Đinh Hùng Đức Minh, 23 tuổi, ngành Ngôn ngữ Anh, là người duy nhất trong gần 3.000 tân cử nhân tốt nghiệp đợt tháng 5 của trường, đạt loại xuất sắc. Điểm học tập trung bình (GPA) của Minh là 9,16/10. Ngoài ra, nam sinh từng hai lần thi IELTS, đều đạt 8.5.
Nhưng Minh tự nhận là người "hờ hững" với điểm số và thành tích.
"Mình tình cờ biết là thủ khoa khi đến trường nhận lễ phục", Minh kể. "Lúc đó, mình thốt lên chứ không suy nghĩ gì nhiều. Thủ khoa đầu ra thì cũng đơn giản là đã tốt nghiệp, không có gì đặc biệt hơn".
Đức Minh là cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.
Nam sinh nói yêu thích ngôn ngữ này từ năm lớp 4. Khi đó, cậu bắt đầu chơi game, chủ yếu là những game nhập vai. Để qua "màn" hay tham gia các thử thách, người chơi phải đọc nhiều nội dung dài bằng tiếng Anh, về yêu cầu và câu chuyện của nhân vật. Không muốn phải dùng Google dịch, Minh chăm học tiếng Anh hơn.
Lên cấp hai, Minh biết đến mạng xã hội, Youtube. Cậu thường "lang thang" tìm đọc các chủ đề bàn luận hay xem video bằng tiếng Anh. Khi trò chuyện với những người bạn nước ngoài, Minh nhận thấy việc đọc-hiểu tốt là chưa đủ, mà còn phải thành thạo nghe, nói, viết.
"Từ trước đến nay em chưa từng đi học thêm tiếng Anh. Sau giờ học ở trường, phần lớn thời gian rảnh em ngồi trên máy tính, khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày lúc còn nhỏ, dần dần nhiều hơn", Minh kể.
Theo Minh, một điều may mắn là ba năm ở chuyên Lê Hồng Phong, bạn bè xung quanh đều giàu nội lực, chịu khó tìm tòi cái mới mà không cần nhắc nhở. Nam sinh cũng học được điều này từ các bạn. Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và game nhưng Minh không sa đà đến mức bỏ bê ăn ngủ, học hành.
Vào đại học, Minh cũng không gò mình "cày ngày, cày đêm" để chạy đua điểm số. Cậu thường xem kỹ bài trước khi lên lớp, nắm hết nội dung lý thuyết. Khi thầy cô giảng, Minh nghe, nghiền ngẫm để hiểu sâu. Cho rằng việc học cốt để hiểu và vận dụng, chứ không phải để đối phó với các bài thi, nhưng nam sinh luôn vượt qua các môn học với điểm cao.
Khi làm luận văn tốt nghiệp, Minh khảo sát về mối liên quan giữa áp lực điểm số đến tinh thần và kết quả học tập của sinh viên.
"Kết quả cho thấy nhiều người chú trọng vào điểm số lại có kết quả không cao. Khi điểm số không như ý, họ dễ chán nản, mất động lực học", Minh nói.
Minh cũng nhìn nhận việc dành nhiều thời gian cho thế giới ảo khiến bản thân có phần trầm lắng, hướng nội. Thời sinh viên, cậu ít tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, cảm thấy đây là điều tiếc nuối nhất.
Minh nhận bằng tốt nghiệp vào giữa tháng 5, trong khi bạn bè cùng khóa đã ra trường từ tháng 10/2023. Minh cho hay khi mới vào năm thứ tư, cậu muốn đăng ký môn Ngôn ngữ xã hội và văn hóa để được tiếp cận với những lý giải về sự khác biệt ngôn ngữ vùng miền. Đây là môn Minh rất thích, song vì số lượng sinh viên chọn quá ít, khoa không thể mở lớp. Bỏ qua lời khuyên của thầy cô là học môn khác để hoàn thành chương trình, Minh chấp nhận tốt nghiệp muộn để chờ học môn này.
Cuối năm ngoái, Ngôn ngữ xã hội và văn hóa trở thành môn chuyên ngành bắt buộc, Minh mới được học và đủ tín chỉ để ra trường. Nam sinh cho biết quyết định này bị bạn bè coi là "điên rồ", nhưng may mắn là bố mẹ không phản đối.
"Bố mẹ tin mình đủ khả năng theo đuổi con đường đã chọn và tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định nên chưa bao giờ can thiệp", Minh chia sẻ.
Là người giảng dạy và hướng dẫn Minh làm luận văn tốt nghiệp, TS Nguyễn Thị Việt Hà, khoa Ngoại ngữ, đánh giá học trò chăm chỉ, thông minh. Sự am tường của Minh trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khiến cô ngạc nhiên.
"Minh là người trầm tính, không thích thể hiện nhiều về bản thân nhưng luôn san sẻ, giúp đỡ các bạn trong học tập", TS Hà nói thêm.
Chàng trai 23 tuổi cho biết đang giảng dạy tại một trung tâm tiếng Anh để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống trước khi học lên thạc sĩ.
"Mục tiêu của mình là trở thành giảng viên dạy ngôn ngữ ở bậc đại học", Minh nói.
Lệ Nguyễn