Kết quả khám tại Bệnh viện Sài Gòn ITO (TP HCM) cho thấy vết thương gãy hở 1/3 xương cẳng chân, bị nhiễm trùng có mùi hôi và mủ. Nhận thấy vết thương hoại tử nặng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật gấp trong ngày.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Sài Gòn ITO cho biết các bác sĩ đã mổ cắt lọc, làm sạch ổ gãy nhiễm trùng, nắn xương và đặt khung cố định ngoài cho bệnh nhân. Chàng trai còn phải trải qua 2-3 lần mổ nữa để cắt lọc làm sạch hết ổ viêm kết hợp ghép xương. Nếu vết thương mọc mô hạt tốt thì 30 ngày sau khi hết nhiễm trùng xương gãy sẽ liền.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lâm, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết xương gãy muốn lành phải có hai yếu tố. Thứ nhất, cố định đủ vững, thứ hai là phục hồi máu lưu thông ổ gãy. Trong một vài trường hợp gãy nhẹ thì bó thuốc có thể hiệu quả. Bó thuốc nóng làm tăng lượng máu đến ổ gãy, đầu xương có thể "nhúc nhích" được, giúp lành xương trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên thuốc nóng quá gây bỏng da lở loét dễ dẫn đến nhiễm trùng. Không bao giờ được bó thuốc trong trường hợp gãy xương hở vì sẽ đưa vi trùng từ ngoài vào ổ gãy, gây viêm xương đưa đến hậu quả nặng nề là phải đoạn chi.
Hơn nữa thường thầy lang bó thuốc không nắn được hết di lệch vô tình làm lệch xương, lệch trục, đặc biệt vùng khớp gây cấp kênh mặt khớp dẫn đến hư khớp. Vết gãy xương nhẹ nhưng không được điều trị đúng cách kịp thời rất dễ bị nhiễm trùng, hậu quả vô cùng nghiêm trọng có thể gây tàn phế.
Các bác sĩ khuyến cáo, người gãy xương nên đến bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khám ngay để có hướng điều trị đúng đắn, tránh hậu quả đáng tiếc về sau.
Lê Phương