Tốt, 24 tuổi, quê Lý Sơn, Quảng Ngãi, tốt nghiệp ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội với điểm tổng kết 8,52/10, cao nhất trong hơn 1.000 sinh viên đợt này.
Đỗ Y Hà Nội vào năm điểm chuẩn cao kỷ lục, dù đạt 29,3 điểm, Tốt vẫn chỉ vừa đủ trúng tuyển, thậm chí trượt nguyện vọng 1 vào trường Đại học Y Dược TP HCM do không đạt tiêu chí phụ 9 điểm Tiếng Anh.
Đặt chân đến giảng đường Y Hà Nội, bắt đầu với sốc văn hóa và những môn khó nhằn nhất bậc đại học, Tốt chỉ nghĩ đến việc cố gắng không để thi lại môn nào.
"Em chưa bao giờ nghĩ đến danh hiệu thủ khoa trong suốt 6 năm qua. Ngay cả khi xác định có thể tốt nghiệp loại giỏi, em cũng không nghĩ trở thành thủ khoa đầu ra của trường", Tốt nói.
Sinh ra và lớn lên ngoài đảo, nơi y tế khó khăn, chứng kiến người dân đau ruột thừa hay cần mổ lấy thai cấp cứu giữa mùa mưa bão mà không thể vào đất liền, phải chấp nhận rủi ro 50-50 khi phẫu thuật trên đảo, Tốt đã nuôi mơ ước trở thành bác sĩ.
Là học sinh giỏi bậc THCS, bố mẹ làm nông, trồng hành tỏi trên đảo, Tốt giành được học bổng toàn phần từ quỹ Vừ A Dính để chuyển đến học nội trú cấp ba tại trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP HCM.
Dù phải học xa nhà, Tốt thấy may mắn khi được tiếp xúc với môi trường giáo dục tốt hơn. Tại đây, Tốt đạt huy chương vàng môn Hoá học kỳ thi Olympic 30/4 năm lớp 11 và giải nhì cấp thành phố môn này lớp 12, tự tin đăng ký vào các trường đào tạo Y khoa hàng đầu cả nước.
Ra Hà Nội học năm 2017, Tốt thấy khó khăn hơn nhiều thời điểm rời mảnh đất miền Trung vào Nam. Nam sinh sốc văn hoá từ chuyện lễ nghĩa như phải mời lần lượt từng người khi ăn, luôn dùng từ "ạ" hay "dạ" khi giao tiếp, đến việc nói nhiều từ mà không ai hiểu.
Với việc học, hàng loạt môn khó dồn dập trong năm thứ nhất như Giải phẫu, Hoá, Lý Sinh khiến Tốt bị ngợp. Không phải học sinh chuyên hay từng luyện thi học sinh giỏi quốc gia, Tốt chật vật với cả môn học sở trường là Hoá.
"Học một môn 6 tín chỉ mà như học ba năm cấp 3 vậy. Một buổi học cả chương sách khiến em cảm giác chỉ cần rơi bút, cúi xuống nhặt rồi ngước lên đã không nghe kịp", Tốt nói.
Tự nhận không phải người thông minh, Tốt nói mình phải bù bằng sự chăm chỉ ngay từ đầu. Không "giấu dốt", nam sinh tìm đến bạn bè, những người đạt giải quốc gia, nhờ giảng bài cho mình. Trước khi lên lớp, Tốt đọc bài trước một lượt rồi sau mỗi buổi lại đọc thêm.
Tốt đọc đi đọc lại từng chương giáo trình. Lần đầu đọc 10 trang trong một tiếng, lần thứ hai đọc 20 trang trong một tiếng. Cứ như vậy, Tốt nhớ sâu từng phần.
Nam sinh cũng có thói quen tổng kết kiến thức bằng cách ghi chép. Với một trang A4, Tốt kẻ thành 6 ô nhỏ, mỗi ô gói gọn kiến thức trọng tâm của một chương để ghi nhớ.
Vận dụng bí quyết trên để học lý thuyết và nắm bắt cơ hội khi được học thực tế, Tốt vượt qua năm nhất mà không phải thi lại môn nào, thậm chí giành học bổng khuyến khích học tập.
Thời gian này, em cũng hoạt động năng nổ ở Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo.
Đến năm thứ ba, được học song song ở trường và đi lâm sàng ở các bệnh viện, Tốt "như cá gặp nước". Lần đầu đi trực Ngoại khoa tại Bệnh viên Xanh Pôn, Tốt không ngủ cả đêm vì háo hức. Nam sinh được anh chị đi trước chỉ từ cách chỉnh máy đo huyết áp, đo điện tim đến các thủ thuật, gọi đi xem mổ.
Đến năm ba, do ảnh hưởng của Covid-19, Tốt phải học online một số môn như Truyền nhiễm. Đây cũng là môn duy nhất Tốt bị điểm C.
Chàng trai Quảng Ngãi thích các buổi lâm sàng ở viện, say sưa kể những kỷ niệm khi tiếp xúc với các bệnh nhân. Với Tốt, việc học lâm sàng song song với lý thuyết giúp em nắm vững kiến thức. Đến năm thứ 5, tần suất thi cử dày đặc với một môn mỗi tuần, Tốt vẫn hoàn thành tốt mọi bài thi.
Nguyễn Văn Dương, lớp trưởng, ấn tượng với sức học của cậu bạn miền Trung. "Giai đoạn thi cử nặng nề, Tốt đã hỗ trợ giảng bài cho nhiều bạn để cùng vượt qua", Dương nói.
Còn với cô Trần Thị Phương, chủ nhiệm khối sinh viên hệ bác sĩ khóa 2017-2023, Tốt là nam sinh cần mẫn, luôn hoàn thành mọi việc dù rơi vào hoàn cảnh nào. "Em giành học bổng mọi kỳ và xứng đáng trở thành thủ khoa toàn khóa", cô Phương chia sẻ.
Đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi bác sĩ nội trú diễn ra cuối tháng 8, Tốt dùng những trải nghiệm trong 6 năm đại học để nhắc nhở bản thân cố gắng. Kể lại một buổi lâm sàng Nội khoa, khi gặp một bệnh nhân tầm tuổi bố mình phải bàn với vợ chuyện dừng điều trị bệnh suy tuỷ do không đủ tiền, Tốt trào nước mắt.
Theo Tốt, ở Việt Nam, bệnh nhân nghèo mới vào bệnh viện công. Dù có bảo hiểm y tế, họ vẫn phải lo rất nhiều chi phí khác, khó được tiếp cận những phương pháp tiến bộ của y khoa. Điều này khiến Tốt trăn trở.
Tốt hy vọng đỗ bác sĩ nội trú, có điều kiện nâng cao tay nghề, học thêm tiếng Anh để trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai, đóng góp tiếng nói của mình trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.