Hôm 24/6, tại lễ tốt nghiệp đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam, Khang A Tủa được trao bằng cử nhân chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam. Khóa luận tốt nghiệp về thái độ của phụ nữ Mông với vấn đề bạo lực gia đình và ly hôn của Tủa được đánh giá xuất sắc và đủ sức xuất bản.
Buổi lễ ý nghĩa với Tủa khi bố mẹ và vợ, con cùng tham dự. Để có kinh phí đưa gia đình từ bản Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, vào TP HCM, Tủa kêu gọi sự đóng góp của mọi người bằng cách bán cổ phục của bà ngoại và mật ong rừng.
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, mẹ Tủa, người phụ nữ Mông ngoài 50 tuổi trong trang phục truyền thống, mỉm cười khi thấy hình ảnh con trai xuất hiện trên sân khấu. Chồng bà, ông Khang Chờ Dê, tíu tít chỉ cho đứa cháu nội ảnh bố mình. Hai ông bà đều không thạo tiếng Kinh.
"Mẹ tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra trong khán phòng nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi nghe. Còn bố nghe được loáng thoáng chuyện học máy tính, lúc về hỏi tôi: 'Con học cái đấy à?'", Tủa cười, nhắc lại kỷ niệm cả nhà đi nhận bằng.

Khang A Tủa nhận bằng tốt nghiệp hạng ưu trong buổi lễ hôm 24/6 tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tủa chia sẻ bố mẹ là người ủng hộ anh đi hết hành trình này và anh đưa họ đến lễ tốt nghiệp như một sự tri ân. Trong lúc đợi gọi tên lên sân khấu, trong đầu chàng trai 29 tuổi như tua lại thước phim về hành trình từ lúc còn là cậu bé 9 tuổi rời gia đình đi học đến ngày hôm nay.
"Tôi rất xúc động. Thước phim đó từng vài lần đứt đoạn nhưng đứt chỗ nào, tôi nối lại chỗ ấy rồi đi lên", Tủa nói.
Nhà có 6 người con, lại thiếu ăn nhưng vợ chồng ông Dê chưa từng bắt con bỏ học. Mẹ Tủa là trẻ mồ côi nên nhận thấy chỉ có con đường học mới thoát được khổ. Còn ông Dê tiếc nuối vì vừa học phổ cập biết đọc, viết thì bị gia đình bắt ở nhà lấy vợ.
"Tôi đi làm thuê, bốc vác ở cửa khẩu vì muốn các con được đi học", người đàn ông Mông chậm rãi nói. Năm Tủa học lớp 4, ông Dê dựng lán nhỏ gần trường cho hai con ở riêng, tự chăm nhau. Anh em Tủa được ưu tiên ăn cơm trắng.
Hết lớp 5, Tủa thi được vào trường Phổ thông dân tộc Nội trú - THCS Mù Cang Chải, sau đó trúng tuyển trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc ở Thái Nguyên. Phải đi làm với bố mẹ từ nhỏ, trải nghiệm sự vất vả, khắc nghiệt của việc nhà nông, Tủa biết chắc đây không phải việc sau này mình có thể làm. Con đường Tủa chọn là học tiếp.
Năm 2013, Tủa đỗ ngành Hóa học của một trường đại học lớn ở Hà Nội. Sau 7 năm sống trong trường nội trú được hỗ trợ toàn bộ, giờ phải tự lo tài chính để học đại học khiến Tủa áp lực. Hàng ngày, Tủa đến lớp với suy nghĩ quẩn quanh làm sao trả được tiền ăn, tiền ở.
"Tôi sống bằng mì tôm", Tủa kể. Dù vậy, vì sốc văn hóa, Tủa thôi học, chuyển hướng hoạt động xã hội, hỗ trợ ngôn ngữ cho một dự án trẻ em người Mông ở Hà Giang và được nhận vào một viện nghiên cứu xã hội.
"Sau một thời gian, tôi nhận ra vẫn cần học. Một người thiếu nền tảng như tôi sẽ chỉ giống như đám bèo trôi nổi, không thể hỗ trợ được người khác", Tủa cho hay. Năm đó, Tủa 25 tuổi. Tình cờ biết đến học bổng toàn phần của Đại học Fulbright, Tủa liều nộp hồ sơ và vào vòng phỏng vấn.
Khi gặp Tủa, GS.TS Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đại học Fulbright Việt Nam, ấn tượng với chàng trai người Mông có mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc. Lúc đó, Tủa đang có dự án sưu tầm truyện cổ tích của người Mông.
"Đây là cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam, có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và phát triển. Một người trẻ mà có mong muốn như thế thật đáng quý", ông Nam nhớ lại.

Bố, mẹ của Tủa tới dự lễ tốt nghiệp Đại học Fulbright Việt Nam hôm 24/6. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo ông Nam, Tủa từng trải nghiệm môi trường đại học, chứng tỏ anh có niềm tin, gửi gắm hoài bão của mình với môi trường mới. Chàng trai người Mông được chọn vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được những phẩm chất mà trường tìm kiếm, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ.
Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên để bắt nhịp được, trường đã hỗ trợ Tủa khóa tiếng Anh đặc biệt. "Tôi xin ghi âm bài giảng, sau đó về Google Translate và tự mày mò học", Tủa kể.
Ông Nam nói học trò rất hiếu học. Tủa say mê với tri thức mới và luôn có cái nhìn liên hệ, so sánh với những vấn đề của người Mông. Điều này rất tốt bởi nếu chỉ học lý thuyết chung chung thì người học thiếu khả năng vận dụng và thực hành.
Thời điểm đó, người em thứ hai của Tủa vào đại học ở Hà Nội. Để lo cho em, Tủa vừa học vừa đi làm thêm cho một tổ chức giáo dục. Chàng trai cũng mong muốn nghĩ cách giúp trẻ em và phụ nữ Mông có cuộc sống tốt hơn nên cùng vợ (khi đó là bạn gái), điều hành dự án Ná Nả (tiếng Mông là Mẹ ơi mẹ), giúp họ bán nông sản. Hiện Ná Nả hoạt động ổn định, với khoảng 20 hộ, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 1,5 đến 4-5 triệu đồng một tháng.
"Chúng tôi bây giờ không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân mà còn cho người dân bản địa", Tủa nói. Sau khi tốt nghiệp, Tủa dự định phát triển Ná Nả, tìm việc trong các tổ chức phi chính phủ để tiếp tục công việc xã hội yêu thích. Nếu có cơ hội, anh cũng muốn du học.
Bình Minh