Kính chào bác sĩ Phú. Bố tôi vừa phẫu thuật thay khớp háng. Nghe nói sau phẫu thuật nguy cơ gãy xương thường nhiều. Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc, vận động để xương phục hồi tốt nhất và phòng tránh gãy xương. Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Văn Thành, 32 tuổi, Đức Trọng, Lâm Đồng
Chào bạn, chào độc giả VnExpress,
Người bệnh lớn tuổi sau phẫu thuật thay khớp háng cần có một chế độ chăm sóc và phục hồi chức năng tốt. Người bệnh cần hạn chế các tư thế ảnh hưởng đến khớp háng nhân tạo như khép háng và gấp háng quá cao…
Khi đi nên có dụng cụ hỗ trợ như khung, nạng… và được tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng tốt, ăn uống đầy đủ chất, tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
Mẹ em té gãy xương cổ tay đến nay 4 tháng. Hiện vết thương đã lành nhưng các khớp cổ tay, ngón tay, khuỷu tay và phần nách đều không cử động được hoặc cử động khó khăn. Em đã đưa mẹ đến bệnh viện tỉnh để tập vật lý trị liệu, giờ em đã đưa mẹ về nhà và tập theo hướng dẫn nhưng tình trạng tiến triển rất chậm. Sau này mẹ em có khỏi bệnh không, có bị tật gì không? Điều trị theo cách nào tốt nhất và có hiệu quả, uống bổ sung thêm thuốc gì không?
Quoc, 25 tuổi, Ca Mau
Tình trạng của mẹ em là tình trạng rối loạn dinh dưỡng chi trên sau gãy xương. Hiện điều trị tốt nhất vẫn là vật lý trị liệu phục hồi chức năng và thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
Tôi bị gãy chân trái vừa mổ đặt ốc vít. Xin bác sĩ tư vấn những lưu ý trong chăm sóc, ăn uống, vệ sinh để hồi phục tốt. Cảm ơn bác sĩ.
Thanh Ha, 36 tuổi, Bùi Đình Túy, Bình Thạnh, TP HCM
Sau mổ đặt ốc vít chi dưới, người bệnh lưu ý trong vấn đề đi, đứng, phải có hỗ trợ bằng nạng, gậy. Cần theo dõi chăm sóc vết mổ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.
Em 24 tuổi, bị chấn thương gối sau một pha va chạm trong lúc chơi bóng đã 2 tháng. Em chỉ sưng đau gối, uống thuốc vài tuần, vẫn đi lại bình thường nhưng khi đi khám bác sĩ lại nói đứt dây chằng chéo trước. Nếu đứt dây chằng sao vẫn có thể đi lại? Em có cần phải làm gì không ạ?
Khương Ninh, 24 tuổi, Phú Nhuận, TP HCM
Sau chấn thương khớp gối 2 tháng, hiện tại khớp gối sưng, đau, vẫn đi lại được.
Khớp gối có 2 dây chằng chéo (trước - sau) và 2 dây chằng bên (trong - ngoài). Đứt dây chằng chéo trước là dây chằng quan trọng của khớp gối và em vẫn đi lại được, là nhờ các dây chằng còn lại và các cơ xung quanh.
Em cần chụp thêm hình ảnh cắt lớp khớp gối (MRI khớp gối) để xác định rõ thêm về tình trạng bệnh lý khớp gối của em.
Tôi 30 tuổi, cách đây 2 tháng bị chấn thương cổ chân khi đá bóng. Theo thói quen chơi thể thao, tôi nghĩ mình bị bong gân nên đã chườm nước đá vào cổ chân. Sau khi về nhà thì thoa dầu nóng vào trước khi đi ngủ. Sau 2 tuần thì cổ chân đã hết đau khi đi lại, có thể đá bóng lại bình thường (dù còn đau). Tuy nhiên, mỗi khi ngồi lâu, lên xuống cầu thang hoặc mỗi sáng thức dậy cổ chân có dấu hiệu đau nhói, phải một lúc khởi động thì mới đi lại bình thường. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên về tình trạng này.
Tran Tan, 30 tuổi, Dong Thap
Chấn thương cổ chân rất thường gặp trong sinh hoạt, thể thao... Sau chấn thương cần được chườm đá và bất động tốt. Bệnh nhân cần khám và chụp thêm hình ảnh MRI cổ chân để có hướng điều trị tiếp.
Mẹ em 40 tuổi, 2 tuần trước bị tai nạn. Bác sĩ bảo bị gãy xương đòn tay trái và cho đeo đai số 8. Ban đầu, hình chụp Xquang cho thấy vết gãy không lệch nhiều, sau 2 tuần đi tái khám và chụp xquang thì thấy chỗ gãy lệch nhau 0.5cm nhưng mẹ lại không thấy đau. Bác sĩ khám vẫn không nói gì chỉ bảo tuần sau lên tái khám. Vết gãy xương của mẹ em có thể tự lành được không hay phải đi phẫu thuật nối xương, bao lâu thì xương mẹ em mới lành hẳn thưa bác sĩ?
Nguyễn Hoàng, 18 tuổi, Gò Vấp, TP HCM
Gãy xương đòn thường điều trị bảo tồn không mổ. Gãy xương đòn của mẹ em có thể tự lành, thời gian lành xương thường là 4-5 tuần và cần tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Tôi vừa mổ sụn khớp gối được hơn 3 tháng nhưng giờ lại kêu và đau. Tôi nên làm gì ạ?
Manh Tran, 50 tuổi, quận 10, TP HCM
Sau mổ vào khớp gối hơn 3 tháng, hiện khớp gối kêu và đau đó là dấu hiệu của bệnh lý khớp gối cần được khám, tư vấn và điều trị chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Kính chào bác sĩ. Tôi luyện tập thể thao bị đứt dây chằng chéo phía trước + dập sụn đệm. Hiện tôi đã mổ nối lại dây chằng cũng như bị cắt bỏ đi 1/2 lớp sụn đệm phía trong. Đã hơn 1 tháng đầu gối tôi vẫn còn sưng.Tôi xin hỏi như vậy có phải là tình trạng bình thường sau mổ hay không? Khoảng bao lâu tôi có thể hồi phục hoàn toàn? Tôi có khả năng chơi thể thao nặng lại được hay không?
thelai
Sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước và cắt tạo hình sụn chêm đã hơn một tháng. Bạn cần được theo dõi, khám và tập phục hồi chức năng khớp gối cho tốt. Thời gian phục hồi và khả năng phục hồi để chơi lại thể thao phụ thuộc vào khả năng phục hồi chức năng khớp gối của bạn. Bạn cần được khám, tư vấn với bác sĩ mổ cho bạn.
Tôi bị viêm khớp gối mạn tính khoảng 15 năm nay, cử động đi lại khó khăn. Giờ tôi 63 tuổi. Tôi có nên đi thay khớp háng nhân tạo để dứt điểm tình trạng? Cảm ơn bác sĩ.
Tran Van Tan, 62 tuổi, Cái Bè, Tiền Giang
63 tuổi, viêm đau khớp gối 15 năm, hiện vẫn đi lại được nhưng khó khăn. Thay khớp nhân tạo cần được khám, tư vấn và chỉ định đúng thì mới đạt hiệu quả tốt nhất. Bác nên khám tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ, xương, khớp và chấn thương chỉnh hình để được tư vấn điều trị.
Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Xin cảm ơn và xin chào độc giả.
Sức Khỏe