Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ Đại học Y Dược TP HCM, nâng ngực là giải pháp tăng kích thước vòng một được nhiều phụ nữ lựa chọn hiện nay. Có cả những người chuyển giới nam sang nữ chọn phẫu thuật thẩm mỹ để ngoại hình hoàn hảo hơn. Nâng ngực có hai phương pháp phổ biến là dùng túi độn hoặc mỡ tự thân.
Thông thường bệnh nhân lưu lại bệnh viện sau một ngày phẫu thuật nâng ngực. Người bệnh xuất viện khi tình trạng chung ổn định, không chóng mặt, không buồn nôn, giảm đau, dịch dẫn lưu bình thường (nếu có dẫn lưu), đi lại được.
Quá trình chăm sóc tại nhà góp phần quan trọng quyết định thành công của phẫu thuật, cần làm đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Cảm giác đau tại vết mổ trong tuần đầu tiên, căng cứng ngực trong 3-4 tuần đầu là các dấu hiệu thường gặp. Các vết bầm tím, phù nề nhẹ ở vết mổ, vùng nâng ngực sưng trong vài tuần đầu cũng không quá lo ngại. Bình thường các dấu hiệu này sẽ giảm dần và mất hẳn theo thời gian.
Hậu phẫu tại nhà, bệnh nhân cần lưu ý: Giữ băng và vệ sinh vết mổ khô sạch. Uống hai lít nước mỗi ngày, ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp cơ thể hồi phục nhanh. Uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên vận động tăng dần, bắt đầu từ các động tác nhẹ nhàng như đi lại trong nhà. Các công việc nặng, vận động mạnh chỉ thực hiện sau mổ 6-8 tuần.
Đặc biệt, bệnh nhân phải mặc áo định hình ngực vừa vặn trong một tháng đầu. Hai tháng tiếp theo nên mặc áo ngực không gọng để bầu ngực và túi ngực không bị chèn ép, xô lệch. Sau đó có thể mặc áo ngực bình thường. Người bệnh nên hạn chế mặc áo ngực quá rộng hoặc quá chật.
"Không chăm sóc ngực đúng cách sẽ gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng vết mổ, vết mổ chậm liền, để lại sẹo xấu. Thậm chí hai ngực lệch rõ rệt do túi độn ngực ở vị trí không cân xứng, quá xa nhau. Nghiêm trọng hơn, vòng một có thể bị bao xơ co thắt, túi độn bị lộ rõ, gợn sóng, thậm chí vỡ túi độn khi va chạm mạnh", bác sĩ Phùng chia sẻ.
Từng tiếp nhận điều trị rất nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ ngực hỏng, bác sĩ Phùng khuyên người có nhu cầu nâng ngực nên tìm hiểu và cân nhắc kỹ, chỉ thực hiện khi cần thiết. Trước khi thực hiện phải biết được các nguy cơ, rủi ro khi phẫu thuật nâng ngực.
Nên thăm khám, tư vấn và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề. Ca phẫu thuật phải được thực hiện ở các bệnh viện được cơ quan y tế cho phép. Bản thân người bệnh cần thông báo đầy đủ tình hình bệnh tật, sức khỏe cho bác sĩ.
Thư Anh