- Tại sao chưa vào được WTO thưa ông?
- Khách quan mà nói, thời gian qua chúng ta mới có một phần quyết tâm chứ chưa phải quyết tâm thật cao, thống nhất từ trên xuống dưới. Tự mình chưa thông thoáng với chính mình nên tiến độ đàm phán chậm. Cái khiến đàm phán không kết thúc nhanh như mong đợi là ta chưa lường hết được các yếu tố hành chính, luật pháp của đối tác. Chẳng hạn, đàm phán xong, ngoài việc chờ quốc hội của họ họp để thông qua thì tại một số nước, ví dụ như Mỹ, họ muốn ký với mình một điều khoản này thì họ phải hủy một luật khác.
Ta đã không lường hết được khó khăn và vấn đề thời gian nên lỡ hẹn. Nhưng phải nói cũng có đàm phán tiến triển nhanh. Như đàm phán với Trung Quốc, giới nghiên cứu tưởng đây sẽ là đối tác ký với ta cuối cùng nhưng thực tế lại nhanh. Vấn đề lớn nhất bây giờ vẫn là đàm phán với Mỹ. Mà tốt nhất không nên để Mỹ là đối tác đạt được thỏa thuận cuối cùng, bởi nếu đàm phán xong với siêu cường này thì các đối tác khác sẽ thuận lợi hơn. Nên có người nói rằng nếu chúng ta không tích cực hơn với Mỹ, thì dù số đối tác đàm phán ít hơn nhưng vẫn chưa chắc 2006 VN đã vào được WTO.
- Theo ông, lý do chính khiến VN chưa đàm phán xong việc gia nhập WTO trong 2005, có phải vì lợi ích của một số ngành quá cao như một vị lãnh đạo Bộ Thương mại đã thừa nhận?
- Tôi có làm việc với một số ngành thì đúng là có hiện tượng lợi ích cục bộ lớn lắm. Chẳng hạn, người ta nói “bây giờ ông mà giảm thuế ôtô thì chết tôi”. Nên họ phải đứng ra, nhân danh bảo vệ lợi ích ngành công nghiệp ôtô VN, nói rằng cần phải thế nọ thế kia. Những chuyện đó là hoàn toàn trái với nguyên tắc WTO. Mà thực tế theo tôi tính toán thì không phải hạ thuế (để hội nhập được) là họ không còn lợi nhuận đâu. Họ chỉ mất lợi nhuận siêu ngạch thôi.
Ở VN hiện có nhiều sản phẩm cho lợi nhuận siêu ngạch và người ta đều muốn bảo vệ đến cùng. Tôi cũng cảm nhận một số ngành ở VN bảo vệ lợi ích của mình mang tính hẹp hòi. Nếu Nhà nước cũng bảo vệ cho lợi ích đó thì một số ngành sẽ có lợi hơn những ngành khác, nhưng toàn bộ nền kinh tế phải chịu thiệt. Nếu chấp nhận hi sinh để vào WTO thì mỗi ngành sẽ lợi một ít, cộng gộp lại thì toàn nền kinh tế sẽ lợi.
- Với kết quả đàm phán năm 2005, nhiều ý kiến cho rằng, có một nguyên do quan trọng, đó là vì tiếng nói của các nhóm, ngành vẫn quá mạnh và trình độ lobby của họ quá tốt?
- Cái đó thì tôi thừa nhận. Qua vụ VinaPhone với Viettel vừa rồi mới lộ ra rằng sự độc quyền đã cho một phía lợi nhuận cao quá mức. Và với khả năng tài chính như thế thì rõ ràng những người độc quyền có khả năng lobby rất tốt. Mà cái đó hiện nay vẫn còn tiếp tục vì khả năng chống độc quyền ở VN chưa đạt đến tầm cần có. Độc quyền vẫn mạnh thì không cần điều tra, người ta cũng biết tính thị trường của nền kinh tế kém. Vì nếu thật sự là một nền kinh tế thị trường thì độc quyền sẽ nhanh chóng phải đương đầu với luật pháp.
- Thưa ông, có quan điểm giải thích việc đàm phán chưa xong trong 2005 là do ta không vào WTO bằng mọi giá. Cái giá nào ở WTO mà lớn vậy?
- Tôi cũng không hiểu thế nào là mọi giá. Đi đàm phán là hai bên cân nhắc từng vụ việc, từng điều khoản, từng chữ, từng phần trăm một. Chấp nhận được thì mới sang phần khác. Mình nhân nhượng họ điều này thì phải yêu cầu họ nhân nhượng lại điều khác. Đàm phán là nhân nhượng nhau ở mức có thể như thế. Nên nhà nghiên cứu nào mà dùng khái niệm chung trên để giải thích thì hoặc là họ không hiểu gì hoặc là ngụy biện.
- Có thể người ta sợ nếu chấp nhận các điều khoản của WTO về mở cửa các dịch vụ tài chính, ngân hàng thì sẽ dễ dẫn đến nhiều đổ vỡ và nước ngoài sẽ thao túng thị trường tài chính VN?
- Nếu sợ thì trong bối cảnh thế giới hiện nay chỉ còn cách đóng cửa lại vì ta không thể cứ khư khư mà hội nhập được. Muốn mở được thị trường thiên hạ thì mình cũng phải mở cửa, không quốc gia nào tự nhiên cho không ta thị trường của họ. Tất nhiên, khi mở cửa thì có anh này anh khác bị sụp thật. Ví dụ như buôn lậu, trước thuế 30% thì còn lãi, giờ thuế xuống 5% thì họ mất nghề. Mà tôi thấy thực tế từ khi mở cửa hội nhập, các ngành đáng lo như bảo hiểm, ngân hàng của VN vẫn hoạt động tốt lên đấy chứ!
Các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại VN khiến các ngân hàng thương mại trong nước năng động hẳn. Về bảo hiểm, dù có nhiều hãng bảo hiểm lớn nước ngoài vào nhưng Bảo Việt vẫn chiếm một thị phần áp đảo. Cả thế giới giờ người ta đi bảo vệ người tiêu dùng, ai đi lo lắng, bảo vệ cho độc quyền là làm ngược. Nên có thể phòng xa, song mỗi bước chuyển đổi của nền kinh tế luôn đặt ra thách thức nhưng đồng thời nó cũng cho cơ hội để chúng ta điều chỉnh cho phù hợp.
- Chúng ta luôn nói phải vào WTO. Nhưng có vẻ các nhà nghiên cứu hơi ít nghĩ về cái hại trong khi nhiều nước đã phải nuốt quả đắng hội nhập?
- Thì đúng là không có cái gì lợi 100%. Đến uống thuốc bổ mà uống không đúng cách cũng không tốt. Nên phải cân nhắc cái lợi này, cái hại kia. Như Trung Quốc, trước khi vào WTO họ cũng nghĩ đến cái hại rất nhiều, nhưng khi vào rồi thì họ lại lợi rất nhiều. Có lẽ về xu hướng, VN sẽ giống Trung Quốc vì ta cũng từ một nền kinh tế bao cấp mạnh, thuế cao.
Khi vào WTO, sự thông thoáng buộc phải có sẽ kích thích những tiềm năng vẫn còn bị nhiều gò bó vươn vai đứng dậy. Chúng tôi cũng tính đến khả năng thứ hai, rõ nhất là trường hợp Nam Phi. Lúc chưa vào WTO họ hi vọng sẽ rất lợi. Nhưng vào rồi thì 5 năm đầu không có hại nhưng cũng không có lợi gì, vì bản thân họ đã là nền kinh tế mở rồi. Song 5 năm sau, nhờ thị trường được mở rộng nên Nam Phi đã có lợi. Hội nhập không có quả đắng nếu chuẩn bị tốt cho cuộc chơi. Vả lại, toàn châu Á chỉ còn ba nước VN, Lào và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là chưa vào WTO. Ta không thể hội nhập mà cứ đứng ngoài sân chơi lớn được.
- Vào WTO là có lợi, vậy ông hãy phân tích ngược lại, không vào được WTO (trong 2005) ta có hại gì?
- Từ năm 2000, khi VN dự định sẽ ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã dự đoán năm 2001 xuất khẩu của VN sang Mỹ sẽ tăng 100%, các năm sau cũng vậy. Nhưng ta đã không ký với Mỹ vào năm 2000, sang năm 2001 mới ký. Và vẫn đúng như dự đoán, xuất khẩu của VN sang Mỹ năm 2002 đã tăng 100% so với 2001. Như vậy là ta bỏ lỡ một năm. Nếu không vào WTO nhanh, ta cũng kéo chậm chính chúng ta lại.
Cũng như trước đây, ta đổi mới chậm thì thịnh vượng chậm. Nhật Bản phải mất 66 năm công nghiệp hóa, Hàn Quốc 40 năm. Nếu chúng ta không mở cửa mạnh, cứ đi như hiện nay thì tôi nghĩ chắc phải đến 2050 mới công nghiệp hóa được chứ không phải 2020 đâu. Hiện mức tăng trưởng GDP của VN mới ở mức 7-8%/năm, nhưng nếu vào WTO, cơ chế cho hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư thông thoáng hơn, xuất khẩu không cần hạn ngạch, thuế lại thấp thì tăng trưởng 9-10%/năm theo tôi là trong tầm tay!
- Hiện nay, VN còn vướng những điểm nào lớn có thể ngăn cản khả năng gia nhập WTO trong 2006?
- Vướng chủ yếu là mức độ mở cửa, hòa đồng với thế giới như thế nào. Cái ta đưa ra là A, nhưng cái mà thế giới họ dùng phổ biến hay phía đối tác yêu cầu lại là B. Như mức thuế, trước đây ta chào ở mức 26%, gần đây ta chào ở mức khoảng 20% nhưng thế giới họ đang tiến xuống mức thuế bình quân khoảng 10% rồi. Tôi nghĩ mức thuế 10% ta vẫn có lợi. Singapore chỉ thu thuế 2% nhưng họ vẫn giàu.
Dịch vụ cũng thế, nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, khả năng hội nhập của ta có hạn định trong khi yêu cầu của các thành viên WTO lại nhiều hơn. Một số vấn đề khác như bản quyền, sở hữu trí tuệ, sự minh bạch của ta cũng còn nhiều khúc mắc chưa thỏa thuận được với các đối tác, đặc biệt là Mỹ.
- Là một nhà nghiên cứu kinh tế, theo ông, nếu cứ giữ tốc độ và cách đàm phán như hiện nay thì bao giờ VN sẽ vào được WTO?
- Nếu cứ như hiện nay thì 2006 vào được là cái nhìn lạc quan nhất. Nếu không thì phải vài năm nữa. Mà vài năm sau điều kiện thương thuyết lại khó hơn. Nhưng tôi tin rằng với đà phát triển kinh tế như năm 2005, kinh tế năm 2006 đạt nhiều thành tựu sẽ mở đường tốt hơn cho những cam kết thương mại mang tính tự do giữa VN và thế giới.
- Theo ông, VN cần làm gì để được là thành viên của WTO trong năm 2006?
- Nói một cách đơn giản và thẳng thắn nhất thì VN cần có một cái đầu thông thoáng hơn. Nếu như bỏ bao cấp là cởi trói rồi thì bây giờ, đã 20 năm trôi qua, đã đến lúc chúng ta tiến thêm một bước nữa: xóa bỏ nốt những cái khung khoanh lĩnh vực, khoanh vùng - thực hiện tự do hóa nền kinh tế. Ta vẫn phê phán tư duy quản lý thời bao cấp nhưng hiện nay nó vẫn còn chứ chưa hết.
VN phải xóa dần bảo hộ, độc quyền, thực hiện minh bạch hóa nền kinh tế... cho phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Sẽ không mất nhiều thời gian để thấy được những lợi ích mà đất nước được nhận. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần phải có ý chí chính trị thống nhất để làm kinh tế thoáng, nếu không thì cứ mãi luẩn quẩn. Muốn tham gia WTO thì phải có tư duy thông thoáng tương đương với mức của WTO thì mới vào được.
(Theo Tuổi Trẻ)