- Anh có thể chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi biết quyển "John đi tìm Hùng" được trích dẫn làm câu hỏi nghị luận trong đề văn đại học khối D năm nay, trong khi nhiều năm trước, chỉ có tác phẩm của các tác gia lớn trong sách giáo khoa mới được lấy làm đề thi?
- Lúc đầu tôi hơi sốc khi một người bạn đăng đề Văn năm nay lên trang Facebook của tôi. Tôi không thể tin rằng mình sẽ có vinh dự này khi vẫn còn quá trẻ. Tôi thấy rất vui và tự hào vì thành tựu này. Cảm giác thật tuyệt khi biết thông điệp và tên của mình được hàng nghìn học sinh biết đến.
- Hùng có biết vì sao sách của anh được trích đăng trong đề thi đại học năm nay không?
- Để đoán xem ai đó đã nghĩ gì là điều không thể. Tôi, cũng như nhiều người khác, bị sốc khi sách được trích trong bài thi. Nhưng chắc phải có điều gì hấp dẫn ở câu nói đó nên mới thuyết phục người ra đề chọn nó.
- Anh nghĩ gì khi có không ít học sinh sau buổi thi nói họ không đồng tình với ý kiến của bạn, có người còn tỏ ra giận dữ?
- Nếu họ giận dữ thì có thể điều tôi nói là đúng. Việc gì phải tức giận với một điều không đúng?
Tôi nghĩ mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của họ. Nếu bạn đồng ý, bạn sẽ làm gì để thay đổi điều đó. Còn những người không đồng ý với tôi, tôi sẽ không đề nghị họ giải thích hay đưa ví dụ, mà hãy hành động để chứng minh điều ngược lại.
Hãy dám làm điều mà bạn thực sự thấy hạnh phúc, chứ không phải điều bố mẹ muốn, hay xã hội buộc bạn phải làm.
- Dựa trên cơ sở nào mà anh rút ra nhận định rằng phần nhiều người Việt không dám "dẫn đường"?
- Tôi nghĩ rằng kết luận này được rút ra sau khi tôi gặp nhiều người, lắng nghe câu chuyện của họ và phân tích chúng. Tôi có bằng về tâm lý và được hướng dẫn cách quan sát, đánh giá mọi người.
Điều này tất nhiên là quan điểm cá nhân của tôi. Nó có thể sai, có thể đúng, nhưng đó là một quan điểm.
Một ví dụ có thể minh họa cho điều này là khi bắt đầu học ở Việt Nam lần đầu tiên. Trong lớp, tôi quan sát thấy trong các cuộc thảo luận, không có học sinh Việt Nam nào dám đặt câu hỏi hay chia sẻ quan điểm đầu tiên, mà phải chờ các học sinh nước ngoài làm điều đó. Vấn đề này không thể được đo đếm bằng những công cụ thông thường, vì vậy tôi chắc là cũng khó chứng minh.
Nhưng tôi có cảm giác như là người Việt Nam vẫn chưa đạt được tối đa tiềm năng của mình và đó có thể là một trong những vấn đề.
- Theo anh, làm thế nào để có nhiều người tiên phong hơn?
- Tôi nghĩ giải pháp bắt đầu ngay từ gia đình. Tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ cần buông con của họ ra và đừng quá bao bọc con. Việc cho trẻ em đối mặt với khó khăn, thử thách là điều bình thường. Tôi nghĩ rằng khi trẻ em học được cách trở nên độc lập và dũng cảm hơn, các em sẽ dám mơ ước và làm nhiều hơn thế.
Có một điều mà tôi cho là đã góp phần giúp anh Quy trở nên khác biệt, là anh ấy đi nhiều. Anh ấy làm ở nhiều nơi một thời gian. Khi cha anh mất, anh phải về nhà để chăm sóc mẹ vì là con một. Tôi nghĩ đi chu du khắp nơi và trải nghiệm nhiều điều đã giúp anh ấy thay đổi tư duy.
Trần Hùng John sinh ra và lớn lên ở Mỹ trong một gia đình gốc Việt. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, ĐH Berkeley, Mỹ, Trần Hùng John đến Việt Nam tháng 8/2010 du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Sau gần hai năm sống, tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, tháng 10/2012, Trần Hùng John quyết định đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền để tự mình có những cảm nhận và trải nghiệm riêng về đất nước, con người Việt Nam. Sau hai lần xuyên Việt, anh đã cho ra đời cuốn sách “John đi tìm Hùng”. |