Hai tuần trước tốt nghiệp, Bình bất ngờ thấy giải thưởng Halbrecht Associates trong bảng điểm. Trên website, NUS cho biết đây là giải thưởng dành cho sinh viên có điểm trung bình học tập xếp thứ hai ngành Kỹ thuật máy tính.
"Điểm năm nhất của mình chưa tốt, sau tăng lên nhiều, nhưng không nghĩ đủ để vào top đầu. Mình tự hào vì mọi công sức được đền đáp", Bình chia sẻ.
Bình là cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Nam sinh cho hay dự định du học từ lớp 12, vì muốn theo học lĩnh vực công nghệ ở một đất nước phát triển.
Song, Bình chưa thể chuẩn bị hồ sơ ngay vì tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý, từ cấp trường, tỉnh đến cấp quốc gia, quốc tế. Thời điểm hoàn thành cuộc thi cuối cùng cũng là lúc hạn chót ứng tuyển học kỳ mùa thu của các đại học đã trôi qua. Nam sinh chọn học chương trình tiên tiến ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Mình có thể gap year để tập trung làm hồ sơ, nhưng quyết định học để hiểu cơ bản về ngành công nghệ", Bình giải thích. "Mình cũng coi đây là kế hoạch dự phòng nếu không đỗ trường ưng ý".
Ngay từ học kỳ 1, song song với việc học ở trường, Bình bắt tay làm hồ sơ ứng tuyển. Ban đầu, Bình định đi Mỹ nhưng thấy cạnh tranh cao, nếu muốn trúng tuyển thường phải "rải" đơn đến 10-20 trường. Học phí và phí sinh hoạt ở Mỹ cũng vượt quá điều kiện tài chính gia đình.
Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu thêm về các trường đào tạo Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin, Bình chuyển hướng sang Singapore bởi học phí chỉ khoảng 30.000 USD một năm, bằng một nửa ở Mỹ. Anh nộp đơn vào Đại học Quốc gia Singapore và trúng tuyển hồi tháng 8/2020. Thời điểm đó, ngôi trường xếp hạng 12 về ngành này theo bảng xếp hạng đại học QS. Còn năm nay, NUS đã vào top 6.
Bình nhìn nhận ngành này có sự giao thoa giữa kỹ thuật điện và khoa học máy tính nên vừa giúp bản thân phát huy thế mạnh về Vật lý, vừa mở ra cơ hội làm việc trong lĩnh vực "hot" của thế giới.
Thời gian đầu, Bình gặp nhiều khó khăn để thích nghi và theo kịp chương trình học. Khó khăn đầu tiên là anh không thể nghe Singlish - giọng tiếng Anh của người Singapore.
"Tiếng Anh là điều mình luôn tự tin nhưng sang đây chỉ nghe hiểu thầy cô giảng, còn bạn bè nói thì chịu", Bình nhớ lại. Nam sinh khắc phục bằng cách trò chuyện nhiều hơn với các bạn.
Bình cũng bất ngờ với chương trình học nặng của NUS dù từng trải qua áp lực học ở Bách khoa Hà Nội. Theo Bình, giảng viên trao đổi nhiều kiến thức ở mỗi buổi học, nếu nghỉ một buổi sẽ khó theo kịp. Ngoài ra, thầy cô chấm điểm khắt khe, thường chỉ 5% sinh viên được điểm A.
"Để nổi bật, bạn không những cần điểm cao, mà phải được điểm cao nhất", Bình nhìn nhận.
Về cách học, Bình nói quan trọng là phải đề ra mục tiêu và thời gian thực hiện rõ ràng. Sau buổi sáng học tập trung trên lớp, buổi chiều, nam sinh làm bài tập, thường kéo dài 3-4 tiếng ở thư viện. Nếu chưa xong, Bình sẽ làm nốt vào buổi tối để hoàn thành gọn trong ngày, tránh để sang hôm sau.
"Mình không thông minh xuất chúng nên phải lấy thời gian và công sức để bù lại", Bình chia sẻ. "Kết quả cũng tốt hơn khi mình cởi mở nhờ thầy cô giúp đỡ".
Ngoài ra, nam sinh làm trợ giảng từ năm thứ hai với mục tiêu tổng ôn kiến thức, làm bài tập và giải đáp các thắc mắc của bản thân.
Lớp đầu tiên anh tham gia hỗ trợ giáo sư là môn Cấu trúc dữ liệu và thuật toán, trình độ thạc sĩ. Dù được điểm tuyệt đối môn này, Bình nhận ra kiến thức của mình chưa đủ. Nam sinh đọc thêm tài liệu trước mỗi buổi, từ đó rèn được kỹ năng tự học kiến thức mới.
Kết thúc 4 năm học, nam sinh xứ Nghệ đạt điểm A ở hầu hết môn và có điểm cao nhất ở ba môn chuyên ngành gồm Học máy, Thị giác máy tính và nhận dạng mẫu, Hệ thống dữ liệu lớn cho khoa học dữ liệu.
Anh Nguyễn Trường Giang, một người bạn ở NUS, ấn tượng về sự kỷ luật cao của Bình.
"Bình chăm chỉ và không nản chí khi theo đuổi những mục tiêu đã đề ra", anh Giang cho biết. "Bạn ấy rất đáng tin cậy, luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết để giúp đỡ mọi người".
Bên cạnh học và dạy, Bình còn thực tập ở bốn công ty khởi nghiệp (startup) của Singapore và Pháp. Theo Bình, làm trong môi trường startup giúp anh trở nên đa nhiệm, hiểu rõ từng khâu sáng tạo sản phẩm và lợi ích chúng mang lại cho người dùng.
Yêu thích sự năng động như vậy, Bình chọn làm ở Momos sau khi tốt nghiệp. Đây là startup chuyên cung cấp giải pháp quản lý nhân sự, phản hồi khách hàng và marketing cho các chuỗi nhà hàng đa quốc gia. Bình là kỹ sư phần mềm, đảm nhận việc sửa lỗi lập trình và phát triển các tính năng mới.
Song song đó, anh duy trì một số sở thích như đọc sách, chơi thể thao và viết blog.
Phương Anh