Tốc độ phát triển thuê bao nhanh trong 2 năm trở lại đây buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải liên tục mở rộng vùng phủ sóng, lắp đặt thêm các trạm thu phát. Không chỉ các thành phố lớn mà cả vùng nông thôn, đâu đâu cũng thấy lô nhô những cột, cần, trạm thu phát sóng chĩa lên trời.
Chỉ tính riêng khu vực Hà Nội đã có trên 1.200 trạm phát sóng (BTS) của mạng di động nội thị CityPhone, chưa kể các mạng VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Viettel, EVN Telecom và Hanoi Telecom. Không chỉ chằng chịt bởi dây rợ, hình ảnh các trạm BTS mọc trên nóc các tòa nhà ngày càng nhiều, tương tự như cơn sốt ăng-ten tivi những thập kỷ trước.
![]() |
Một cột như thế này đủ sức cho 3-4 nhà cung cấp lắp đặt trạm thu phát sóng. Ảnh: Hoàng Hà |
Ngã tư Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội - nơi cắt giữa đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Đê La Thành và Khâm Thiên - hay khu Tập thể Nam Đồng, rồi đường Láng Hạ, Giảng Võ... chỉ trong phạm vi bán kính đầy 200m mà có tới 4-5 trạm BTS của 5 nhà cung cấp dịch vụ mọc trên các nóc nhà cao tầng. Thậm chí, ngay tại một tòa nhà, khu chung cư cũng có tới 2-3 trạm đứng san sát bên nhau chỉ với mục đích phục vụ cho một nhóm khách hàng tại những khu vực này.
Theo các chuyên gia viễn thông, nếu các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng chung cơ sở hạ tầng của nhau sẽ tiết kiệm được chi phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư thấp sẽ là cơ sở để các nhà cung cấp dịch vụ hạ giá thành sản phẩm. Bản thân Bộ Bưu chính Viễn thông cũng nhiều lần "thúc" các doanh nghiệp hợp tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng. Việc liên tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho 6 mạng sẽ ngồn số vốn đầu tư gấp ít nhất 4 lần so với việc các doanh nghiệp này ngồi lại với nhau để thống nhất dùng chung cơ sở hạ tầng.
Theo tính toán của doanh nghiệp, bình quân mỗi trạm thu phát sóng, các mạng di động phải đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, một mạng muốn phủ sóng trên phạm vi toàn quốc phải cần tới 5.000 trạm BTS. 6 mạng di động sẽ phải đầu tư 30.000 trạm phát sóng, tương đương với 30.000 tỷ đồng.
Bản thân các nhà cung cấp cũng nhận thức rất rõ điều này, thế nhưng khi đề cập đến việc dùng chung cơ sở hạ tầng thì mỗi doanh nghiệp lại đưa ra một cái lý riêng để thoái thác. VinaPhone cho rằng, khi thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, rất ít doanh nghiệp muốn cho thuê trạm BTS. Hơn nữa, tốc độ phát triển thuê bao nhanh, nếu doanh nghiệp không liên tục đầu tư cũng sẽ bị "tụt hậu" không đáp ứng nổi nhu cầu, chứ chưa nói đến chuyện cho thuê.
Ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - cho hay, hiện nay, ở một số bưu điện tỉnh đã tiến hành cho thuê cột, trạm. Chẳng hạn, một cột ăng-ten có thể lắp đặt trạm BTS cho cả 3 mạng di động có cùng công nghệ GSM 091, 090, 098. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn thì không thể làm được việc này vì các trạm thu phát đều được lắp đặt trên nóc nhà dân. Các doanh nghiệp muốn hợp tác phải được sự đồng ý của chủ nhà cho thuê, thủ tục rườm rà mà bản thân các căn hộ ấy cũng không đủ sức "tải" tới 3 trạm thu phát.
Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Trần Mạnh Hùng cũng cho rằng, các mạng di động chỉ có thể chia sẻ với nhau về hạ tầng truyền dẫn hay phân chia vị trí lắp đặt các trạm BTS rồi roaming cho nhau, chứ không thể cho thuê phần vô tuyến. Các nhà cung cấp có trạm BTS bao giờ cũng muốn ưu tiên cho khách hàng của mình trước. Theo ông, sở dĩ các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc dùng chung hạ tầng vì tính rủi ro cao, một khi mạng di động khác bị nghẽn sẽ tràn sang các mạng khác.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định ngược lại: Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng sẽ được tiến hành theo cơ chế 1 đổi 1. Các bên tham gia sẽ được hưởng lợi như nhau và việc làm này sẽ xóa đi khoảng cách doanh nghiệp lớn - nhỏ.
Ông Hùng dẫn chứng, đầu tư cho một tuyến truyền dẫn bao gồm, tiền cáp (khoảng 10%), 80% được dành cho việc xây lắp bể cáp... và dù doanh nghiệp có dùng cáp to hay nhỏ thì kiểu gì cũng mất gần 80% cho chi phí xây lắp. Do vậy, nếu doanh nghiệp chia nhau đầu tư mạng truyền dẫn 110% thì sẽ được 200%. Bài toán sử dụng chung các BTS cũng có lợi tương tự như vậy. Chỉ trên cùng một cột BTS, nhiều mạng di động có thể sử dụng chung cho việc thu phát sóng của mình. "Việc dùng chung hạ tầng vừa đỡ tốn kém mà tiết kiệm được thời gian cho doanh nghiệp", ông nói.
Theo các chuyên gia viễn thông, với năng lực tài chính hùng mạnh và có lợi thế hơn người, việc VNPT không mặn mà trong việc chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp khác cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hội nhập đang đến rất gần, nếu các doanh nghiệp trong nước không đoàn kết sẽ rất khó cạnh tranh được trong sân chơi WTO. Bản thân các doanh nghiệp mới đã sớm nhận thức được điều này nên họ đang hăng hái hợp tác sử dụng chung các trạm BTS của nhau. Hiện Viettel đã kí thỏa thuận sử dụng chung trạm BTS với S-Fone và EVN Telecom.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ, việc sử dụng chung hạ tầng với các doanh nghiệp khác đã tiết kiệm cho Viettel trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Theo ông, muốn VN đạt mục tiêu 30-40% dân số sử dụng điện thoại di động vào năm 2010 thì việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng là yếu tố mang tính quyết định, giúp giảm giá thành đầu tư dẫn đến giá dịch vụ thấp, từ đó sẽ có nhiều người có thể sử dụng được dịch vụ.
Sau một thời gian dài cân nhắc, mới đây, VNPT cũng quyết định cho phép hai mạng di động VinaPhone và MobiFone được roaming với nhau bằng việc sử dụng chung các trạm BTS. Tuy nhiên, việc roaming này cũng chỉ được thực hiện ở những vùng không có sóng của một trong hai mạng.
Hồng Anh