Ngày 20/8, Lía dậy sớm để tra kết quả trên hệ thống của Học viện An ninh nhân dân, sau một đêm hồi hộp không ngủ được. Nam sinh đạt 24,62 điểm xét tuyển, đỗ ngành Nghiệp vụ an ninh (điểm chuẩn là 21,6).
"Mình rất vui, chưa bao giờ vui như thế", Lía nói. Tin vui được chàng trai người Mông kể ngay cho bố mẹ, rồi nhanh chóng lan ra cả thôn Mã Pì Lèng.
Anh Lý Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng, cho biết trong hơn 10 năm công tác ở đây, Lía là người con đầu tiên của thôn đỗ đại học.
Gia đình Giàng Mí Lía ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Kinh tế cả nhà chủ yếu dựa vào ruộng ngô và mấy con trâu, con bò. Thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc xe máy bố mẹ Lía đã dùng hàng chục năm để làm việc và đón Lía mỗi lần từ trường nội trú về nhà.
Lía cho biết bố chỉ học hết cấp hai, còn mẹ không biết chữ. Song, nhờ được anh Đông và các cán bộ xã động viên, giải thích, bố mẹ Lía hiểu cuộc sống của các con chỉ có thể tốt hơn nếu được học. Vì vậy, bố mẹ cố gắng tiết kiệm từng đồng cho hai anh em Lía ăn học đầy đủ.
"Đây là may mắn rất lớn của mình", Lía nói. "Bởi không ít bạn từ ngày tiểu học của mình phải nghỉ ngang vì bố mẹ phản đối".
Theo Lía, điều kiện học tập ở miền núi còn hạn chế. Chàng trai học hai năm tiểu học ở một trường trong thôn, nơi có bàn ghế gỗ ọp ẹp, trần hay bị dột nước. Sau đó, Lía được chuyển đến ngôi trường ở xã khang trang hơn, không còn lo đang ngồi học bị nước nhỏ vào đầu, nhưng cách nhà 7 km. Để kịp vào học, Lía thường dậy từ 4 giờ, tự nấu cơm ăn sáng rồi đi bộ đến trường.
Vào cấp hai, nam sinh lên huyện học trường nội trú, bắt đầu sống tự lập xa nhà. Nhưng đến cuối lớp 9, Lía bắt đầu trăn trở về việc học.
"Học cũng tốt, nhưng bố mẹ vì mình mà vất vả quá, mình nghĩ hay nghỉ học để đi làm kiếm tiền", Lía nhớ lại.
Ý định này bị ngăn chặn bởi Bí thư xã Lý Văn Đông, vốn được Lía coi như người bố thứ hai. Khi biết chuyện, anh Đông tìm đến tận nhà, động viên gia đình nghĩ đến cơ hội lâu dài mà cho Lía học tiếp. Anh cũng trao đổi với giáo viên chủ nhiệm của Lía, xin giúp đỡ. Nhờ vậy, nam sinh có thể học tiếp lên trường THPT Hữu nghị Việt - Lào T78 và Đại học Thái Nguyên. Mọi chi phí từ học tập, sinh hoạt đến ôn thi lại đều do anh Đông vận động hỗ trợ.
"Tôi cũng khó khăn như bà con nên không thể lấy tiền túi ra hỗ trợ cháu, nhưng kêu gọi xã hội hóa thì tôi làm được", anh Đông kể.
Ngoài ra, anh Đông còn định hướng học tập cho Lía, đặc biệt khi lên đại học. Lía được khuyên học sư phạm hoặc vào quân đội, công an để sau làm những việc "ở nhà cần".
Năm ngoái, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lía đỗ ngành Sư phạm tiểu học. Nam sinh nói háo hức học để sau về dạy ở trường gần nhà. Lía cũng muốn bọn trẻ hiếu học như mình.
Song, Lía có một ước mơ lớn hơn: làm công an để ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng và góp phần xóa bỏ các phong tục lạc hậu như cúng bái để chữa bệnh, tảo hôn... Vì vậy, Lía quyết tâm thi lại vào trường công an.
Để vào trường, thí sinh phải qua một vòng sơ tuyển và bài thi riêng, hỏi kiến thức tám môn. Lía thi bài CA2 gồm Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ và tự luận. Ban đầu, Lía học cân bằng các môn nhưng không hiệu quả nên phải đổi chiến thuật. Nam sinh tập trung lấy điểm cao ở các môn thế mạnh là Khoa học xã hội và Văn. Các môn còn lại, Lía chỉ ôn chắc kiến thức cơ bản, mong được điểm 6-7.
Lía học tốt nhất khi dùng bút nhớ nhiều màu nhấn vào các từ khóa, rồi viết lại vắn tắt kiến thức vào vở, sau đó đọc lại. Ngoài ra, nam sinh cũng liên tục luyện đề để quen dạng bài. Vì còn bận học Sư phạm, Lía thường ôn thi vào buổi tối, muộn nhất đến một giờ sáng. Nam sinh nhìn nhận có lúc bị quá tải, nhất là thời điểm kiến thức học trên lớp lẫn ôn thi đều nhiều.
"Mình định từ bỏ vài lần. Nhưng khi nghĩ đến bố mẹ, những người giúp đỡ mình, mình lại có động lực để học tiếp", Lía chia sẻ.
Đồng hành cùng Lía từ cấp hai đến nay, anh Đông nói không chỉ mình, mà các thầy cô từng dạy Lía đều thấy Lía chăm ngoan, học giỏi và rất yêu thương gia đình.
"Lía ham học, thông minh và hiểu chuyện", anh Đông nói. "Cháu hứa sẽ học thật tốt, tham gia nhiều hoạt động của trường, lớp và không ăn chơi đua đòi. Tôi tin cháu làm được".
Còn Lía chưa từng nghĩ có thể học xa đến mức này. Chàng trai đang tham gia tuần lễ sinh hoạt công dân với nhiều lo lắng và háo hức. Về dự định tương lai, Lía nói muốn theo học chuyên ngành Điều tra hình sự.
Phương Anh