Một tuổi, Harry bị rối loạn sắc tố da, xuất hiện những nám tàn nhang bất thường tại vùng da dưới cánh tay, bác sĩ khi đó cho rằng là vết bớt. Gia đình đưa Harry đi khắp nơi chữa nhưng không tìm ra bệnh. Bảy tuổi, Harry được gia đình đưa sang Mỹ khám, bác sĩ kết luận mắc hội chứng progeria, còn gọi là hội chứng Hutchinson-Gilford, một dạng rối loạn di truyền cực kỳ hiếm gặp gây lão hóa nhanh ở trẻ em, còn ở nam giới hiện nay chỉ có Harry là tuổi thanh niên. Tên bệnh progeria bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là "già sớm".
Kể từ đó, Harry thường xuyên phải đến bệnh viện để điều trị, uống thuốc statin và aspisirin hằng ngày.
Căn bệnh khiến Harry rất thấp và gầy guộc, cơ thể gần như không có mỡ. Vẻ ngoài trông giống một người đã về hưu, Harry còn mắc nhiều bệnh tuổi già như viêm khớp, thoái hóa xương đầu ngón tay, thường xuyên mệt mỏi. Cơ thể anh nhỏ hơn so với độ tuổi.
Bà Sharron, mẹ của Harry chia sẻ từ khi con 11 tuổi, gia đình chờ đợi trong âu lo, thấp thỏm, không biết căn bệnh sẽ mang con đi khi nào. Đến tận bây giờ, bà vẫn không nguôi lo lắng.
Tuy nhiên, chàng trai nay đã 20 tuổi rất lạc quan, không để căn bệnh quyết định cuộc sống của mình. Anh đến trường, thích giao lưu kết bạn, chơi trò chơi điện tử, đi du lịch. Anh mới trở về sau chuyến du lịch Nhật Bản cùng anh trai.
Gần đây, Harry và mẹ đã lập một trang web về hội chứng progeria để tuyên truyền, khuyến cáo mọi người người cảnh giác hơn với căn bệnh.
Các chuyên gia cho biết những đứa trẻ mắc hội chứng progeria khi mới sinh không có biểu hiện lạ. Trong năm đầu đời, các dấu hiệu và triệu chứng như phát triển chậm, rụng tóc bắt đầu xuất hiện. Những đứa trẻ này thường chỉ sống được khoảng 12 tuổi, một số qua đời sớm hơn và một số may mắn sống được trên 20 tuổi, hoặc lâu hơn. Bệnh nhân thường chết do đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch. Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa hội chứng này.
Lê Hằng (Theo Breakingnews)