Sinh ra tại thành phố Braunschweig phía bắc Đức năm 1988, chàng trai Lý Khoa lớn lên trong một môi trường "thuần Đức", từ ngôn ngữ, đồ ăn cho tới bạn bè xung quanh.
"Tôi cố gắng trở thành một người Đức, khu vực tôi ở không có hàng xóm người Việt nào nên tôi coi đó là điều dĩ nhiên", Khoa nói.
Năm 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, Khoa đến vùng núi phía bắc Argentina làm tình nguyện viên, dạy học và chăm sóc cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Thời gian này Khoa có nhiều cơ hội giao lưu với nhiều người hơn. Lúc đó câu hỏi Khoa thường xuyên gặp là: "Cậu đến từ đâu?". "Tôi đến từ Braunschweig", Khoa trả lời nhưng những người mới gặp đó đều ngạc nhiên và hỏi lại "Cậu là người nước nào?". Quãng thời gian đó khiến Khoa băn khoăn rất nhiều vì dù nói rằng "Tôi là người Việt Nam" nhưng lại không nói sõi tiếng Việt và không biết nhiều về quê hương của mình.
Từ đó Khoa mới hiểu vì sao cha mẹ mình luôn nói tiếng Việt trong gia đình, dù khi ra ngoài có thể nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh, khuyến khích Khoa và cô em gái nói tiếng mẹ đẻ. "Tôi thấy rất khó tập đọc và viết tiếng Việt, trong khi tôi cần phải học các ngôn ngữ khác nữa nếu muốn có nhiều cơ hội học tập trong tương lai", Khoa nói.
Sự hồn nhiên của cô em gái kém 10 tuổi, khi nói chuyện với họ hàng, nói lẫn tiếng Đức và tiếng Việt mà không hề biết, khiến Khoa có thêm động lực phải học tiếng Việt thật tốt để làm gương cho em.
Bố mẹ Khoa là người gốc Bến Tre, di cư sang Đức từ năm 1978. Là một nhân viên văn phòng của một công ty điện tử ở Braunschweig, mẹ Khoa dành nhiều thời gian nấu các món ăn Việt và dạy các con nói tiếng Việt. Nhưng môi trường đó dường như vẫn chưa đủ với Khoa. Cậu thèm được sống trong một cộng đồng người Việt đông đúc như ở bang California, Mỹ, nơi cậu ghé thăm sau khi tốt nghiệp trung học hồi 2006. Môi trường thiếu láng giềng là người Việt, bố mẹ nói giọng Nam cũng khiến Khoa gặp khó khăn khi giao tiếp với người Việt nói ...giọng Bắc. Âm điệu khác nhiều lúc khiến cậu "không hiểu gì".
Lang thang trên Internet, Khoa lần mò tìm kiếm từ khóa "thầy giáo dạy tiếng Việt" và gặp được một thầy xưng danh là "thầy Thanh", sống tại TP HCM, sẵn lòng dạy cậu học tiếng Việt qua Skype. Những lúc rảnh Khoa cùng thầy trò chuyện, cậu có thể hỏi cách phát âm từ mới, cách dùng từ, ngữ pháp, từ Hàn Việt và được thầy tận tình chỉ bảo. "Những cuộc nói chuyện với thầy có thể coi như các buổi lên lớp, tôi học nghiêm túc hơn và nỗ lực nhiều hơn", Khoa chia sẻ.
Khi có vốn từ kha khá, Khoa thấy tiếng Việt thú vị vô cùng, giống như "bước vào một thế giới mới". Cậu dần say mê các tác phẩm văn học Việt Nam, tìm hiểu ý nghĩa các món ăn truyền thống. Đặc biệt, Khoa còn có dịp tìm hiểu về truyền thống gia đình Việt Nam khi tham gia dự án đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Đức do tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện, dưới sự ủy quyền của Bộ Kinh tế và Năng lượng nước này.
Qua trao đổi với các điều dưỡng viên, cậu biết rằng ở Việt Nam, trong một gia đình có nhiều thế hệ chung sống, người già được con cháu chăm sóc hàng ngày, khác với các trung tâm dưỡng lão của các nước châu Âu. Bên cạnh đó, Khoa cũng mong các cán bộ chuyên môn của Việt Nam từ trải nghiệm thực tế ở Đức sau này sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc cải thiện hệ thống y tế ở Việt Nam khi họ trở về.
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học kinh tế và phát triển tại Đức, Khoa đăng ký với Bộ Ngoại giao Đức và may mắn được nhận làm nhân viên thực tập tại bộ phận Giáo dục và báo chí tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội. Khoa đang cùng các đồng nghiệp tăng cường việc chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt trong năm nay. Trong đó Lễ hội Đức, một hoạt động lớn sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tại Triển lãm Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam (VECCA). Khoa hy vọng có thể đóng góp trong việc giới thiệu rộng rãi hình ảnh của nước Đức, quê hương thứ hai của mình tới các bạn bè Việt Nam.
"Tôi rất vui vì có được cơ hội này. Tôi đến Hà Nội mà cảm giác như trở về quê hương. Mọi người yêu mến và chỉ dẫn cho tôi khi tôi cần giúp đỡ", Khoa cho biết. Cậu nói mình đang sống ở một nơi rất ấm áp, dù xa gia đình, và không kém phần thú vị vì mỗi ngày lại khám phá một món ăn mới ở Hà Nội và món cậu thích nhất là bún chả và phở.
"Nếu có cơ hội việc làm lâu dài ở Việt Nam, tôi rất muốn ở lại đây", Khoa chia sẻ.
Việt Anh