Khi xu hướng toàn cầu hóa diễn ra với mức độ chóng mặt và sự giao lưu văn hóa ngày càng được coi trọng và trở nên dễ dàng hơn nhờ Internet, việc trẻ em phải nói được các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt là tất yếu để chuẩn bị cho tương lai.
Ở châu Âu, bạn có thể thấy 12 ngôn ngữ được in trên bao bì một cuộn giấy vệ sinh. Các trang web của Thụy Sỹ luôn được soạn bằng 4 thứ tiếng và học sinh trung học luôn học 2 đến 3 ngoại ngữ tùy theo trường. Việc trung tâm của thế giới đang dần dịch chuyển từ Mỹ sang châu Á, các trường mầm non tư thục trên toàn thế giới đã đưa tiếng Trung Quốc vào trong chương trình dạy bên cạnh tiếng Anh.
Theo thống kê trên thế giới, số người nói đa ngôn ngữ nhiều hơn số người nói một ngôn ngữ, đó là một điều bất ngờ cho các bậc cha mẹ tại Việt Nam. Vậy thì trẻ em và người lớn ở các nước khác học ngôn ngữ và ngoại ngữ như thế nào và bắt đầu từ bao giờ? Liệu điều đó có thể thực hiện được ở Việt Nam không? Câu trả lời đáng mừng là có và hoàn toàn có thể làm được kể cả khi bố mẹ không nói ngôn ngữ đó.
Trước tiên cần làm rõ ngôn ngữ mẹ đẻ (một hay nhiều hơn một ngôn ngữ), hay ngôn ngữ thứ nhất, là ngôn ngữ trẻ có được do hấp thụ từ trước khi sinh ra đến 6 tuổi và cảm thấy an toàn nhất khi sử dụng. Trẻ phát âm chuẩn, nói đúng ngữ điệu và ngữ pháp, hiểu rõ ngữ nghĩa, các ẩn ý, ngôn ngữ cơ thể... Ngôn ngữ thứ hai là các ngôn ngữ trẻ học qua việc được dạy, qua tư duy hiểu để nhớ từ 6 tuổi trở đi.
Theo Maria Montessori, trong giai đoạn 0-6 tuổi trẻ có thể tiếp thu và tự hình thành bất cứ ngôn ngữ nào, hai hay nhiều hơn hai ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ một cách dễ dàng miễn là trẻ được sống trong môi trường các ngôn ngữ đó được sử dụng. Lấy ví dụ, một em bé có mẹ người Việt, bố người Pháp đi học nhà trẻ ở Anh sẽ nói cả 3 ngôn ngữ trên như tiếng mẹ đẻ nếu được giúp đúng cách.
Vậy thì giúp trẻ như thế nào và bắt đầu tù khi nào để hiệu quả và đồng điệu với sự phát triển tự nhiên của trẻ? Trẻ học tiếng mẹ đẻ từ trước khi ra đời nên ngay từ khi mang bầu các mẹ đã có thể cho bé tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau qua việc nghe nhạc, xem phim, đi chơi với các bạn người nước ngoài, đi du lịch, học nấu các món ăn nước ngoài, tham gia các sự kiện văn hóa nước ngoài... Khi em bé ra đời cả hai bố mẹ cùng phải quyết định sẽ giúp con học những ngôn ngữ gì và với ai. Mỗi ngôn ngữ sẽ được lưu giữ ở các phần khác nhau của não bộ thế nên việc trộn ngôn ngữ làm trẻ không biết xếp nó ở đâu dẫn đến lẫn lộn khi sử dụng.
Có nên dạy con ngoại ngữ mình nói không? Bạn có thể làm thế nếu bạn tự tin trình độ của bạn ở mức tiếng mẹ đẻ, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ đó thay tiếng Việt không vấn đề gì. Và khi bạn đã quyết định nói với bé bằng ngôn ngữ đó thì chỉ sử dụng một ngôn ngữ đó làm công cụ giao tiếp với con suốt cả cuộc đời.
Nếu bố và mẹ không nói một ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt, cho bé tham gia các câu lạc bộ giao lưu với trẻ em quốc tế. Lập các nhóm trẻ quốc tế và cùng chơi vào các ngày cuối tuần. Ngôn ngữ không bao giờ là rào cản với các em bé cả. Các em bé sẽ nhanh chóng học cách giao tiếp với nhau.
Cách phổ biến nhất mà các cha mẹ ở các nước khác làm là thuê bảo mẫu từ nước bạn muốn con nói ngôn ngữ đó và yêu cầu bảo mẫu chỉ sử dụng ngôn ngữ đó khi giao tiếp với trẻ. Chỉ cần lên mạng tra aupair hay nanny là các bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn. Phần lớn bạn chỉ phải trả tiền vé máy bay, visa và một khoản tiền tiêu vặt hàng tuần cho aupair. Nanny là những người được đào tạo chuyên nghiệp, có chứng chỉ, có kiến thức chăm sóc trẻ sẽ tốn hơn rất nhiều. Học sinh tốt nghiệp cấp ba ở các nước phát triển thường dành một năm đi thực tế cuộc sống ở các nước khác nhau trên thế giới, hoặc là để trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, hoặc vì muốn học ngôn ngữ nên đi làm aupair.
Một cách nữa bạn có thể làm là đi du lịch mỗi năm tại các nước đó để bé học ngôn ngữ và cả văn hóa liên quan đến ngôn ngữ. Đây là một cách tốn kém nhưng chỉ cần sau ba tháng đi học với các bạn nước ngoài bé sẽ nói và hát được ngôn ngữ đó. Điều mà một người lớn không bao giờ có thể làm được.
Bạn cũng có thể cho bé tham gia các khóa học ngôn ngữ thiết kế đặc biệt cho trẻ mầm non từ những trung tâm có uy tín và dạy bởi những người được đào tạo bài bản để làm việc với trẻ. Hay lựa chọn một trường song ngữ tốt cho bé đi học và nếu số giờ sử dụng tiếng nước ngoài tương đương tiếng Việt, hai ngôn ngữ của bé sẽ phát triển đều như nhau.
Các bậc cha mẹ thường băn khoăn là học mỗi tiếng Việt thôi còn chưa xong học hai ngôn ngữ thì quá tải mất. Điều đó hoàn toàn không có cơ sở. Từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ có thể học được bất cứ điều gì nếu được trợ giúp đúng cách. Bé không học mà bé chỉ cảm nhận và biến kiến thức xung quanh thành của mình để thích nghi với môi trường sống. Ngôn ngữ là món quà quý giá chỉ có loài người mới có, hãy tặng nó cho con của bạn để làm tiền đề cho tương lai.
Lê Mai Hương
Chuyên gia giáo dục Montessori