Hồi đó, Ngô Hà đã có bầu bốn tuần, nhưng âm thầm nhờ người điều tra, biết người yêu con xăm trổ và quá khứ không hay, bà Thủy rất nghi ngại. Người mẹ tuyên bố chỉ cho phép cưới khi chàng trai tên Mạnh Tuấn xét nghiệm chứng minh không nghiện ma túy.
"Cháu đẻ ra bố mẹ nuôi chứ không chấp nhận để con lấy một thằng nghiện ngập", bà Thủy (45 tuổi, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) dứt khoát nói với con gái.
Mạnh Tuấn, chàng trai quê Thái Nguyên có chút chạnh lòng, nhưng làm theo ý mẹ người yêu. Những ngày ở nhà Hà, anh vào bếp nấu ăn, phụ xếp củi, quét nhà... "Nó khéo lấy lòng lắm, việc gì cũng lăn vào làm", bà Thủy nhớ lại. Khi kết quả xét nghiệm cho thấy anh khỏe mạnh, Tuấn làm rể Bắc Giang, dù bố mẹ vợ chưa thực sự yên lòng.
"Tôi hiểu lý do mọi người không thiện cảm với mình. Đến tôi còn từng nghĩ mình là một thằng đàn ông tồi, thì làm sao đòi hỏi mọi người thương yêu ngay được", Tuấn, 33 tuổi, kể.
Mạnh Tuấn lớn lên ở TP Thái Nguyên. Khi bố mất vì nghiện ma túy, mẹ con anh bị những người xung quanh xa lánh, phải đưa nhau về nhà ngoại sống. Người mẹ làm nghề dọn rác nuôi ba đứa con. Học đến lớp 9, Tuấn phải nghỉ học đi đội than, vác hàng thuê ở biên giới, lái công nông, bốc vác... mưu sinh. Năm 2011, anh lập gia đình, có một bé gái, nhưng cuộc hôn nhân đầu kết thúc chóng vánh.
Đổ vỡ hôn nhân cùng những tháng ngày phiêu bạt kiếm sống khiến chàng trai trở nên ngang bướng, bất cần. Mạnh Tuấn tìm đến cờ bạc rồi tụ tập cùng đám bạn xấu tham gia vào những cuộc ẩu đả đến mức nổi tiếng cả vùng là kẻ hư hỏng. "Tôi gần như mất gia đình, bạn bè, người thân, hàng xóm. Lúc thiếu tiền, tôi vay chẳng ai cho", anh kể. Sự lạnh lùng của những người xung quanh và nước mắt của mẹ khiến anh sống trong ăn năn, muốn quay đầu.
Năm 2016, Mạnh Tuấn tình cờ gặp Hà, kém 6 tuổi, là nữ sinh trường cao đẳng Y xinh xắn. Thấy chàng trai "xăm trổ đầy mình" tới bắt chuyện, cô chỉ đáp nhát gừng, tìm cách tránh mặt. Biết mình không xứng, chàng trai chỉ dám âm thầm theo dõi cô trên mạng xã hội.
Nửa năm sau, hai người gặp lại. Có cơ hội nói chuyện nhiều hơn, Hà thấy Mạnh Tuấn hài hước, dễ gần, khác hẳn vẻ ngoài ngổ ngáo. Còn chàng trai chính thức "trồng cây si" ở phòng trọ cô gái, tìm đủ cách tiếp cận.
Có lần, khi Hà kết thúc đợt học việc ở một bệnh viện tại Thái Nguyên, 3h đêm mùa đông, Mạnh Tuấn mặc kín mít, tình nguyện chạy xe 50 km đến đón. Anh phụ Hà thu dọn đồ đạc, chở về quê. Có chút rung động, nhưng nghe một người bạn kể quá khứ của anh, cô vẫn sợ.
Đầu năm 2017, ông nội Hà điều trị ở bệnh viện K Trung ương, cả nhà bận mùa gặt nên chỉ Hà xuống chăm. Biết tin, Mạnh Tuấn chạy xe máy từ Thái Nguyên xuống, mua sữa vào thăm hỏi rồi về. Vài ngày sau, anh thuê nhà nghỉ gần cổng viện, ở lại phụ Hà chăm ông. Sức con gái, phải chạy đôn đáo khắp viện, nay có người san sẻ, cô gái miễn cưỡng nhận sự giúp đỡ.
Suốt một tháng liền, cứ 7h sáng, Mạnh Tuấn từ nhà nghỉ vào viện cùng Hà đi mua nước nóng, mua cháo, đưa ông đi khám và làm đủ thứ việc không tên để chăm sóc người bệnh. Anh nói dối ở nhà người quen để bạn gái đỡ bận lòng. Nhiều lần, vì có việc gấp, buổi tối anh chạy xe máy về Thái Nguyên rồi ngay trong đêm lại quay xuống Hà Nội để sáng kịp gặp Hà.
Cho đến một ngày, thấy anh bảo vệ bệnh viện có tình ý với người mình thương, Mạnh Tuấn lập tức "đánh dấu chủ quyền". Anh kéo tay cô, rủ đi mua đồ, mua cháo... tỏ ra là một đôi.
Cũng hồi đó, một chàng trai si mê Hà ôm hoa đến trước cửa phòng bệnh ông đợi gặp cô. Bị phớt lờ, anh này đặt hoa lên giường bệnh của ông Hà rồi chỉ nhắn tin, gọi điện, không quay lại.
Nhìn hai anh chàng xuất hiện ở bệnh viện, chú Hà, sống ở Hà Nội, chẹp miệng "Anh này cũng cứng đấy, nhưng không thể bằng thằng Tuấn. Nó không săn đón mình cháu, mà quan tâm cả người nhà mình". Người cô của Hà thì bảo cháu "thời nay xăm trổ cũng bình thường, quan trọng là biết thương yêu, tôn trọng mình".
"Tôi nhận ra nếu chỉ tán tỉnh bình thường, người ta có thể ôm hoa đến, nhắn tin nói những lời đường mật, nhưng bỏ thời gian, dành tâm sức chăm lo cho người nhà mình thì chỉ yêu mới làm được", Hà nói. Sau lần đó, cô gái nhận lời yêu Mạnh Tuấn.
Tuy vậy, cô vẫn giấu bố mẹ, nói dối lên Thái Nguyên làm để được bên người yêu. Hà âm thầm theo dõi, nhận ra Mạnh Tuấn từ từ đoạn tuyệt với đỏ đen. Anh chuyên tâm làm việc, cùng bạn gái tích góp chuẩn bị cho đám cưới.
"Khi tôi dường như mất tất cả, Hà vẫn đồng ý ở bên tôi trong một phòng trọ chật chội, nóng bức. Tôi nhận ra nếu mình không trân trọng thực tại quý giá này, tôi sẽ đánh mất tất cả", anh ngộ ra.
Nhà ngoại cho cưới, nhưng Mạnh Tuấn vẫn sợ hình xăm khiến bố mẹ vợ bận lòng. Giữa mùa hè, trời nắng như đổ lửa, về nhà vợ làm đủ việc nhà nông, Tuấn không dám mặc áo phông.
"Mãi đến một lần ra giếng làm thịt gà, nóng quá, tôi cởi áo ra, đúng lúc bố vợ về. Thấy bố mẹ vẫn giữ thái độ bình thường, từ đó, tôi mới dám mặc áo cộc", anh cười, kể. Về nhà ngoại, anh đi chợ nấu cơm, đi bơm nước hay trồng lạc, ném mạ, chở phân bón với ông bà, gánh lúa với bố mẹ vợ. Từ ngày làm rể đến nay, mùa gặt nào Mạnh Tuấn cũng chạy xe máy về phụ nhà vợ.
"Có lần 8/3, nó chạy xe từ Thái Nguyên, mua một bó hoa hồng về tặng tôi. Quan trọng là con rể rất thương và chiều vợ con. Là mẹ, tôi cũng yên tâm", bà Thủy nói. Người mẹ thừa nhận, dù biết mình không sai, nhưng nghĩ lại vẫn thấy chút áy náy về việc bắt con rể đi làm xét nghiệm.
Thi thoảng Mạnh Tuấn và vợ nghe hàng xóm chép miệng nói sau lưng "rõ xinh nhất làng, học hành tử tế mà lấy thằng chẳng ra gì". Biết chồng chạnh lòng, Hà luôn nói với anh: "Người ta càng khinh mình càng phải nỗ lực chứng minh cho họ thấy họ đã sai". Cô cũng khẳng định không quan trọng hình thức, gia cảnh, chỉ cần chồng tôn trọng và yêu thương. Sự khích lệ của vợ và đứa con chào đời giúp anh chồng chăm chỉ làm ăn, sống điềm tĩnh hơn.
"Giờ ai cũng khen thằng Tuấn tu chí làm ăn, bảo không ngờ nó thay đổi nhiều thế. Nhìn các con hạnh phúc, biết chăm lo kinh tế gia đình, tôi mãn nguyện", bà Nguyễn Thị Hiển, 56 tuổi, mẹ anh, nói.
Hà mang bầu hai con, lần nào anh chồng cũng xoa bóp, đấm lưng cho mỗi đêm. Lúc vợ sinh, Mạnh Tuấn tự tay vệ sinh cho cô, thay bỉm cho con, nấu ăn, lau dọn nhà cửa. "Các bà bán hàng ở chợ biết hết mặt anh ấy. Chồng tôi cũng rõ giá từng món lên xuống thế nào", Hà kể.
Hai năm trước, khi chưa có máy giặt, Tuấn đều giặt tay quần áo cho cả nhà. Đi chơi, anh chồng vừa lo bế con, vừa chụp ảnh cho vợ "sống ảo". Mạnh Tuấn thay những cuộc nhậu thâu đêm thời chưa gặp Hà bằng những tối kể chuyện cho con, đưa cả nhà đi mua sắm, trà chanh...Nếu nhà mất điện, anh ngồi quạt cho vợ con ngủ.
Nghe vợ góp ý, anh mua quà tặng mẹ đẻ trong các dịp sinh nhật, lễ Tết, quan tâm con gái riêng hơn.
Anh nhờ mẹ vay tiền để mở cửa hàng sản xuất thực phẩm. Covid bùng phát khiến vợ chồng mắc khoản nợ hơn 300 triệu đồng. Ban đầu, Hà cáu gắt với chồng, mắng con. Nhưng bình tĩnh lại, cô động viên anh "tiền mất có thể kiếm lại được, không thử sao biết mình làm được đến đâu".
Rồi họ chắt bóp chút một, tìm cách cải thiện thu nhập. Mạnh Tuấn cùng với những người bạn bán hàng trên sàn thương mại điện tử nước ngoài, còn vợ bán hàng online. Đến nay, họ có một con gái bốn tuổi, một con trai gần hai tuổi khỏe mạnh, "giống bố như đúc". Cả hai đều tin, tình yêu và quyết tâm sẽ giúp họ có cuộc sống tươi sáng hơn.
"Anh chưa bao giờ hết quan tâm, chiều chuộng tôi. Vậy nên có hai con, tôi vẫn thấy mình trẻ thơ lắm. Tôi may mắn khi cưới được một người tuy vẻ ngoài có phần ngổ ngáo, nhưng trái tim ấm áp", Ngô Hà nói.
Phạm Nga