Chấn thương là điều khó tránh khỏi khi luyện tập thể dục thể thao, nhất là với vận động viên chuyên nghiệp. Theo bác sĩ Paul D’Alfonso, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Maple Healthcare TP HCM, nghiên cứu cho thấy người chơi các môn sử dụng đầu và cổ nhiều như xiếc, bóng đá, võ thuật…, tỷ lệ bị chấn thương nghiêm trọng khá cao. Những thương tổn này nếu không khắc phục ngay có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động và sự nghiệp, có người phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại.
Vận động viên chuyên nghiệp dễ bị chấn thương cổ nghiêm trọng là do chế độ tập luyện nghiêm khắc với cường độ cao trong nhiều năm gây nhiều tổn thương và sức ép lên vùng cột sống cổ. Hơn nữa vì đam mê thành tích, đôi khi họ không chú ý quy định về an toàn nên dễ dẫn đến các chấn thương. Tai nạn nhiều lần khiến cổ mất dần đường cong sinh lý vốn có, các đốt xương cổ di chuyển lệch hướng để thích ứng với tổn thương và hoạt động luyện tập. Tình trạng này kéo dài gây thoát vị đĩa đệm, lồi đĩa đệm, thoái hóa, đảo ngược độ ưỡn cột sống cổ…
Theo bác sĩ Paul, dây thần kinh và tủy sống ở cổ rất quan trọng vì chúng nối trực tiếp với não bộ. Bất kỳ sai lệch hoặc tổn thương nào lên khu vực này đều có thể ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cơ thể. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, các vấn đề trên sẽ tiến triển rất nhanh, từ đau nhức, tê mỏi thông thường đến hạn chế khả năng vận động, thậm chí bại liệt.
Để khắc phục các chứng bệnh về cột sống cổ, bác sĩ Paul cho rằng điều quan trọng là phát hiện và điều trị kịp thời, khi tình trạng chưa quá tệ. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhằm phục hồi lại đường cong sinh lý tự nhiên của cổ. Một số phương pháp điều trị như vật lý trị liệu kết hợp trị liệu thần kinh cột sống, người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm cường độ tập luyện, áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Việc điều trị cần nhiều thời gian, có thể từ vài tháng đến một năm mới phục hồi.
Ngoài ra bệnh nhân có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Thuốc giảm đau giúp giải quyết các cơn đau tức thời, nhưng nên cân nhắc khi sử dụng lâu dài vì có nhiều tác dụng phụ và gây hại cho gan, thận. Phẫu thuật là biện pháp can thiệp sau cùng khi các vấn đề của cột sống cổ quá nghiêm trọng. Tuy nhiên cần thận trọng khi lựa chọn phẫu thuật bởi có thể làm tình trạng bệnh xấu đi nếu cơ thể không thích ứng với dị vật được lắp ghép vào, thời gian hồi phục lâu, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng cao. Vận động viên sau khi phẫu thuật phải từ bỏ con đường thể thao chuyên nghiệp vì cơ thể rất khó phục hồi tầm vận động và chức năng như ban đầu.