Boris Nemtsov, 55 tuổi, hôm qua thiệt mạng vì bị 4 viên đạn bắn vào lưng. Theo thông tin ban đầu, một người chưa rõ danh tính ngồi trên ôtô đã bắn Nemtsov khi ông đang đi bộ cùng một phụ nữ dọc theo cầu Bolshoi Moskvoretsky, Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án vụ sát hại ông Nemtsov là giết người tàn bạo, và nói đây "có thể là một vụ giết thuê", Dmitry Peskov, người phát ngôn của ông Putin cho biết.
Nemtsov khởi xướng một số phong trào chống đối chính phủ sau khi rời quốc hội Nga năm 2003 và là đồng lãnh đạo Đảng Cộng hòa Nga - Đảng Tự do Nhân dân thuộc phe đối lập kể từ năm 2012.
Ông là một nhà phê bình gay gắt Tổng thống Putin. Nemtsov từng lên án ông Putin trong khủng hoảng Ukraine, tình hình kinh tế xấu đi của đất nước, và các cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Sochi năm 2014.
Nemtsov cũng là một lãnh đạo của phong trào tự do Solidarnost. Cùng với những người thuộc phe đối lập như chính khách Aleksey Anatolyevich Navalnyy và cựu kiện tướng cờ vua Garry Kasparov, Nemtsov đóng vai trò nổi bật trong các cuộc tuần hành phản đối quy mô lớn ở Moscow, sau cuộc bầu cử năm 2011. Ông bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình và bị giam vào cuối năm 2011 trong 15 ngày.
Ứng viên cho ghế tổng thống
Nemtsov lần đầu tiên chạy đua vào quốc hội năm 1989 nhưng không thành công, trước khi ông được bầu vào quốc hội Nga năm 1990. Ông là phụ tá cho Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin và được bổ nhiệm vị trí thống đốc vùng Nizhny Novgorod.
Nemtsov có tài hùng biện, thông thạo tiếng Anh và am hiểu truyền thông. Nizhny Novgorod, nơi có ngành công nghiệp quân sự phát triển, trở thành điểm thu hút đầu tư nước ngoài tại Nga. Nemtsov nhanh chóng nổi lên là một trong những chính trị gia sáng giá nhất ở Nga. Các nhà quan sát cho rằng ông Yeltsin đã chuẩn bị cho ông Nemtsov làm người kế nhiệm.
Ông Yeltsin năm 1997 chỉ định ông Nemtsov giữ chức phó thủ tướng phụ trách cải cách kinh tế. Tuy nhiên, bước đi này lại là khởi đầu cho sự tụt dốc trên con đường chính trị của Nemtsov. Tham vọng ngồi lên ghế tổng thống của ông bị cuộc khủng hoảng kinh tế tháng 8/1998 làm tiêu tan và khiến ông mất vị trí trong chính quyền. Nemtsov từ chức sau khi ông Yeltsin giải tán chính phủ.
Sa sút trong chính trị
Năm 1999, Nemtsov thành lập Liên minh Lực lượng Cánh hữu (SPS), cùng với Anatoly Chubais và Yegor Gaidar. Đảng này ban đầu khá thành công với lượng ủng hộ 10% trong cuộc bầu cử tháng 12/1999 và trở thành một bên có ảnh hưởng trong quốc hội Nga.
Nhưng trong những năm sau đó, thái độ của SPS với Tổng thống Putin, chuyển đổi từ hỗ trợ có điều kiện sang công khai đối lập, khiến đảng này mất đi người ủng hộ. Trong cuộc bầu cử năm 2003, SPS không đạt được ngưỡng 5% cần thiết để vào quốc hội.
Nemtsov từ bỏ vị trí lãnh đạo SPS và theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Ông một lần nữa trở thành gương mặt nổi bật của phe đối lập vào năm 2011, tuy nhiên không gây được nhiều chú ý trong vài năm qua.
Mặc dù Nemtsov không còn trong hệ thống chính trị chính thống ở Nga, vụ sát hại ông khiến nhiều người trên khắp đất nước kinh hoàng. Chỉ vài giờ trước khi qua đời, Nemtsov xuất hiện trên đài phát thanh Ekho Moskvy để kêu gọi người Moscow tham gia biểu tình chống chính quyền Putin và cuộc chiến tranh ở Ukraine.
"Trước khi lên chương trình, ông ấy hỏi tôi rằng tôi có lo sợ khi để ông ấy xuất hiện hay không", Alexei Venediktov, người đứng đầu Ekho Moskvy, viết trên Twitter. "Cuối cùng thì người phải sợ lại không phải là tôi".
Theo The Guardian, Gennady Gudkov, một chính trị gia đối lập, kêu gọi mọi người tiếp tục tiến hành cuộc biểu tình ngày 1/3 như dự kiến và nói rằng đó sẽ là "lời đáp trả cho vụ sát hại Nemtsov".
"Ông ấy luôn tin rằng Nga có thể thay đổi từ bên trong và không cần bạo lực. Sau năm 2012 tôi không đồng ý với quan điểm này", nhà hoạt động Garry Kasparov nói. "Khi chúng tôi tranh luận, Boris luôn nói với tôi rằng tôi quá vội vàng và ở Nga, anh phải sống một thời gian dài để thấy sự thay đổi", Kasparov nói thêm. "Bây giờ ông ấy sẽ không thể nào nhìn thấy điều đó nữa. Hãy yên nghỉ".
Phương Vũ (Theo BBC/ The Guardian)