Mới đây, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ, không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ cho phép áp dụng. Nhiều phụ huynh cho rằng điều này đã tước đi một cơ hội để trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm, môn ngoại ngữ thiết thực cho tương lai. Theo nhiều người, trường mầm non là môi trường thuận lợi để trẻ học ngoại ngữ.
Chị Thanh (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, con gái chị vốn nhút nhát. Chị từng đưa con tham gia một lớp học kỹ năng sống ở gần nhà, nhưng con nằng nặc đòi mẹ ngồi cùng, khi mẹ đi ra cũng khóc chạy theo, nên đành bỏ dở. Thế nhưng, từ ngày tham gia học lớp ngoại ngữ được tổ chức trong trường, bé hoạt bát hơn hẳn. "Con bé rất thích học tiếng Anh. Thông qua các hoạt động vui học của môn này, cháu bước đầu làm quen với ngoại ngữ và rất hào hứng đón nhận những điều mới mẻ", chị Thanh kể.
Gần đây, nghe thông tin các cơ sở mầm non bị cấm dạy tiếng Anh cho trẻ, chị Thanh băn khoăn: "Rõ ràng, môn tiếng Anh rất thiết thực cho con sau này đi học hay đi làm, trong khi đó từ lứa tuổi mầm non, các con tiếp nhận một ngôn ngữ mới một cách hào hứng và tự nhiên, nên rất dễ 'thấm'. Tại sao lại cấm?".
Chị Thanh cho hay, nếu trường mầm non không tiếp tục dạy Anh văn nữa, chị sẽ phải đi tìm một trung tâm ngoại ngữ cho con học. Tuy nhiên, như vậy vợ chồng chị sẽ phải bố trí thời gian phù hợp để đưa đón con.
Cho con học ngoại ngữ từ lúc bé chưa đầy 3 tuổi, chị Trúc (giảng viên một trường đại học tại Hà Nội) cho biết, hiện con chị 5 tuổi, đã rất tự tin giới thiệu về mình bằng tiếng Anh và phát âm khá chuẩn. Khi chọn trường mầm non cho con, ngoài tiêu chí không gian, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường, chị còn rất quan tâm đến chương trình và chất lượng dạy tiếng Anh ở đó.
"Tôi không ngại cho con học ở trường đắt tiền, chỉ vì tại đó có lớp dạy tiếng Anh tốt. Bởi trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nhưng phải được dạy bởi những người giỏi thực sự, phát âm thật chuẩn, nếu không sau này sẽ khó chỉnh", chị Trúc chia sẻ và cho hay nếu bây giờ trường mầm non không dạy ngoại ngữ, chị sẽ phải đưa con đi học ở trung tâm bên ngoài. Việc tìm được cơ sở dạy chất lượng, lại phù hợp với thời gian của bố mẹ, con và thuận tiện đưa đón không phải đơn giản.
Theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức cho trẻ học thêm tiếng Anh như một môn ngoại khóa, chiếm thời gian dạy chính khóa, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên có trình độ tiếng Anh còn hạn chế và nhu cầu của cha mẹ trẻ chưa nhiều.
"Việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong lúc các điều kiện, tài liệu, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới việc học tập sau này của các em, sẽ rất khó chỉnh lại", vị này cho hay.
Một số phụ huynh, nhất là những người có con học ở trường công, đồng tình với quy định cấm trường mầm non dạy tiếng Anh. Chị Bích Thục (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khi con trai chị học mẫu giáo bé, các cô đã có hình thức bắt phụ huynh đang ký cho trẻ học tiếng Anh tuần 3 tuổi, học phí mỗi tháng 450 nghìn đồng. Cháu nào không đi học thì cô tỏ ra không hài lòng.
"Mình không cho con tham gia vì thấy trung tâm liên kết với trường chẳng có tên tuổi, uy tín, không hiểu chất lượng đến đâu. Tiếng Anh quan trọng với trẻ, nhưng nếu ngay từ đầu đã học không chuẩn thì hại hơn lợi", chị Thục chia sẻ.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Nhà giáo dục Maria Montessori cho biết, trong giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ có thể tiếp thu và tự hình thành bất cứ ngôn ngữ nào, việc học 2 ngôn ngữ hay nhiều hơn như tiếng mẹ đẻ đều dễ dàng, miễn là trẻ được sống trong môi trường có sử dụng các ngôn ngữ đó.
Bà Lê Mai Hương (chuyên gia giáo dục Montessori) cũng cho rằng, trẻ học tiếng mẹ đẻ từ trước khi ra đời nên ngay từ khi mang bầu các mẹ đã có thể cho bé tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau qua việc nghe nhạc, xem phim, đi chơi với các bạn người nước ngoài, đi du lịch, học nấu món ăn nước ngoài, tham gia các sự kiện văn hóa nước ngoài... Khi em bé ra đời cả hai bố mẹ cùng phải quyết định sẽ giúp con học những ngôn ngữ gì và với ai. Mỗi ngôn ngữ sẽ được lưu giữ ở các phần khác nhau của não bộ, thế nên việc trộn ngôn ngữ làm trẻ không biết xếp nó ở đâu dẫn đến lẫn lộn khi sử dụng.
Theo bà Mai Hương, ở tuổi mầm non, trẻ tiếp nhận ngoại ngữ giống như khi học tiếng mẹ đẻ. Một em bé sơ sinh sẽ lắng nghe những lời người lớn nói, đến 1 tuổi bé có thể bi bô từ đơn, sau đó là từ đôi, rồi cụm từ và có thể nói câu đầy đủ khi 2 tuổi. Một em bé sinh ra ở Việt Nam nhưng sống cùng người nước ngoài học ngoại ngữ sẽ trải qua một quá trình tương tự.
"Việc dạy ngoại ngữ ở tuổi mầm non khác hoàn toàn dạy cho trẻ cấp 1 - không phải dạy theo tiết, mỗi tiết vài từ, câu, mà phải tạo môi trường cho ngôn ngữ được ứng dụng. Bé không học mà chỉ cảm nhận và biến kiến thức xung quanh thành của mình để thích nghi với môi trường sống", bà Hương nói.
Theo nhà giáo, khi trẻ ở tuổi mầm non, bố mẹ có thể cho bé tham gia các khóa học ngôn ngữ thiết kế đặc biệt cho trẻ mầm non từ những trung tâm có uy tín và dạy bởi những người được đào tạo bài bản để làm việc với trẻ. Hay lựa chọn một trường song ngữ tốt cho bé đi học và nếu số giờ sử dụng tiếng nước ngoài tương đương tiếng Việt, hai ngôn ngữ của bé sẽ phát triển đều như nhau. Những gia đình có điều kiện có thể mỗi năm đưa con đi du lịch nước ngoài để bé học ngôn ngữ và cả văn hóa liên quan.
"Đây là một cách tốn kém, nhưng chỉ cần sau ba tháng đi học với các bạn nước ngoài bé sẽ nói và hát được ngôn ngữ đó - điều mà một người lớn không bao giờ có thể làm được", bà Hương nói.
Vương Linh