"Năm 2006, khi còn học lớp 10, mình được tặng chiếc tai nghe Creative EP630. Sau đó mình tự mua thêm Sennheiser HD201. Từ hai mẫu tai nghe này, mình bắt đầu thích âm thanh và tìm hiểu về nó", Trần Trung Hiếu kể về cơ duyên đưa anh đến với thế giới đầy âm sắc.
Từ đam mê...
Khi bạn bè cùng trang lứa xem phim, chơi game, Hiếu vùi đầu vào nghiên cứu nguyên lý của âm thanh và các dạng tai nghe, loa, ampli, bộ giải mã (DAC)... "Có sự kiện âm thanh nào ở TP HCM mình đều tham gia, cửa hàng nào có tai nghe mới trưng bày mình đều đến thử. Dành dụm được bao nhiêu tiền, mình đem mua sách chuyên ngành để đọc và hiểu các vấn đề", Hiếu nhớ lại.
Càng trải nghiệm nhiều tai nghe, càng tìm hiểu nhiều về âm thanh, anh càng thấy chúng có những nhược điểm mà bản thân anh không hài lòng, kể cả với những sản phẩm đắt tiền. Anh bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra tai nghe cho riêng mình. Tuy nhiên, khi đó còn đi học, chưa có điều kiện thực hiện ước mơ chế tạo, anh phải gác lại dự định. Thay vào đó, anh lên các diễn đàn chia sẻ bài viết về âm thanh. Bên cạnh các diễn đàn trong nước, anh tìm hiểu cả hội nhóm nước ngoài và đã làm quen được với một số chuyên gia.
Năm 2010, Hiếu sang Anh du học chuyên ngành Toán - Kinh tế tại Đại học Warwick. Chuyên ngành không thực sự liên quan đến âm thanh, nhưng anh vẫn tiếp tục tìm hiểu về lĩnh vực này khi rảnh rỗi và xem đây là một thú vui sau thời gian học tập căng thẳng.
Ngay trong năm đầu đại học, Hiếu bắt đầu mày mò chế tạo một số sản phẩm âm thanh. Ban đầu, anh lắp ampli và DAC cho tai nghe có sẵn. Anh tự làm dây tai nghe, dây nguồn, dây tín hiệu, sau đó lắp DAC, ampli.. cho một số mẫu tai nghe yêu thích để tăng chất lượng âm thanh của chúng. Trong thời gian này, anh kết nối được với một số người chơi kỳ cựu khi tham gia Head-fi - một trong những diễn đàn chuyên về tai nghe lớn nhất nước Anh.
Sang năm thứ hai, Hiếu lần đầu mang hệ thống ampli và DAC tự ráp cho tai nghe AKG K1000 tới sự kiện Head-fi UK Meet 2011. Giữa rất nhiều thiết bị trưng bày, sản phẩm của anh được đánh giá ở mức khá, cần cải thiện nhiều về thiết kế và âm thanh. Hiếu cho rằng như vậy đã là thành công bước đầu.
Năm 2012, khi là sinh viên năm thứ ba, Hiếu quyết định tự làm tai nghe cho mình. Anh chọn làm tai nghe "hàng thửa" (custom) – loại dành riêng cho từng người với kích thước vừa khít tai để đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất.
Cũng giống lúc làm ampli và DAC cho tai nghe, anh tự thực hiện mọi thứ để lấy kinh nghiệm và xem kỹ thuật từ các diễn đàn, trang chia sẻ trên mạng. Hiếu mua linh kiện từ những người bạn và trên các website chuyên cho dân chơi âm thanh.
Vật liệu làm tai nghe "custom", như sợi carbon (cho dây dẫn), rhodium (kim loại dùng cho giắc cắm để tránh ăn mòn), Acrylic Resin (một loại nhựa được dùng cho chế tác các sản phẩm handmade), titan (dùng cho drive bên trong tai nghe)... khá đắt đỏ, giá từ vài chục USD đến cả nghìn USD. "Toàn bộ số tiền dành dụm và hỗ trợ của gia đình, mình dành hết cho việc mua vật liệu, linh kiện. Kinh phí gia đình gửi sang không nhiều nên mình phải chi tiêu dè sẻn, đồng thời đi làm thêm để 'nuôi' đam mê", Hiếu kể lại. "Mình thức đêm khá nhiều để nghiên cứu cách lắp ráp. Nhiều đêm mình không ngủ, hoặc ở lại nhà bạn để được chỉ giúp".
Khi bắt tay vào sản xuất, Hiếu thừa nhận "kiến thức không giống với thực hành". Nhiều linh kiện, vật liệu anh đặt mua với giá đắt đỏ nhưng phải vứt bỏ vì thực hiện sai các công đoạn. "Mình khởi đầu là một người chơi và sưu tầm tai nghe, không làm âm thanh ứng dụng nên khi bắt đầu tự sản xuất, mọi thứ rất khó khăn", anh nói. "Mình phải trả giá mỗi sai lầm bằng tiền bạc và công sức. Rất may, mình được bạn bè và mọi người trong hội chơi tai nghe ủng hộ, giúp đỡ nên kỹ thuật đã hoàn thiện".
... đến khởi nghiệp
Đam mê của Hiếu bị gác lại vào cuối năm 2013, khi anh học xong đại học và về nước. Anh được gia đình hướng vào làm việc ở một công ty chuyên phân tích dữ liệu, theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Anh cảm thấy công việc thật nhàm chán. Thời gian này, anh vẫn tự chế tạo tai nghe, nhưng chỉ tận dụng thời gian rảnh cuối tuần do công việc bận rộn.
2014 là thời điểm cộng đồng chơi tai nghe "custom" tại Việt Nam nở rộ với nhiều hội nhóm trên các diễn đàn về âm thanh cũng như mạng xã hội. Anh bắt đầu bị phân tán giữa đam mê riêng và công việc. "Hay là mình sản xuất tai nghe cho mọi người? Vừa phục vụ đam mê, lại có thể kiếm ra tiền?", Hiếu nhiều lần tự thắc mắc.
Với số tiền dành dụm được, cùng sự hỗ trợ của gia đình, Hiếu rủ thêm hai người bạn cùng sở thích tạo thành một nhóm sản xuất tai nghe "custom".
Việc lắp tai nghe để chơi và để thương mại là hai vấn đề khác nhau. Nhóm đã dành gần năm đầu tiên để hoàn thiện quy trình căn bản. Năm 2016, nhóm mới bắt đầu tạo những chiếc tai nghe đầu tiên và lấy thương hiệu là Soranik.
Để chế tạo được một chiếc tai nghe "custom" thương mại, nhóm phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ lên thiết kế, lắp ráp tới hoàn thiện. Ở công đoạn lên thiết kế, người tạo sẽ lấy khuôn tai của từng người nghe, vẽ mô hình củ tai, thiết kế giả lập âm học (trên máy tính), xử lý khuôn tai và đúc vỏ củ tai. Công đoạn lắp ráp sẽ thực hiện các việc gồm gắn driver vào vỏ, hoàn thiện mạch, đo đạc kiểm tra và cố định linh kiện, vệ sinh vỏ. Công đoạn cuối cùng sẽ gắn nắp, khắc chữ hoặc logo, phủ chống xước.
Ban đầu, mọi thứ đều làm thủ công bằng tay. "Dù đã có kinh nghiệm trước đó, khi làm tai nghe 'custom' thương mại mình thấy vô cùng khó khăn. Có lúc mình mất nhiều tuần liền chỉ để gia công một chi tiết, do khách không vừa ý", Hiếu kể. Dần dần, nhóm của Hiếu đưa máy móc vào hỗ trợ công việc, rút ngắn thời gian tạo một sản phẩm. Hiện nay, nhóm sản xuất một tai nghe Soranik chỉ mất là vài tiếng.
Trong các công đoạn, khó nhất là phần thiết kế âm học, do mỗi người chuộng một chất âm khác nhau. Nếu việc sản xuất chỉ thực hiện vài tiếng, việc chỉnh tiếng và lấy ý kiến người nghe có thể mất vài tháng tới 1, 2 năm cho một mẫu.
Phan Duy, một người chơi tai nghe "custom" 10 năm ở Hà Nội, đánh giá cao chất lượng âm thanh của tai nghe Soranik. Anh Duy ủng hộ việc áp dụng công nghệ mới cho sản phẩm của nhóm. "Mình luôn cảm thấy có sự thay đổi trong mỗi thế hệ tai nghe Soranik", anh nói.
Nguyễn Tuệ, một người chơi tai nghe custom lâu năm tại TP HCM, "khá bất ngờ trước niềm đam mê và nhiệt huyết của nhóm". "Tinh thần ham học hỏi đã giúp Hiếu sản xuất được những sản phẩm ấn tượng", anh nói.
Hiếu đang tham vọng thay đổi hoàn toàn cách thiết kế âm thanh vốn đã là quy chuẩn trong ngành tai nghe từ hơn 10 năm nay. Theo anh, sản phẩm mới của nhóm sẽ bỏ hoàn toàn ống dẫn âm cổ điển (tubeless), không sử dụng hệ thống phân tần như tai nghe thông thường (crossover-less) và driver sẽ được sắp xếp như các hệ thống loa.
Nếu thành công, "chất âm của tai nghe in-ear sẽ tiệm cận tai nghe full-size", anh nói.
Bảo Lâm