Viêm loét miệng hay còn gọi là bệnh áp tơ miệng, hay tên dân gian là nhiệt miệng. Nhiệt miệng là bệnh thông thường hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh gây ra tình trạng đau miệng làm cho trẻ chảy nước bọt, biếng ăn.
Biểu hiện bệnh là vết loét nhỏ đường kính 1-3 mm, đau, xuất hiện thành từng đám hay đơn độc ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, ở trung tâm thường có màu trắng xám hay vàng, viền xung quanh vết loét được bao quanh bằng quầng màu đỏ.
Nguyên nhân:
- Các chấn thương trong vùng miệng là nguyên nhân thường gặp nhất như tự cắn nhầm niêm mạc ở trong má hay lưỡi, do thức ăn quá cứng, vệ sinh răng miệng không đúng cách, chải răng và nướu quá mạnh.
- Viêm loét, nhiệt miệng do ăn uống phải thức ăn quá nóng, bị bỏng niêm mạc gây lở loét.
- Do thiếu dinh dưỡng, hoặc dinh dưỡng không đúng cách gây thiếu vitamin B12, vitamin C, chất sắt, và acid folic.
- Loét miệng cũng có thể gặp trong một số bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch làm suy giảm miễn dịch.
- Stress tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh loét miệng.
- Do cho trẻ dùng một số thuốc dẫn đến tình trạng khô miệng cũng dễ làm xuất hiện những vết loét trong miệng.
Cách chăm sóc và xử trí:
Bệnh viêm loét miệng tuy không nguy hiểm nhưng khiến trẻ rất khó chịu. Bệnh khiến miệng trẻ đau nên chải răng khó, ăn uống đau, trẻ hay quấy khóc, lười ăn, bỏ bú có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Thông thường bệnh kéo dài 1-2 tuần mới khỏi.
Phần lớn nguyên nhân gây ra loét miệng thường không rõ và bệnh có thể tự khỏi trong 1-2 tuần. Điều trị chính hiện nay chủ yếu làm giảm đau, vì là triệu chứng làm trẻ khó chịu nhất và làm vết loét mau lành. Trẻ nên dùng các loại thuốc súc miệng trong suốt thời gian bị bệnh.
Nên tránh những thức ăn nhiều gia vị như cay, mặn, chua. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, thức ăn nhiều vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, uống nước cam, chanh, dùng bàn chải răng thật mềm.
Cách chữa bệnh tốt nhất là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ có những vết loét miệng phát triển lớn hơn một cách bất thường hay vết loét kéo dài trên 3 tuần thì tốt nhất nên đi khám bệnh để xác định nguyên nhân vì có thể chúng là dấu hiệu của những bệnh khác nặng hơn.
Phòng bệnh
Có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện những vết loét miệng ở trẻ bằng cách vệ sinh răng miệng kỹ sau mỗi lần ăn, cho trẻ dùng bàn chải có sợi lông mềm, cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng có nhiều khoáng chất và nhiều Vitamin A, C, E và thường xuyên cho trẻ đi khám định kỳ bác sĩ răng hàm mặt ở các cơ sở y tế.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường