Ca bệnh đặc biệt này đã được báo cáo trong Hội nghị khoa học lần thứ 8 mới đây về bệnh học, điều trị và dự phòng HIV ở Vancouver, British Columbia.
Theo AIDSmed, khi cậu bé người Pháp mới được sinh ra, các bác sĩ nghi ngờ em có thể nhiễm bệnh từ mẹ bị HIV nên đã cho chỉ định dùng Retrovir (zidovudine, AZT) trong 6 tuần. Đây là thuốc kháng virus thường được sử dụng để điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV nhằm dự phòng lây truyền mẹ sang con. Sau 6 tuần điều trị, các xét nghiệm cho thấy tải lượng HIV trong máu của bệnh nhi ở mức cao, do vậy, em được chỉ định chuyển sang điều trị ARV bằng phác đồ 4 thuốc dành cho trẻ.
Từ khi cậu bé lên 6 tuổi, hai mẹ con bỗng dưng "biến mất", không tiếp tục đến phòng khám điều trị và không còn liên lạc với các bác sĩ. Một năm sau đó, họ mới quay lại phòng khám. Qua trao đổi, người me nói rằng đã ngưng cho con sử dụng ARV trong suốt một năm qua. Tuy vậy, xét nghiệm đo tải lượng virus lại không phát hiện thấy HIV trong máu của cậu bé. Điều này khiến cho các bác sĩ lâm sàng ngạc nhiên. Họ quyết định không khởi động lại điều trị ARV cho bệnh nhân và theo dõi sát trường hợp đặc biệt này.
Năm cậu bé 11 tuổi, tải lượng HIV trong máu có một lần tăng khá cao, song sau đó lại tự điều chỉnh mà không có bất kỳ can thiệp y khoa nào. Ngoài lần đó, tải lượng HIV luôn duy trì ở mức “không thể phát hiện” trong suốt 12 năm liền tính đến nay. Dù vậy, một số phương pháp xét nghiệm có độ nhạy cao hơn (thường dùng trong nghiên cứu) vẫn có thể phát hiện một lượng rất thấp virus HIV trong máu của bệnh nhân này. Tuy nhiên, trên các xét nghiệm đo tải lượng thông thường thì cho hướng kết luận “virus HIV trong cơ thể đã được khống chế”.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, trường hợp của bệnh nhân trên không phải là trị khỏi HIV hoàn toàn, nhưng hiện em đã trong tình trạng “sạch khuẩn” (viral remission). Ngoài ra, chàng trai này không có đột biến gene hay các đặc điểm đã được ghi nhận ở những người có đề kháng tự nhiên với HIV. Cơ thể em cũng không tự khống chế HIV trong giai đoạn đầu đời và trong những năm đầu của điều trị ARV. Do vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng khống chế HIV ở trường hợp này có thể nhờ việc điều trị HIV từ rất sớm. Đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên đã khống chế được HIV trong nhiều năm ở một ca lây nhiễm virus ngay từ lúc sinh. Năm ngoái từng có một em bé Mississipi duy trì tình trạng “sạch khuẩn” trong vòng 27 tháng, song sau đó có hiện tượng quay lại của HIV.
Gần đây hơn 10 người trưởng thành tham gia nghiên cứu VISCONTI sau khi được chỉ định can thiệp điều trị ARV rất sớm (rất gần với thời điểm mà họ được cho là vừa nhiễm HIV). Kết quả cũng ghi nhận họ duy trì tình trạng “sạch khuẩn” tương tự trong suốt nhiều năm sau khi ngưng điều trị ARV, với thời gian trung vị khoảng 10 năm.
Như vậy, đến nay đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả điều trị ngày càng cao của ARV mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ và sự phục hồi của người bệnh khi điều trị sớm. Đặc biệt, kết quả thu được lần này gợi mở thêm về hiệu quả của việc điều trị ARV càng sớm càng tốt. Các nhà khoa học còn ghi nhận việc khởi động điều trị ARV gần thời điểm mới nhiễm, cơ thể một số bệnh nhân có thể sản sinh "khả năng khống chế HIV tự thân".
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ