch đối phó quốc gia, ông Park nói thêm.
Mặc dù ghi nhận số ca nhiễm thấp, Việt Nam thực hiện "cách biệt cộng đồng" toàn quốc từ ngày 1/4, phản ứng nhanh và quyết đoán hơn nhiều so với Anh hay Italy, những nơi ra lệnh phong tỏa toàn quốc khi số ca nhiễm đã lên đến hàng nghìn.
Chính quyền các nước khác phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang hoành hành nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam thực hiện "cách biệt cộng đồng" để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được, hai ký giả của DPA bình luận.
Tinh thần đoàn kết là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Việt Nam. Nỗ lực kiềm chế Covid-19 của Việt Nam được so sánh với thời chiến. Nguyễn Vân Trang, nhà kinh tế tại Hà Nội, cho biết cha mẹ bà chưa bao giờ nhìn thấy mức độ tuân thủ, kỷ luật và đoàn kết như vậy kể từ sau chiến tranh.
Trường học đã đóng cửa kể từ tháng một. Hàng chục nghìn người nhập cảnh từ vùng dịch nước ngoài phải cách ly tập trung từ ngày 16/3. Đến ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế ngừng hoàn toàn.
Không có dấu hiệu các hạn chế sẽ được nới lỏng trong tương lai gần. Phần lớn chuyến bay nội địa, chuyến tàu và xe buýt đã dừng khai thác. Bất cứ ai rời khỏi Hà Nội, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất nước, bị cách ly khi đến hầu hết tỉnh khác.
Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, giải thích về sự thành công của Việt Nam trên mạng xã hội. "Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng lây lan cộng đồng mạnh, nên người cao tuổi nhiễm nCoV còn ít. Bệnh nhân đang ít nên chúng ta đang có đủ phương tiện, thuốc men và bác sĩ để điều trị. Thêm vào đó, chúng ta có kinh nghiệm xây dựng phác đồ điều trị bệnh dịch", ông viết, nhắc đến cuộc chiến chống SARS trước đây.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc phát hiện ca nhiễm SARS năm 2003 và cũng là quốc gia đầu tiên WHO xác nhận kiềm chế được dịch.
Công tác truy dấu lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân theo từng lớp cũng được chứng minh là rất quan trọng. Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện những người được xác nhận nhiễm nCoV và người nghi nhiễm có triệu chứng, ông Park nói.
Bất cứ ai đã tiếp xúc gần với người nhiễm đều phải cách ly bắt buộc. Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần cũng được yêu cầu tự cách ly. Ở lớp cuối, khu phố, làng xóm hay các tòa nhà ghi nhận người nhiễm cũng bị cách ly, ông nói thêm.
Hình phạt cho hành vi không tuân thủ quy định có thể nghiêm khắc. TP. Hồ Chí Minh cảnh báo người không đeo khẩu trang và lây nhiễm cho người khác có thể đối mặt án tù 12 năm. Ngày 10/3, một người đàn ông bị tuyên án tù 9 tháng vì không đeo khẩu trang và chống người thi hành công vụ.
Mặc dù các biện pháp nghiêm ngặt đã đem đến kết quả tương đối thành công, vẫn phải chờ xem liệu Việt Nam hay các quốc gia khác có cách đối phó tương tự có thể ngăn chặn nCoV lây lan trong thời gian dài hay không.
"Chúng tôi không thể đưa ra dự đoán, nhưng chúng tôi có thể nói rằng diễn biến của đại dịch sẽ được định đoạt bởi các hành động mà các quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang thực hiện", ông Park nói.
Phương Vũ (Theo DPA)