Hải Sơn, quê Bắc Giang, tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm tổng kết 3,92/4.
"Tôi không đặt mục tiêu về điểm số, cũng không phải sinh viên xuất sắc được chọn vào hệ tài năng nên rất bất ngờ khi là thủ khoa tốt nghiệp", nam sinh lớn tuổi nhất K64 khoa Vật lý, chia sẻ.
Sinh năm 1996, Sơn học cùng các em lứa 2001, bởi trước đó có 4 năm theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sơn lý giải ngày học chuyên Toán ở trường THPT chuyên Bắc Giang, anh được khuyên chọn Công nghệ thông tin vì cơ hội việc làm nhiều, lương cao. Sơn cũng theo dù rất đam mê Vật lý.
Trúng tuyển ngành hot nhất nhì của Bách khoa Hà Nội nhưng càng học, Sơn càng thấy không phù hợp.
"Công nghệ thông tin là công cụ trong nhiều lĩnh vực. Nó quan trọng cả với Vật lý nhưng thứ mình muốn theo đuổi là Vật lý lý thuyết", Sơn nói. Chàng trai 27 tuổi cho hay từ lớp 10, khi học ba định luật về chuyển động của Newton, anh đã ấn tượng về hệ thống lý thuyết đơn giản nhưng mô tả thế giới tự nhiên rất chặt chẽ với những chuyển động của vạn vật.
Ở Bách khoa, thay vì tập trung học, Sơn dành thời gian rèn tiếng Anh và đọc nhiều sách về Vật lý lý thuyết. Thời điểm đó, cậu rất muốn dừng học để thi lại ngành Vật lý nhưng khi chia sẻ, ai cũng nói ý định đó ngớ ngẩn, điên rồ.
Đến năm thứ ba đại học, Sơn quyết định nói với gia đình. "Đây là giai đoạn rất khó khăn. Gia đình phản đối bởi từ bỏ ngành hot để theo khoa học cơ bản rất mạo hiểm, khó hình dung cơ hội việc làm", Sơn nhớ lại.
Suốt một năm, Sơn thuyết phục gia đình, nói rằng nếu sau này đi làm 8 tiếng mỗi ngày ở lĩnh vực không đam mê thì sẽ rất khổ sở. Với Sơn, mất đi 4 năm đại học còn hơn phải sống với công việc mình không yêu thích trong suốt thời gian còn lại.
Cuối cùng bố mẹ Sơn cũng đồng ý. Năm 2019, Sơn ôn tập để thi lại vào khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên. TS Hoàng Chí Hiếu, Phó trưởng khoa Vật lý, gặp Sơn vào thời gian này khi trường mở cửa phòng thí nghiệm cho học sinh tham quan.
Nói chuyện với Sơn, thầy Hiếu bất ngờ khi biết cậu định dừng theo ngành Công nghệ thông tin. "Tôi nghi ngờ không biết liệu Sơn có thực sự đam mê Vật lý không và đã khuyên bạn ấy hãy suy nghĩ kỹ", thầy Hiếu nói.
Đến khi thấy Sơn hỏi khách mời hôm đó là GS Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Mỹ), về những kiến thức Vật lý chuyên sâu như vật chất tối, thầy Hiếu mới tin vào quyết tâm của Sơn. Theo thầy Hiếu, sinh viên không học ngành Vật lý khó có hiểu biết sâu đến vậy.
Sau đó, Sơn trúng tuyển vào trường Khoa học Tự nhiên, được xếp vào chương trình quốc tế ngành Vật lý nhờ có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5.
Vào trường, Sơn ví mình như cá gặp nước, không gặp bất cứ khó khăn gì. Theo Sơn, môi trường đại học đòi hỏi tự học nhiều. Thầy cô giảng những điều căn bản còn sinh viên phải đọc thêm tài liệu, tìm tòi, rồi đưa ra thắc mắc nhờ thầy cô giải đáp. Làm vậy mới có thể hiểu sâu rộng vấn đề.
Với chương trình quốc tế, Sơn học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài giáo trình, tài liệu thầy cô giao, Sơn đọc nhiều sách nước ngoài về Vật lý lý thuyết, trong đó có nhiều cuốn của Wolfgang Nolting - nhà Vật lý nổi tiếng người Đức.
"Cứ mỗi lần đào sâu và hiểu rõ một vấn đề, mình thấy rất sung sướng, như kiểu vừa khám phá ra điều kỳ diệu trong thế giới khoa học tự nhiên", Sơn nói.
TS Nguyễn Tiến Cường, Trưởng bộ môn Tin học - Vật lý, dạy Sơn môn Vật lý tính toán 2, ấn tượng với cậu học trò "già" nhất lớp bởi cách học khác biệt.
"Sinh viên khác cứ đọc hết tài liệu thầy cô phát là quý lắm rồi, còn Sơn lại chủ động tìm đọc thêm tài liệu ngoài. Các môn tôi phụ trách thường cho điểm thấp hơn các môn khác nhưng Sơn vẫn hay đạt tuyệt đối", thầy Cường chia sẻ.
Thầy Hiếu cũng đánh giá trong quá trình học tập, Sơn thể hiện được đam mê rất lớn. Ngoài học tập, Sơn tham gia câu lạc bộ Vật lý, dạy phụ đạo cho các sinh viên khác, hỗ trợ công tác tuyển sinh cho khoa hay các đợt tình nguyện ở vùng núi phía Bắc.
Sơn từng giành danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp thành phố, giải nhất Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc.
Sau khi bảo vệ tốt nghiệp, Sơn mong muốn làm trợ giảng cho khoa trong thời gian tìm học bổng du học. Khoa Vật lý cho hay Sơn sẽ bắt đầu công việc từ học kỳ tới, tiến tới ký hợp đồng để tạo nguồn giảng viên cho nhà trường.
Tốt nghiệp đại học muộn 5 năm so với các bạn đồng trang lứa, Sơn nói không hối tiếc điều gì. Tuy nhiên, chàng trai Bắc Giang cho rằng không phải ai cũng nên làm như mình.
"Mình may mắn được gia đình ủng hộ và hỗ trợ tài chính. Nếu không có điều kiện, việc chuyển ngành rất khó khăn", Sơn nói, khuyên học sinh nên định hướng nghề nghiệp tốt từ cấp THPT để không chọn sai ngành, cũng nên cân nhắc nếu định bỏ qua các ngành khoa học cơ bản để chạy theo ngành hot.