Bác sĩ Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết việc di chuyển giữa các vùng miền khi thời tiết nóng, lạnh khác nhau sẽ ảnh hưởng nhiều đến làn da. Giống như cơ thể cần những bộ quần áo khác nhau phù hợp với thời tiết, làn da cũng cần chế độ chăm sóc riêng để chống các yếu tố gây hại bên ngoài.
Theo bác sĩ Phương, các tháng mùa khô, thường từ tháng 11 đến tháng 3, không khí lạnh hơn và khô hanh hơn so mùa mưa hay mùa hè. Làn da trở nên khô ráp, kích ứng và nứt nẻ khi tiếp xúc thời tiết khắc nghiệt mùa khô hanh. Ở trong nhà, nếu máy sưởi chạy liên tục sẽ hút hơi ẩm từ không khí, càng khiến da khô ráp.
"Với những người có các bệnh về da như vảy nến, viêm da cơ địa..., việc thay đổi thời từ vùng có thời tiết nắng nóng sang vùng lạnh, da sẽ khô gây nứt nẻ, chảy máu và bội nhiễm vi khuẩn", bác sĩ Phương phân tích. Điều này khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Phương lưu ý, trong thời tiết khô hanh, vẫn nên bôi kem chống nắng thường xuyên, da luôn có khả năng bị cháy nắng vào mùa khô cũng như mùa mưa. Bôi kem chống nắng, dưỡng ẩm hoặc kem trang điểm với chỉ số SPF tối thiểu là 15. Bảo vệ môi bằng cách thoa son môi hoặc son dưỡng có chống nắng.
Bác sĩ khuyến cáo bổ sung độ ẩm cho không khí bên trong phòng bằng cách dùng máy tạo độ ẩm. Tăng độ ẩm cho cơ thể bằng cách sử dụng xà phòng, sữa dưỡng thể và các loại kem dưỡng ẩm da.
Tắm với thời gian ngắn hơn và sử dụng nước ấm. Nước quá nóng sẽ loại bỏ lớp dầu tự nhiên trên da, làm da khô hơn, dễ bong tróc. Thêm chất dưỡng ẩm vào nước tắm cũng hữu ích nhưng hãy cẩn thận vì phòng tắm sẽ trơn trượt. Tắm xong cần lau khô người bằng khăn bông mềm, sau đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp.
Giảm số lần sử dụng toner (nước cân bằng da) sau khi rửa mặt, sử dụng toner không có hoặc có nồng độ cồn thấp. Nhẹ nhàng tẩy tế bào chết cơ học bằng khăn mặt hoặc các hạt tẩy tế bào chết, kích thích tái tạo da.
Uống nhiều nước để da không bị khô ráp. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết nhằm tăng sức đề kháng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, hóa chất bằng cách đeo găng tay khi làm vườn, làm việc nhà như giặt đồ, rửa chén...