Nghiêm Đức Hoàng Nam, 23 tuổi, nhận bằng thạc sĩ của trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE), Anh, hôm 14/12. Anh được trao giải "Excellence Prizes" - dành cho người có điểm tốt nghiệp cao nhất ở chuyên ngành Truyền thông.
"Cảm giác hoàn thành một chặng đường dài giống như leo lên một đỉnh núi. Tôi muốn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc này", Nam nhớ lại.
Một tháng trước lễ tốt nghiệp, Nam nhận được email của trường thông báo về giải thưởng. Trong thư, giáo sư Bart Cammaerts, Trưởng khoa Truyền thông, chúc mừng và khen ngợi Nam đã xuất sắc đạt được điểm số cao trong các môn học.
"Thành tích của em xứng đáng được tuyên dương và em phải tự hào về điều đó", giáo sư Bart viết.
Luận văn tốt nghiệp của Nam được 78/100 điểm, với chủ đề về truyền thông nội bộ và mức độ hài lòng trong công việc của những nhân viên quốc tế trong ngành truyền thông. Trong thư thông báo điểm, giáo sư Lee Edwards, người hướng dẫn Nam, và các thành viên hội đồng nhận xét: "Đây là một luận văn xuất sắc".
Các giáo sư đánh giá truyền thông nội bộ là đề tài hẹp, ít được nghiên cứu, thậm chí trường LSE không có người chuyên về mảng này. Theo giáo sư Lee, luận văn của Nam mang đến nhiều ý tưởng mới, tổng hợp được lý thuyết của các lĩnh vực khác nhau về quản trị nhân lực quốc tế, thương hiệu nhà tuyển dụng, truyền thông liên văn hóa. Dù phỏng vấn được ít người, Nam đã phân tích chi tiết và sâu sắc những gì thu thập được.
Nghiên cứu của Nam giúp các công ty thu hút tài năng quốc tế, đa dạng hóa lực lượng lao động trong ngành truyền thông ở Anh, vốn 70-80% nhân lực là nữ và người Anh da trắng. Luận văn cũng chỉ ra yếu tố văn hóa sẽ cải thiện truyền thông nội bộ thế nào, để các công ty tham khảo.
Những đánh giá này vượt quá kỳ vọng của Nam. Ban đầu, Nam định phỏng vấn những nhân viên có ba năm kinh nghiệm trở xuống và người phụ trách truyền thông nội bộ trong công ty đó để so sánh góc nhìn hai phía. Tuy nhiên, Nam chỉ mời được khoảng 10 người trả lời nên ít thông tin. Lúc bảo vệ, Nam thẳng thắn nói đến hạn chế này, giải thích lý do và được chấp nhận.
"Tôi nghĩ luận văn của tôi thuyết phục các giáo sư ở sự chân thành", Nam chia sẻ.
Nam có duyên với nghề truyền thông từ ngày còn học THCS. Hồi lớp 8, Nam bắt đầu viết bài cho tờ nội san của trường Marie Curie, nhận được những khoản nhuận bút đầu tiên từ 50 đến 150.000 đồng.
Khi học THPT chuyên Ngoại ngữ, Nam tiếp tục viết, phỏng vấn nhân vật, giới thiệu sách, phim trên tạp chí của trường. Mỗi khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, Nam cũng thường đảm nhiệm phần nội dung và truyền thông. Những video Nam làm vào dịp 8/3 hay 20/10 thường nhận được sự yêu thích của mọi người.
"Bố mẹ và bạn bè đều khen tôi nói, viết tốt thì nên học truyền thông để phát huy tối đa những kỹ năng này", Nam nhớ lại.
Năm 2018, Nam quyết định theo đuổi ngành Truyền thông tại Đại học Eramus ở Hà Lan. Tuy không gặp khó khăn về ngôn ngữ nhưng Nam chật vật với cách học mới và lần đầu sống tự lập. Để bắt kịp chương trình, Nam dành toàn bộ sự tập trung cho việc học, dần đạt kết quả tốt.
Tốt nghiệp loại giỏi, năm 2022, chàng trai Hà Nội ứng tuyển và được nhận vào chương trình thạc sĩ của ba đại học ở châu Âu. Nam chọn LSE vì muốn có thêm trải nghiệm và được học với các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông của trường. Ngôi trường này đứng thứ 8 ở Anh và trong top 45 thế giới, theo bảng xếp hạng đại học 2024 của QS.
Theo Nam, khối lượng học tập ở LSE không nhiều nhưng cái khó là phải đưa ra ý tưởng mới. Môn khó nhất trong chương trình là Digital Media Futures, giới thiệu các công nghệ truyền thông nói chung và triết lý thiết kế đằng sau những công nghệ đó.
Nam từng rất cuống khi làm bài luận ở môn học này. Khi chỉ còn hai tuần nữa là hạn nộp, Nam vẫn không hiểu đề bài.
"Viết về một triết lý nên trừu tượng", Nam kể, cho biết sau đó vượt qua được môn này là nhờ các bạn cùng phòng ở ký túc xá hỗ trợ, vạch ra cấu trúc bài rồi từ đó tìm thông tin đắp vào.
Cô Quách Thị Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Nam năm lớp 12 ở trường chuyên Ngoại ngữ, cho hay trong thời gian học ở Anh, học trò thường nói chuyện, chia sẻ lo lắng về luận văn. Vì thế, cô đánh giá sự cố gắng của Nam rất xứng đáng khi trở thành thủ khoa.
Trước đó, ngày đi học, Nam luôn là học sinh xuất sắc, trong top 10 của lớp. Cô Huyền đánh giá học trò năng động, thông minh, thiên hướng xã hội, đặc biệt đam mê truyền thông.
"Nếu có mong ước du học nhưng còn băn khoăn chọn ngành học, bạn nên bắt đầu với thế mạnh, đam mê của mình", Nam chia sẻ, cho rằng thành quả đạt được giúp anh thêm tự tin vào con đường đã chọn.
Ước mơ của Nam là được sống và làm việc ở nhiều quốc gia. Trước mắt, Nam sẽ tìm việc trong lĩnh vực truyền thông hoặc nghiên cứu tại Anh vì đã có visa ở lại làm việc trong hai năm.
Bình Minh