Bùi Khánh Nam, sinh viên năm tư ngành Cơ khí, VinUniversity, sẽ theo đuổi bậc tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật dân dụng và Môi trường thuộc Đại học Illinois Urbana Champaign (UIUC), Mỹ. Trường này xếp thứ 12 trong top đại học công lập tốt nhất nước Mỹ năm 2024, theo US News & Report.
Chi phí theo học khoảng 5,2 tỷ đồng của nam sinh sẽ được một tổ chức tài trợ.
Năm 2020, cựu học sinh chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cũng nhận học bổng toàn phần vào đại học. Ngay năm đầu, Nam đã xác định theo đuổi con đường nghiên cứu, học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp.
Hai năm đầu, Nam tham gia các nghiên cứu thuộc chuyên ngành cơ khí. Dù không có bài báo như mục tiêu, nam sinh thấy hài lòng vì được học hỏi cách làm việc và kỹ năng nghiên cứu.
Đến năm thứ ba, định hướng của Nam rõ ràng hơn, là tập trung vào hai mảng: Khoa học Dữ liệu trong Kỹ thuật cơ khí và Tính toán động lực học chất lỏng.
Mùa hè năm đó, trường tổ chức hội trại nghiên cứu, với sự tham gia của các giáo sư trong trường và UIUC. Những sinh viên được nhận sẽ làm dự án dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia này. Nam trong nhóm nghiên cứu về Hệ thống quản lý và điều khiển chất lượng không khí thông minh cho môi trường trong nhà, do giáo sư Jinhui Yan và Lê Duy Dũng phụ trách.
Dự án kéo dài ba tháng nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho việc đặt máy lọc bụi trong phòng, tăng hiệu quả hút bụi và hiệu suất sử dụng điều hòa không khí. Nam được giao mô phỏng, sử dụng công cụ hỗ trợ để tính toán và trực quan hóa quá trình lan truyền của không khí, nhiệt độ, nồng độ bụi và virus trong không gian phòng.
Lúc đầu, Nam không có nhiều kiến thức về cơ học chất lỏng. Chương trình học chỉ có một môn giới thiệu về lĩnh vực này nên nam sinh phải tự tìm hiểu. Cậu may mắn được phó giáo sư Jinhui mời dự thính các buổi giảng của ông tại UIUC.
Nhận thấy tiềm năng ở Nam, các thầy hướng dẫn động viên cậu nộp hồ sơ học thẳng lên tiến sĩ.
TS Lê Duy Dũng nói đưa ra gợi ý này vì học trò đã giành giải dự án xuất sắc ở hội trại. Nam cũng được thử thách khi học cùng lớp với các nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai của giáo sư Jinhui trong 4 tháng. Nam sinh luôn thể hiện sự nghiêm túc, hoàn thành các bài tập khó hơn trình độ đại học, dù không được tính điểm.
"Dựa vào kết quả nghiên cứu, tôi và GS Jinhui đánh giá em biết cách làm việc, giao tiếp và phù hợp", ông nói.
Chương trình tiến sĩ ở nhiều đại học Mỹ hiện không yêu cầu người học có bằng thạc sĩ. Trong hai năm đầu, các nghiên cứu sinh sẽ được học kiến thức nền tảng, nên Nam sẽ có thời gian thích nghi.
Nam cho hay điều kiện ứng tuyển vào UIUC là điểm trung bình học tập đại học (GPA) từ 3.5/4, có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 hoặc TOEFL đạt 103/120 điểm trở lên. Trong khi đó, Nam đạt 105 điểm TOEFL, GPA đạt 3.77.
Ngoài ra, ứng viên cần viết bài luận 1.000 từ, nói về mục đích nghiên cứu, sự chuẩn bị để theo đuổi chương trình tiến sĩ cũng như lợi ích mong muốn. Bài luận của Nam nói về trải nghiệm lớn lên sau giai đoạn đổi mới, được chứng kiến những tiến bộ đáng kể cũng như hạn chế liên quan đến phát triển đô thị. Điều này thúc đẩy nam sinh theo đuổi ngành Kỹ thuật Kết cấu, với mục tiêu giải quyết nhu cầu về cơ sở hạ tầng an toàn và bền vững tại Việt Nam.
Hôm 20/2, Nam nhận thư mời nhập học của UIUC và một tháng sau nhận tin được tài trợ học bổng.
Từ kinh nghiệm bản thân, Nam cho rằng những sinh viên có đam mê nghiên cứu hãy kiên trì. Công việc này không cho kết quả cụ thể ngay nhưng giúp thay đổi tư duy, cách làm việc.
"Hãy bắt đầu từ năm thứ nhất và nên khám phá nhiều mảng để biết mình muốn làm gì", Nam nói, cho biết dự định về nước làm giảng viên sau khi tốt nghiệp.
Bình Minh