Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, John Hùng Trần, tới Việt Nam lần đầu khi tham gia vào một khóa học tiếng Việt và văn hóa Việt dành cho sinh viên Mỹ, kéo dài 4 tháng tại trường đại học Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý Đại học Berkeley, Mỹ, năm 2011 John quay lại Việt Nam, làm MC tại kênh truyền hình đối ngoại VTC10, rồi sau đó là VTV4. |
Khởi hành từ Hà Nội ngày 10/6, đến thứ bảy vừa rồi John Hùng đã tới Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Anh trò chuyện qua điện thoại với VnExpress về chuyến đi.
- Chào John Hùng, vì sao anh muốn thực hiện chuyến đi này?
- Gần đây có những bài viết trên mạng nói không tốt về con người ở Việt Nam của một số khách du lịch. Vì thế tôi muốn đi gặp càng nhiều người càng tốt để trải nghiệm và chứng minh điều ngược lại.
- Đến nay anh đã gặp gỡ bao nhiêu người?
Tôi đã ở cùng 5 gia đình. Hầu hết các gia đình tôi sống cùng đều ở vùng nông thôn ở các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Tôi sống cùng mỗi gia đình từ một đến 4,5 ngày. Tối nay tôi sẽ ở cùng một gia đình của người bạn tại Quỳ Hợp, Nghệ An và ngày mai tôi sẽ tới thăm các làng của đồng bào dân tộc.
- Anh di chuyển như thế nào để đến được các nơi đó?
- Ban đầu tôi định đi bộ và tìm những người tốt giúp tôi đồ ăn, chỗ ngủ trên hành trình. Có rất nhiều người tốt sẵn sàng giúp tôi những thứ đó. Biết tôi đi xuyên Việt mà không có tiền, dân làng nơi tôi ở đã quyên góp cho tôi 500.000 đồng.
Thực tế là tôi không đi bộ nhiều mà chủ yếu đi xe khách và tàu hỏa. Các gia đình tôi ở cùng không muốn tôi đi bộ và họ mua vé cho tôi.
“Vì sao cháu muốn đi bộ trong khi cháu có thể dành thời gian đó để gặp gỡ và giúp đỡ rất nhiều người? Cháu nên kể những câu chuyện về đời sống thực của người dân địa phương cháu ở cùng, những người bình thường không được chú ý tới", mọi người đều khuyên tôi như vậy.
Do đó, mục đích chuyến đi của tôi đã thay đổi. Tôi muốn gặp gỡ càng nhiều càng tốt những người dân địa phương, để nghe họ kể câu chuyện về cuộc sống của chính họ. Có 60-75% người Việt vẫn sống ở vùng nông thôn và nông nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Để tìm hiểu về Việt Nam, không thể không tìm hiểu cuộc sống nông thôn. Gốc rễ của Việt Nam, linh hồn của Việt Nam vẫn là ở vùng nông thôn chứ không phải các thành phố lớn.
John Hùng tập làm chiếu cói ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
- Trong thời gian gặp gỡ, sống và làm việc với các gia đình nông dân, anh thấy điều gì đáng kể?
- Tôi nhận ra ba điều. Điều đầu tiên là những khó khăn của người nông dân. Mọi người đều nói cuộc sống của người nông dân vất vả lắm, nhọc nhằn lắm. Nhưng phải thực sống và làm việc cùng họ trong vài ngày, tôi mới hiểu nghề nông cực nhọc đến nhường nào. Công việc bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tôi phải nhổ ngô, gặt lúa, làm đất và nhiều việc khác nữa. Sau một ngày làm lụng, tôi chỉ muốn tắm và đi ngủ. Nhưng bạn sẽ thấy rất khó ngủ vì không có quạt, hoặc có cũng như không vì ở quê mất điện triền miên.
Ở đây, một vấn đề lớn tôi nhận thấy là nông dân cấy cày, thu hoạch vất vả là thế nhưng sản phẩm có giá rất rẻ mạt. Nhiều người nông dân biết rằng sản phẩm mình làm ra bị người trung gian ép giá, nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Tôi đang nghĩ cách giúp họ bỏ qua người trung gian, bán trực tiếp sản phẩm cho các thị trường nước ngoài để hai bên cùng có lợi.
Vấn đề thứ hai là giáo dục. Ở Việt Nam, nhiều giáo viên không dạy học sinh cách học, không kích thích trí tò mò tìm hiểu và trí tưởng tượng mà áp đặt kiến thức một chiều. Trong khi đó sự học là quá trình lâu dài cả cuộc đời, chúng ta sống và học thêm điều mới mỗi ngày. Nhưng cũng có những người thầy tốt.
Nếu đọc blog của tôi, bạn sẽ biết về thầy giáo Trương Hùng dạy tiếng Anh ở Thanh Hóa mà tôi rất nể phục. Thầy có nỗ lực cải tiến hệ thống giáo dục và tạo sự tự tin cho học sinh bằng các hoạt động tình nguyện, bằng những kiến thức trên YouTube.
Khi đến vùng nông thôn, tôi thấy ở đây phần nhiều là người già và trẻ em nhỏ đi làm, thanh niên đã bỏ lên thành phố hết, trong khi thành phố không đủ việc làm cho tất cả mọi người. Rất ít người quay trở lại đóng góp cho quê nhà.
Nhưng tôi cũng gặp một sinh viên tên Thịnh học nông nghiệp ở một trường Thanh Hóa, dù hoàn cảnh khó khăn vẫn muốn quay về đóng góp cho quê hương mình. Cậu ấy thực sự truyền cảm hứng cho tôi.
- Điều gì dẫn dắt anh duy trì cuộc hành trình này?
- Suy nghĩ thường trực của tôi là phải làm thế nào để giúp những người dân này. Tôi thầy nhiều người có cuộc sống rất vất vả, họ phải nỗ lực, đấu tranh từng ngày và tôi luôn nghĩ xem có cách nào để giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn. Những người cần giúp đỡ chủ yếu sống ở vùng nông thôn, họ là những người không có tiếng nói hoặc bị phớt lờ.
- Anh từng tham gia một show truyền hình thực tế về trải nghiệm các nghề truyền thống của Việt Nam. Còn bây giờ anh đang tham gia làm công việc của nhà nông. Cảm giác của anh trong hai vai trò có gì khác?
- Phải thú thật, có nhiều công việc nghề nông tôi chưa đủ sức khỏe để làm, nhiều việc tôi vẫn chưa quen vì rất vất vả và mệt mỏi. Có lần tôi cảm thấy mình sắp ngất xỉu và nôn mửa ngay trên đồng vì trời nóng. Nhưng tôi không bao giờ từ bỏ.
Tôi tưởng tượng ra mình ở trong vị thế của họ, sống cuộc sống của họ. “Mình rất mệt và khát nhưng những người ở đây làm việc này hàng ngày, họ làm vì họ buộc phải làm. Vậy tại sao mình không làm được?”, nhiều lần tôi tự nhủ như thế.
Các bác nông dân vẫn khuyên tôi ở nhà ngồi chơi, không phải làm việc, nhưng tôi nói mình thực sự muốn thử làm những gì các cô các chú làm để biết trân trọng công việc của mọi người.
Sau khi nghe tôi nói, tôi nghĩ mọi người tôn trọng những việc tôi làm hơn.
- Anh nói không mang theo tiền và chỉ mang ít đồ dùng cần thiết. Vậy anh làm thế nào để cập nhật blog của mình, chia sẻ thông tin cho những người quan tâm?
- Tôi có mang một sổ tay, một máy ảnh, một điện thoại di động. Đến nơi nào có mạng Internet, tôi gửi email những câu chuyện ghi chép được cho hai người bạn ở Hà Nội. Họ giúp tôi đăng tải và dịch bài sang tiếng Việt trên trang blog của tôi.
- Đối với anh, chuyến đi trên quê hương có mối liên hệ như thế nào với gia đình?
- Tôi nhớ nhà nhiều lắm. Kể từ khi bắt đầu hành trình, tôi trò chuyện với mẹ ở Mỹ một lần qua mạng. Mọi người ở nhà tôi vừa có một bữa tiệc lớn.
Gia đình tôi bên Mỹ rất đông. Mẹ tôi có 9 anh chị em ruột và 25 anh chị em họ. Trong bữa tiệc tốt nghiệp và sinh nhật vừa rồi, mọi người tụ tập ăn uống, xem ảnh, trò chuyện. Lúc đó tôi muốn về nhà.
Bà tôi từng hỏi sao tôi cứ muốn chịu khổ như thế này. Nhưng tôi nghĩ rằng những gì tôi làm chỉ là chút gì đó rất nhỏ khi so sánh với những gì người dân ở đây phải làm hàng ngày. Tôi thấy mình có nghĩa vụ làm việc này.
- Anh dự định sẽ làm gì sau khi đến được tới thành phố Hồ Chí Minh?
- Tôi sẽ cho bạn biết dự định cụ thể khi đến thành phố Hồ Chí Minh, có thể tôi sẽ lưu lại đó ít ngày rồi đi tiếp đến Cà Mau. Cũng có thể tôi sẽ đi xe đạp quay ngược lại Hà Nội để có thể đến những nơi tôi đã bỏ lỡ trên đường đi từ bắc vào nam.
Tôi muốn đi khắp nơi và trải nghiệm. Tôi muốn biết cách mọi người sống, vì sao họ làm thế này thế kia, và xem những nơi tôi đến có gì đặc biệt. Tôi muốn là một cuốn sách mở, tiếp thu tất cả những gì tôi trải nghiệm.
Thực sự, nhân vật của chuyến đi này không phải là tôi mà chính là Việt Nam.
Trọng Giáp