Cuối năm, nhiều bệnh nhân ở tuổi vị thành niên nhập viện do tự chế pháo tại nhà, phát nổ dẫn đến bỏng nặng hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Thành phần hóa học của pháo tự chế rất đa dạng và dễ dàng mua ở các cửa hàng bán hóa chất như lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon, nên nhiều người tự chế pháo, gây tai nạn, tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, nhận định.
Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, tuy nhiên người chơi thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào, ví dụ lúc đang chế tạo pha trộn chịu ảnh hưởng ma sát, tia lửa điện hay va đập, bắt lửa khi vận chuyển.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, khoa hồi sức Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo. Nếu pháo có khói gây cháy có thể dẫn đến tổn thương bỏng, ngộ độc khói, bỏng hô hấp. Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân...
"Hiểm họa do chơi pháo tự chế đã được cảnh báo từ nhiều năm qua, đến nay vẫn không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nhiều và nặng nề hơn", bác sĩ nhấn mạnh.
Hai bệnh nhân nhập Viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác cuối tháng 12, do tổn thương bỏng toàn thân, đa chấn thương, đã tử vong. Một số trường hợp khác vẫn đang điều trị bỏng nặng vùng mặt, tay, cổ, ngực...
Bệnh viện Việt Đức ba ngày qua có ba trường hợp bỏng nặng do tự chế pháo nổ nhập viện.
Ngày 9/1, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng tiếp nhận thiếu niên 15 tuổi đang chế tạo pháo thì phát nổ, tổn thương khắp cơ thể.
Theo bác sĩ Minh, hầu hết người chế tạo pháo do tiếp xúc gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng còn gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Sau xuất viện, người bệnh còn phải tiếp tục đối mặt với di chứng về cả tinh thần nặng nề.
Ngoài ra, pháo tự chế còn có nguy hại đến hệ hô hấp do chứa nhiều bụi kim loại và nguy cơ nhiễm khói hóa chất. Thông thường, thời gian phơi nhiễm khói hóa chất dưới ba phút sẽ ảnh hưởng nhẹ đến cơ thể. Trên ba phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Bụi khói của pháo còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc, gây hại lên mô cơ.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc, bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ. Người dân cần tuân thủ chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ tại nhà gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
Thùy An