Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Anh Tuấn
- Xin Phó thủ tướng cho biết, việc chậm gia nhập WTO gây ra những khó khăn gì cho các ngành kinh tế của ta trong thời gian tới?- Khó khăn lớn nhất là càng muộn thì yêu cầu càng cao. Nếu vòng đàm phán Doha đạt được thỏa thuận thì tiêu chuẩn gia nhập sẽ ngày càng căng hơn đối với mình. Điều đó nghĩa là sẽ có những điều kiện đòi hỏi mình mở cửa rộng hơn, sâu hơn. Khó khăn thứ hai, các đối tác nước ngoài đang hào hứng làm ăn với một nước VN trước ngưỡng cửa gia nhập WTO có thể sẽ phải cân nhắc thêm. Nhưng tôi không nghĩ cái đó là quyết định. Dù sao chăng nữa, vào hay không vào WTO thì chúng ta cũng đang cải thiện môi trường đầu tư. Việc Quốc hội đang thảo luận đã cho thấy hướng đó. Còn bảo thị trường bị ảnh hưởng ngay thì không phải. Thị trường có mở rộng được hay không, vào WTO chỉ là một nhân tố chứ không phải là tất cả.
- Nếu xét từng ngành, cụ thể ví dụ như ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng lớn?
- Tất nhiên chưa vào WTO vẫn phải chịu hạn ngạch thì đó là trở ngại nhất định cho ngành dệt may. Nhưng thí điểm vừa rồi, EU đã bỏ quota rồi mà ta không tăng xuất khẩu được bao nhiêu. Qua đấy cho thấy quota có hay không chỉ là một nhân tố chứ không phải quyết định hết. Nhân tố chủ yếu là khả năng cạnh tranh, chất lượng hàng hóa của mình.
- Thưa Phó thủ tướng, vướng mắc của ta trong việc gia nhập WTO là gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị thế nào để giải quyết các vướng mắc còn lại?
- Vướng mắc chính là với một số đối tác còn lại. Với Australia, tuần vừa rồi chúng ta đã tiến đến một bước rất thực chất, cơ bản. Tôi nghĩ giữa ta với Australia chắc chỉ còn một khoảng cách rất nhỏ. Chúng tôi đang cố gắng phấn đấu để sớm kết thúc được. Còn tuần này sẽ đàm phán với New Zealand. Vừa rồi với New Zealand có vấn đề là họ thay đổi Chính phủ, thành ra lại phải đàm phán thêm. Tuần này, bạn đã nhận đàm phán, có tín hiệu bạn cũng muốn kết thúc sớm.
Với Mỹ là khó hơn cả, vì họ đặt ra những yêu cầu khá cao. Nhưng cũng có những tín hiệu là họ muốn tiến hành vòng đàm phán mới và thúc đẩy đàm phán. Như thế là tín hiệu tốt. Chính phủ đang chỉ đạo có bản chào cải thiện hơn nữa để tiến gần hơn tới những đòi hỏi của Mỹ. Dĩ nhiên quá trình đàm phán còn phụ thuộc vào phía đối tác, nhưng chúng ta quyết tâm thúc đẩy tiếp. Cho nên dù có vào WTO hay không vào cuối năm nay cũng phải thúc đẩy lên để hoàn tất với những đối tác còn lại.
- Nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài đều cho rằng năm nay mình chưa vào được WTO. Quan điểm của Phó thủ tướng như thế nào ?
- Năm nay, giả dụ chưa vào được, không phải lỗi tại ta. Không phải vì tôi là người VN nên nói thế. Chúng ta cố gắng tối đa nhưng không phải bằng mọi giá. Chúng ta không thể chấp nhận những cái chúng ta không làm được. Chúng ta không thể chấp nhận những điều có khả năng làm đổ vỡ nền kinh tế của ta. Chúng ta chỉ chấp nhận những cam kết mà chúng ta có thể thực thi được. Cho nên, nếu chỉ vì thời hạn tháng này, tháng nọ thì chúng ta không làm.
- Nếu không năm nay thì VN hướng tới mục tiêu bao giờ mới gia nhập WTO?
- Bây giờ chúng tôi nghĩ là không đặt ra mục tiêu ngày, tháng nữa. Bao giờ đáp ứng được điều kiện của ta thì ta vào, càng sớm càng hay.
- Có phải chiến thuật đàm phán của ta sai lầm, ví dụ các nước thường đàm phán với Mỹ xong trước, còn các nước sau sẽ ngả theo. Còn chúng ta làm ngược lại ?
- Cái đó không phải do mình quyết định. Đàm phán với một nước đã mỏi mệt, với 28 nước càng không dễ. Khi mình muốn đàm phán thì anh này lại bận, anh kia lại bảo tôi không có thì giờ. Làm sao ta chủ động được chuyện đó. Chúng ta phải lựa theo tình huống mà xử lý chứ không phải chúng ta không biết vị trí của Mỹ trong nền kinh tế thế giới thế nào.
(Theo Thanh Niên)