Có lẽ đó là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong tối 20/9, khi thành phố Hà Nội thông báo nới lỏng giãn cách, cho phép các cơ quan, công sở, doanh nghiệp... làm việc tập trung trở lại theo nguyên tắc 50/50. Trong khi đó, các trường học tiếp tục áp dụng hình thức học trực tuyến.
Đặt câu hỏi nhưng chị Thoa, 41 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai biết sẽ chẳng có câu trả lời. Năm ngoái, ở tình huống này chị có nhiều lựa chọn: Gửi con cho dịch vụ trông giữ trẻ tự phát hoặc đưa con đi làm cùng, chờ vài hôm ông bà ở quê lên hỗ trợ. Năm nay, cậu bé Trường Anh đã vào lớp một, cần có người học cùng, thao tác trên thiết bị học online.
Người mẹ lên các hội nhóm trong chung cư tìm người trông trẻ nhưng không có. "Chỉ có dịch vụ trông giữ trẻ mầm non, không ai nhận trông trẻ có kèm dạy học", chị Thoa cho biết.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học này thành phố có gần 129.000 học sinh lớp 1. Nếu tính cả cấp tiểu học và THCS, thủ đô có khoảng 1,2 triệu học sinh. Điều này có nghĩa hàng trăm nghìn gia đình có chung nỗi đau đầu như của chị Thoa.
Với chị Hải Yến, 30 tuổi, ở Gia Lâm, nỗi lo còn tăng gấp đôi bởi ngoài cậu con lớn học lớp 1, cậu bé 4 tuổi cũng cần phải có người trông. Từ cuối tháng 7, công ty chồng và cơ quan chị yêu cầu làm việc luân phiên theo ngày chẵn lẻ nên hai người thay nhau ở nhà vừa làm việc, vừa chăm con. "Từ lúc nhận thông báo đi làm đủ cả tuần, nhà mình bỗng rối như tơ vò", người phụ nữ than thở, "Chăm đứa nhỏ đã khó, đứa lớn học bài cũng cần có người biết sử dụng máy tính, tải bài tập cô giao, chụp ảnh nộp bài cho cô qua ứng dụng. Những chuyện này người cao tuổi không làm được".
Theo cô Trần Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học Khương Thượng, đặc thù của trẻ khi vào lớp 1 không thể tập trung cao độ và tiếp nhận kiến thức suốt vài giờ. Việc có phụ huynh kèm cặp, đốc thúc con trong buổi học vô cùng quan trọng. "Trong hoàn cảnh hiện nay, trẻ không thể học online mà không có bố mẹ. Có thể nói, phụ huynh buộc phải thay cô dạy con. Con có thể hiểu bài hay không, ngoài giáo viên, công sức của bố mẹ chiếm đến 50%", cô Trang nói.
Ngoài chuyện phải có người lớn hỗ trợ khi con học trực tuyến, an toàn là lý do khiến một số phụ huynh không dám liều để con ở nhà một mình, dù trẻ đã học lớp 4-5, có thể tự chủ được một số sinh hoạt cơ bản. "Hôm 10/9, tôi đã rất sốc khi đọc tin bé trai 9 tuổi ở Thanh Xuân bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến. Trẻ nhỏ không ý thức được nguy hiểm về điện hay các đồ dùng sắc nhọn trong nhà. Việc để các con ở nhà một mình là không thể", chị Phan Thoa nói.
Dẫu vậy, mỗi gia đình đều có giải pháp cho riêng mình. Sau khi bàn tính, vợ chồng chị Yến quyết định đưa con sang gửi ông bà. "Ông bà chỉ lo cơm nước cho bọn trẻ. Tối nào mình cũng phải cho con làm bài tập cô giao trước để sáng mai nộp. Hôm nào cô giao ít bài, làm cố đến 10h là xong. Nhưng có hôm bài nhiều, phải cho con tự làm. Đến chiều mẹ về thấy chỗ nào sai lại xoá đi cho viết lại", chị Yến nói.
Giải pháp của chị Thoa là đưa con lên cơ quan. Sáng 21/9, bé Trường Anh được mẹ sắp xếp sách bút, máy tính lên một chiếc bàn trống kèm lời dặn "các cô chú đang làm việc, con phải tập trung học và giữ trật tự, cấm ồn ào". "Hết cách mình mới phải làm thế này. Hơi bất tiện nhưng nó thỏa mãn cả hai điều kiện, mẹ vẫn làm việc mà vẫn giám sát được con", người phụ nữ 41 tuổi nói.
Chị Hồng Hà, 49 tuổi, ở Cầu Giấy cho biết, vợ chồng chị quyết định tiếp tục xin cơ quan cho làm việc từ xa luân phiên để thay nhau ở nhà cùng cậu con đang học lớp 4. "Chắc là cũng sẽ không được lâu nhưng giờ được ngày nào tốt ngày ấy", chị chia sẻ.
Bà mẹ này cho biết thêm, nếu tháng 11 học sinh vẫn chưa được trở lại trường, gia đình sẽ phải lắp camera ở nhà để đồng hành cùng con. Con trai 9 tuổi, có thể thực hiện các thao tác cơ bản như bật tắt mic, chủ động nghe giảng và làm bài. Nhà cách cơ quan 5 km, chị sẽ chuẩn bị máy móc sẵn cho con vào buổi sáng, đến cơ quan sẽ theo dõi qua camera và về nhà trước giờ con tan học.
"Nếu phải để con ở nhà, vợ chồng mình chắc chắn sẽ trang bị các kỹ năng cần thiết để con tự bảo vệ mình, phòng chống giật điện, cháy nổ. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên nhắn tin với cô giáo để theo dõi tình hình của con", chị Hà nói.
Thúy Quỳnh