Trên hành lang Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM ngày cuối năm, Lộc cùng bố mẹ trò chuyện, ngắm nhìn những tiểu cảnh Tết trong lúc chờ kết quả tái khám. Gần một tháng sau ca ghép gan, người bố 56 tuổi dần hồi phục, ăn uống ngon miệng, còn Lộc, chàng sinh viên y khoa năm cuối, đã trở lại với việc học ngay từ ngày thứ 8 sau mổ hiến gan.
"Lúc bác sĩ bảo cần giảm ít nhất 10 kg trong 2 tháng để hiến gan, em không nghĩ mình có làm được hay không, mà chỉ biết phải làm, vì đây là cách duy nhất cứu bố", Lộc chia sẻ.
Bố Lộc phát hiện ung thư gan vào tháng 9 năm ngoái, với tiên lượng "sự sống chỉ tính bằng tháng". Sau những ngày bi quan, ông tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Dù được điều trị tích cực, tình trạng của ông vẫn rất nặng. Đầu tháng 5, ông gặp TS.BS Đặng Quốc Việt, người đã mang đến hy vọng khi đề xuất ghép gan – giải pháp duy nhất để kéo dài sự sống.
"Giữa lúc bế tắc, bác sĩ như thắp lên ánh sáng cuối đường hầm", ông xúc động nói.
Không chần chừ, Lộc quyết định hiến gan cho bố, bởi nếu chờ gan từ người hiến chết não, cơ hội sống sẽ rất mong manh. Mẹ Lộc cũng muốn hiến gan, nhưng bác sĩ không đồng ý vì bà đã lớn tuổi.
"Chúng tôi quyết định ngay tại bệnh viện, không cần họp gia đình hay đắn đo", mẹ Lộc kể.
Tuy nhiên, Lộc gặp trở ngại lớn: cân nặng 96 kg và gan nhiễm mỡ nghiêm trọng. Để đủ điều kiện hiến gan, cậu phải giảm cân cấp tốc. Bắt đầu kỳ nghỉ hè, Lộc dành mỗi ngày 3 giờ tập gym cùng huấn luyện viên, kết hợp chế độ ăn nghiêm ngặt: không dầu mỡ, ưu tiên thực phẩm luộc, hấp, ăn nhiều rau củ và kết thúc bữa cuối trước 5 giờ chiều. Những ngày đầu, cậu mệt mỏi rã rời, nhưng vẫn kiên trì vì mục tiêu cứu bố.
Em trai Lộc, khi ấy đang ôn thi đại học, cũng xin mẹ nấu ăn theo chế độ của anh để ủng hộ. Cậu còn muốn giảm cân, sẵn sàng hiến gan nếu anh không đủ điều kiện. "Mạng sống của ba là quan trọng nhất", nam sinh tâm sự.
Sau hai tháng, Lộc giảm từ 96 kg xuống 83 kg, vượt mục tiêu bác sĩ đặt ra. Tuy nhiên, gan vẫn còn nhiễm mỡ. Lo lắng không kịp thời gian, Lộc tiếp tục giảm cân, trong khi bố cậu được kéo dài thời gian nhờ các can thiệp y khoa. Cuối cùng, Lộc giảm còn 70 kg, đủ điều kiện hiến gan.
Ngày 4/12, Lộc và bố cùng lên bàn mổ. TS.BS Trần Công Duy Long cho biết, Lộc được áp dụng kỹ thuật mổ nội soi lấy gan, giúp giảm xâm lấn và nhanh hồi phục. Phần gan hiến sẽ tái sinh, chức năng gan của Lộc gần như trở lại bình thường.
Các bác sĩ đánh giá Lộc là trường hợp giảm cân ngoạn mục nhất trong số những người điều chỉnh tình trạng gan để hiến. Nhiều người từng bỏ cuộc vì không đủ quyết tâm, nhưng Lộc đã làm được, không chỉ cứu bố mà còn cải thiện sức khỏe bản thân.
"Tết năm nay gia đình tôi đã có mùa xuân, bù lại cho cái Tết đầy nước mắt năm ngoái", mẹ Lộc xúc động nói. Bố Lộc hạnh phúc vì vợ con luôn đồng hành, giành nhau hiến gan, giúp ông thêm trân trọng cuộc sống.
Hiện tại, Lộc nỗ lực học bù sau thời gian nghỉ hiến gan. Em trai cậu cũng thi đỗ Đại học Y Dược TP HCM, nối tiếp anh trai trở thành bác sĩ. Nhờ ăn theo chế độ dinh dưỡng của Lộc, người em giảm 14 kg, cảm thấy khỏe mạnh và nhẹ nhàng hơn.
Ghép gan là một trong kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh gan giai đoạn cuối. Việt Nam có 9 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này và đã ghép cho 604 ca, nguồn từ người cho sống và người chết não. Trong đó, 123 ca ghép gan từ người cho chết (20%), còn lại là từ người cho sống.
Bệnh nhân được ghép gan chủ yếu mắc các bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan, suy gan cấp, teo đường mật bẩm sinh... Tỷ lệ sống sau ba năm của bệnh nhân ghép gan tại Việt Nam đạt 73%, trên 5 năm là 65%, còn trên 10 năm là 32%.
Lê Phương