Nhiều người thắc mắc sao khi cha mẹ ly hôn thì con cái sẽ không đủ cha mẹ nữa, trong khi rõ ràng cha vẫn ở đó, mẹ vẫn ở đây, chỉ khác là họ không ở chung nhà nữa, vấn đề chính là ở đó. Khi tôi còn là đứa trẻ, cha mẹ mấy lần định ly hôn vì không hợp nhau. Ai cũng nóng tính, không ai chịu nhường ai. Họ cãi nhau không biết bao nhiêu lần, đôi lúc còn "đụng tay đụng chân" với nhau. Lúc phải chứng kiến cảnh này, tôi chỉ biết đứng im nhìn và khóc. Vài người trong dòng họ bảo ly hôn đi nhưng cha mẹ tôi đều bỏ qua và vẫn sống cùng nhau như vậy. Tuy lúc đó tôi còn nhỏ nhưng đã hiểu ly hôn là như nào rồi, đó là cha và mẹ sẽ không sống cùng nhà và tôi chỉ được ở chung với một người mà thôi.
Thật sự trong lòng tôi lúc đó vô cùng hoang mang, lo lắng khi nghĩ đến cảnh chỉ được ở cùng một trong hai người. Cái cảnh hôm nay ở nhà mẹ, ngày mai tới nhà cha hay một tuần chỉ được gặp mặt cha hoặc mẹ một lần, phải gọi điện thoại để nói chuyện với họ thật buồn bã vô cùng. Điều tôi mong muốn là hai người mình yêu thương nhất, hai đấng sinh thành sẽ cùng tôi ở chung một mái nhà. Mỗi lần mở mắt dậy, tôi được nhìn thấy họ, thấy họ đang nấu ăn hoặc làm việc nhà, hay cả nhà cùng ngồi ăn cơm, trò chuyện, xem tivi, nắm tay nhau khi đi chơi..., đối với tôi là khoảnh khắc đẹp đẽ, hạnh phúc và ý nghĩa nhất.
Tôi từng bật khóc, sợ phải rời xa một trong hai người họ, nhưng cha mẹ nói sẽ ở với nhau vì tôi. Tôi vui vì điều đó, vui vì sau cơn mưa trời lại sáng, cha mẹ đã hòa thuận trở lại. Nhờ vậy mà tôi thoát khỏi bi kịch "tan đàn xẻ nghé" như nhiều gia đình khác. Tôi vẫn có đủ cha mẹ, họ vẫn ở bên cạnh, ở cùng một mái nhà và cùng chăm lo cho tôi. Điều tôi mừng hơn nữa là cha mẹ không thay đổi về mặt tình cảm dành cho nhau. Bằng chứng là ngoài chăm lo cho tôi, họ cũng chăm sóc nhau lúc ốm đau, bệnh tật; cùng nói chuyện, chia sẻ về công việc và những chuyện trong gia đình, nội ngoại hai bên. Có thể họ không yêu thương nhau nhiều như xưa nữa vì vợ chồng ở chung lâu năm rồi, nhưng tôi vẫn vui vì một lý do khác, đó là họ không có người thứ ba.
Khi trưởng thành và ra ngoài xã hội làm việc, tôi nhìn thấy nhiều vấn đề hơn trong hôn nhân, gia đình. Ngoài vấn đề không hợp nhau ở tính cách, không có tiếng nói chung, còn các vấn nạn khác như cờ bạc, nợ nần khiến nhiều cặp vợ chồng ly hôn, nhất là ngoại tình. Cha mẹ tôi chưa từng ngoại tình, nhưng tôi nghĩ do hoàn cảnh không khá giả gì, cha mẹ đi làm thuê, bận bịu "cơm áo gạo tiền" nên không có bồ bịch. Những gia đình có cha mẹ là người thành đạt khác, đa phần đều có người ngoại tình.
Tôi từng thử nghĩ nếu cha hoặc mẹ có người khác, mình cảm nhận thế nào? Tôi thử hình dung ra cảnh tượng đó và bị sốc, thậm chí bật khóc, cảm thấy vô cùng đau lòng. Đối với tôi, sự phản bội không chỉ đơn thuần là phản bội bạn đời mà còn là phản bội cả gia đình này, phản lại cả những người mang phận làm con như tôi. Tôi cũng cảm thấy nhục nhã và xấu hổ khi có người cha hoặc mẹ ngoại tình như thế. Có thể suốt đời tôi không bao giờ tha thứ được cho người phản bội đó. Tôi sẽ hận họ và không nhìn mặt, không nhìn nhận người đó là bậc sinh thành của mình nữa. Nghĩ đến cảnh có thêm mẹ ghẻ, cha dượng, tôi cũng không cảm thấy vui gì.
Nếu như một trong hai người thật sự tệ, ví dụ như bạo lực, rượu chè bê tha..., người con như tôi sẽ ủng hộ cha hoặc mẹ đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng chỉ là một trong hai người có điểm nào đó không tốt hoặc chuyện không có gì quá phức tạp, nghiêm trọng, tôi vẫn mong họ ngồi xuống nói chuyện, trao đổi, tìm kiếm và làm mọi cách để giải quyết vấn đề, thay vì đi tìm một người khác thay thế người cũ, để bù đắp khuyết điểm của người đó. Dù sao đi nữa, đứng ở vị trí của người con, tôi vẫn mong người ở bên cạnh mình mãi mãi là cha mẹ ruột, người đã sinh ra mình chứ không phải "người dưng nước lã" nào đó ngoài kia. Cảm ơn các bạn đã đọc quan điểm của tôi. Cảm ơn VnExpress.
Thu Hà
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc