Mổ hở
Bệnh nhân có đường mổ trên bụng, về nhà với chỉ hay băng dán trên vết thương. Đường mổ hở thường gặp trong phẫu thuật cắt tử cung cho bệnh lành tính hay ung thư, hoặc phẫu thuật bóc nhân xơ.
- Chỉ khâu vết mổ có thể được cắt trong vòng 3-10 ngày. Đôi khi vết mổ được may bằng chỉ tan, chỉ này sẽ tự tiêu mà không cần phải cắt chỉ. Chỉ may bên dưới da hay trong âm đạo thì không cần cắt chỉ.
- Nếu có gạc đắp trên vết thương, bệnh nhân có thể lấy ra sau mổ 24 đến 48 giờ.
- Băng dán trên vết thương có thể gỡ ra nhẹ nhàng ở nhà khoảng một tuần sau phẫu thuật. Dùng khăn ướt, ấm hay chút nước có thể giúp gỡ băng dán ra dễ dàng.
Đường mổ trên bụng nên được giữ sạch bằng cách tắm rửa khi bạn đã cắt chỉ về nhà. Không cần xoa xà phòng lên vết mổ, chỉ cần tắm nước sạch là đủ. Tránh chà xát ở vùng này.
Sẹo mổ sẽ thay đổi theo thời gian và cần hơn một năm để có vẻ ngoài sau cùng. Vùng này có thể hơi tê hay nhạy cảm khi sờ vào, đó là điều bình thường. Trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ phẫu thuật, không dùng các loại kem, thuốc mỡ hay các chất khác bôi vào vết thương. Nếu vết thương đỏ lên, chảy máu hay dịch, chảy mủ hay hở ra, cần báo cho bác sĩ.
Mổ nội soi
Bệnh nhân mổ nội soi sẽ có đường mổ nhỏ và thường được cho về nhà sớm với chỉ khâu và băng dán trên vết thương. Chăm sóc vết mổ này cũng tương tự như vết mổ hở và nên được cắt chỉ tại trumg tâm y tế hay bệnh viện gần nhà.
Phẫu thuật âm hộ - âm đạo
Bệnh nhân có phẫu thuật ở vùng âm hộ hay âm đạo thường các phẫu thuật viên sẽ sử dụng chỉ khâu có thể tiêu ở vùng này. Không cần cắt chỉ vì nó sẽ tự tiêu, thường trong vòng 6 tuần. Bình thường sẽ có chảy ít máu âm đạo hay ra dịch âm đạo hồng đến nâu khi mà chỉ tan. Sau khi chỉ tan, bạn có thể thấy những mảnh chỉ nhỏ trên quần lót hay giấy vệ sinh.
Tái khám sau phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân được yêu cầu tái khám tại bệnh viện 2 đến 4 tuần sau phẫu thuật. Trong lần tái khám này, bác sĩ sẽ thăm khám lại vùng bụng chậu để xem mô đã lành chưa. Bạn sẽ được biết kết quả sinh thiết hay giải phẫu bệnh khối u, và có thể hỏi về việc điều trị tiếp theo hay về quá trình hồi phục của mình.
Đây là cơ hội tốt để hỏi về quá trình phẫu thuật của bạn, ví dụ:
- Kết quả mổ có gì bất thường không?
- Tôi đã cắt cổ tử cung chưa?
- Tôi có cắt buồng trứng không? Buồng trứng nào bị cắt hay được bóc u?
- Có tấm lưới hay vật liệu phẫu thuật nào được đặt vĩnh viễn nào trong người tôi không?
Bạn có thể xin một bản tóm tắt bệnh án, bản photo tường trình phẫu thuật và kết quả khối u của mình.
Khi nói chuyện với bác sĩ sau phẫu thuật, cần hỏi về hướng điều trị tiếp theo, việc chăm sóc và theo dõi sau mổ. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào loại phẫu thuật, những biến chứng nếu có và tình trạng bệnh lý của bạn.
Lưu ý không nên bắt chước những bệnh nhân khác hay nghe theo lời những người không có chuyên môn vì mỗi bệnh nhân sẽ có bệnh lý và cách điều trị khác nhau. Nhân viên y tế là nguồn thông tin tốt nhất cho những thắc mắc và quan tâm liên quan đến bệnh của bạn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến
Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM