Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân lơ mơ, đau tức bụng, khó thở, sốc mất máu do chấn thương ngực bụng, gãy xương cánh tay.
Bác sĩ Bùi Đức Duy, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ngày 6/7, nhận định: Đây là trường hợp chấn thương ổ bụng rất phức tạp do tổn thương nhiều cơ quan như vỡ dạ dày, vỡ đại tràng lên, vỡ gan, vỡ lách, vỡ tụy, rách túi mật, rách ống gan phải, tràn máu, tràn khí khoang màng phổi phải, gãy xương cánh tay trái.
"Bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do sốc mất máu, suy hô hấp", bác sĩ nói. Vì vậy, việc hồi sức, phẫu thuật cấp cứu phải diễn ra khẩn trương để tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh.
Ngay lập tức, kíp cấp cứu tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời kích hoạt báo động đỏ nội viện và huy động lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên khoa Hồi sức - Phẫu thuật - Gây mê - Huyết học để cùng cứu sống người bệnh.
20 phút sau nhập viện, bệnh nhân được chuyển thẳng phòng mổ phẫu thuật cấp cứu để xử trí các tổn thương.
Bác sĩ Duy cho biết, bệnh nhân phải cắt bán phần dạ dày, đại tràng phải, khâu cầm máu gan, cắt túi mật, dẫn lưu đường mật, cắt lách, đưa hai đầu ruột ra làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu khoang màng phổi, cố định xương cánh tay trái đồng thời kết hợp truyền dịch, truyền máu, hồi sức trong mổ. Trong phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 9 đơn vị khối hồng cầu và 6 đơn vị huyết tương tươi.
Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân có thể tự thở, ăn uống, lưu thông tiêu hóa tốt, các cơ quan nội tạng phục hồi tốt. Người bệnh đã nhận thức và giao tiếp được, được đánh giá là ca "vượt cửa tử" ngoạn mục.
Trong tuần này, bệnh nhân sẽ phẫu thuật lần hai để đóng hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với các ca tai nạn giao thông được xác định bị vỡ nội tạng, đặc biệt là trường hợp vỡ tạng đặc như gan, thận, lá lách đều rất nguy hiểm. Người bệnh cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay để bảo toàn tính mạng.
Thùy An