Chị B, nhân viên một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Q.1, cho biết công ty chị nhập máy tính điện tử trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn tài chính, thường phải mua lại của một công ty vi tính ở phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Tuy không bán hàng, nhưng công ty này xuất hóa đơn thoải mái sau khi được chung 5% tổng số tiền ghi trên hóa đơn. Công ty vi tính này còn sẵn sàng viết khống hóa đơn không liên quan đến mặt hàng mình bán ra, với điều kiện người mua phải chịu viết hóa đơn giá trị 10-500 triệu đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, chỉ từ 1999 đến 2001, ngành thuế đã kiểm tra 2.553 đơn vị (chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM), thì có 993 đơn vị vi phạm các quy định về hoàn thuế. Đáng chú ý là tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế có xu hướng gia tăng và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Năm 1999, chỉ có 3 vụ bị công an phát hiện, năm 2000 có 17 vụ, rồi 2001 lên tới 64 vụ. Mới nửa đầu 2002 đã có hơn 22 vụ. |
Sau màn mua hóa đơn tại chợ trời là khâu đóng dấu. Thường thì có hai loại, dấu vuông (của những công ty ma, công ty chết) và dấu tròn (công ty đang hoạt động). Loại thứ nhất rất dễ đóng, bao nhiêu cũng được nhưng không có giá trị lắm. Còn dấu tròn, nếu đóng lên hóa đơn giá trị gia tăng thì mất khoảng 250.000 đồng, hóa đơn bán hàng thì bớt chút đỉnh. Mỗi lần phải đóng 10 tờ trở lên. Chịu thì chỉ cần chờ nửa tiếng cho người đi đóng, rồi nhận hàng tại chỗ.
Sau một hồi kèo nài trả giá, khách hàng nọ được đóng dấu của 6 công ty, gồm hai dấu tròn (mỗi dấu 3 tờ) và 4 dấu vuông. Các con dấu đó là của Công ty Song Hà ở phường 2, quận 10 với mã số thuế 0302334418; Công ty Lạc Nam ở phường 2, quận 5, mã số thuế 0302175366; Công ty Nhân Sinh ở Tây Hòa, Phước Long A, quận 9, mã số thuế 0302121667; Công ty Sang Giàu, phường 2, quận 6, mã số thuế 0302348410… Cơ quan thuế cho biết, các công ty này là có thật, mã số thuế đăng ký đúng như số được đóng trên mỗi hóa đơn. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng đã bặt tăm từ lâu. Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM trong năm 2000 đã có khoảng 860 công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân như vậy; còn Hà Nội, số này là 1.000 trong số 6.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập.
Một cán bộ ở Công an TP HCM nhận xét, nhiều người đã lợi dụng kẽ hở của Luật doanh nghiệp để đứng ra lập doanh nghiệp ma. Có người còn mở nhiều công ty ở nhiều địa phương khác nhau, hoặc điều hành nhiều doanh nghiệp do người thân đứng tên thành lập sau đó buôn bán, xuất hóa đơn khống vòng vèo cho nhau. Không ít người còn mượn giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thuê xích lô, xe ôm, người giúp việc đứng tên hay lấy danh tính của người sắp chết để mở công ty. Ngoài ra, một số đối tượng nghiện ma túy, mới ra tù hay thuộc diện cấm kinh doanh theo luật nhưng vẫn được cấp phép thành lập, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, xuất hóa đơn khống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước...
(Theo Thanh Niên)