Chàng trai trẻ Đặng Văn Khai Nguyên sinh ra ở Tân Phú (Đồng Nai) phải lòng tiếng đàn môi năm 15 tuổi trong một lần nghe nghệ nhân Huỳnh Minh Đức chơi. Ấn tượng đó vẫn đọng lại trong tâm trí Nguyên cho đến năm 2010, cậu bạn được tiếp lửa khi nhìn thấy giáo sư Trần Quang Hải, "vua đàn môi" của Việt Nam biểu diễn. Nguyên lên mạng tìm các thông tin và clip biểu diễn của thầy và xem say sưa.
Ở Đồng Nai không có chỗ bán đàn môi, Nguyên lên Sài Gòn tìm mua được 2 cây và bắt đầu bén duyên, tự mày mò tập luyện. Nguyên tập thổi theo các video đàn môi khắp thế giới. Sau nửa năm tập luyện, khi đã khá tự tin với khả năng của mình, cậu bạn mạnh dạn viết một lá thư cho giáo sư Hải, trình bày tình yêu với đàn môi, gửi thầy những clip mình chơi đàn và mong được hướng dẫn thêm cách chơi. Gặp một bạn trẻ Việt Nam có niềm đam mê với tiếng đàn dân gian, người thầy phương xa lập tức hồi đáp thư kèm theo đoạn clip hướng dẫn cách chơi đàn môi. Tiếp sau đó là những trao đổi đầy say mê giữa hai thầy trò về loại nhạc cụ dân gian độc đáo.

Chàng trai 9x sở hữu bộ sưu tập đàn môi khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Khánh Ly.
Năm 2012, Nguyên được Giáo sư Trần Quang Hải đã giới thiệu và gia nhập Hiệp hội Đàn môi quốc tế. Từ đây một cánh cửa rộng được mở ra để Nguyên giới thiệu tiếng đàn môi Việt đến với thế giới và được học hỏi nhiều hơn. Càng nghiên cứu sâu, Nguyên nhận thấy mỗi cây đàn môi là đại diện tiêu biểu cho văn hóa, lối sống và tín ngưỡng của một vùng đất. Tiếng đàn môi ngân nga bên bờ rào đá trên vùng núi cao Tây Bắc chắp cánh cho tình yêu lứa đôi của những chàng trai, cô gái ngày xưa. Tiếng đàn môi lại được người Indonesia tin có khả năng diệt trừ sâu bọ trên cánh đồng. Một số dân tộc trên thế giới lại dùng tiếng đàn như một ngôn ngữ giao tiếp với thần linh trong mỗi lần cúng tế.
Nguyên đọc nhiều tài liệu, nghiên cứu về đàn môi và nhận thấy loại hình nghệ thuật dân gian này vô cùng thú vị nhưng bị lãng quên. Có một nghịch lý là đàn môi Việt được bạn bè quốc tế biết đến nhiều, chơi nhiều và cất công sưu tập trong khi nó bị lãng quên, mai một trên chính quê hương. Đàn môi Việt được quốc tế đánh giá cao đến mức một trang web lớn nhất về mua bán đàn môi ở Đức. Mong ước của Nguyên là phổ biến đàn môi Việt càng nhiều càng tốt, mỗi khi cậu bạn có cơ hội.
10 chiếc đàn môi trong bộ sưu tập của Nguyên
Nguyên còn có sở thích làm đầy bộ sưu tập bằng những cây đàn môi từ khắp thế giới, đến nay gia tài đàn môi đã xấp xỉ 600 cây từ 26 quốc gia. Có những cây đàn gắn với kỷ niệm ở những chuyến đi thực địa như cây đàn từ vùng núi cao Sa Pa được chính một nghệ nhân làm đàn hiếm hoi làm tay từng chi tiết khiến Nguyên vô cùng thích thú, nâng niu. Nguyên còn học hỏi kỹ thuật và tự làm những chiếc đàn môi tre.
Điều hấp dẫn nhất ở nhạc cụ này, theo Nguyên là dấu ấn cá nhân ở người chơi đàn môi được thể hiện rõ nét, nghe âm điệu là có thể đoán được nghệ sĩ nào đang chơi bởi những âm sắc, tiết tấu mà người chơi gửi vào tiếng đàn. Nếu không có sự khéo léo của đôi môi thì sẽ không có tiếng đàn gây mê đắm lòng người như thế. Với Nguyên, mỗi lần thổi đàn là như thả hồn mình theo dòng cảm xúc và hoàn toàn ngẫu hứng.

Năng khiếu và niềm đam mê giúp Nguyên thổi được nhiều loại đàn môi của các nước. Ảnh: Khánh Ly.
Một lần chơi đàn môi trên bãi biển Bình Thuận, tiếng đàn của Nguyên lọt vào tai các du khách Cộng hòa Yakutia, vùng lãnh thổ thuộc Nga, họ thích thú theo dõi, quay clip lại. Trên báo địa phương này, có những bài viết vinh danh Nguyên là người nước ngoài chơi khomus hay nhất. Khomus vốn là tên gọi loại đàn môi của Cộng hòa Yakutia.
Chia sẻ về những dự định tương lai, Nguyên ấp ủ mong muốn có cơ hội chia sẻ nhiều hơn về đàn môi đến với những bạn trẻ trong nước. Chàng trai sinh năm 1991 sẽ dành thời gian tìm về những vùng đất còn có nghệ nhân lưu giữ thứ nhạc cụ này ở Huế, Quảng Ngãi, để nghe chia sẻ của họ, thu thập tài liệu, quay video clip hướng dẫn cách chơi đặc trưng ở mỗi vùng. Có những chuyến đi trở về tay không vì đi đến nơi thì nghệ nhân đã qua đời được nhiều năm nhưng cậu không nản chí trong hành trình đi đem tiếng đàn môi xích lại gần hơn với mọi người.
Bài và video: Khánh Ly